|
Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho tình nguyện viên (Ảnh - Hoàng Anh) |
Đây là nội dung chính trong Hướng dẫn tiếp nhận, bảo quản, phân phối và sử dụng vaccine phòng COVID-19 giai đoạn 2021-2022 vừa được Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên ký vào chiều nay, ngày 5/3.
Theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, Hướng dẫn được Bộ Y tế đưa ra nhằm huy động tối đa các lực lượng tham gia tiêm chủng (gồm các cơ sở Y tế trên toàn quốc, cơ sở đào đạo về y tế để tổ chức chiến dịch tiêm chủng); tổ chức triển khai tiêm chủng ngay sau khi tiếp nhận vaccine; đảm bảo tỷ lệ bao phủ cao, an toàn tiêm chủng và tiếp cận công bằng cho người dân.
|
Công văn do Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên ký chiều nay, 5/3 |
Tiêm chiến dịch bằng hệ thống tiêm chủng mở rộng sẵn có
Theo Bộ Y tế, việc tiêm vaccine phòng COVID-19 sẽ được tổ chức theo hình thức tiêm chiến dịch trong thời gian ngắn nhất, sử dụng hệ thống tiêm chủng mở rộng sẵn có trong trường hợp cần thiết. Sở Y tế các tỉnh, thành phố sẽ huy động các cơ sở tiêm chủng dịch vụ của nhà nước, tư nhân và các cơ sở khác đủ điều kiện tiêm chủng tham gia tổ chức tiêm chủng.
Đối với các đơn vị đủ điều kiện tiêm, Trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố sẽ hướng dẫn các đơn vị tổ chức tiêm chủng cho các đối tượng theo quy định. Đối với các cơ sở y tế chưa công bố cơ sở đủ điều kiện tiêm chủng, Sở Y tế chỉ đạo việc triển khai các cơ sở tiêm chủng lưu động bảo đảm đủ điều kiện tiêm chủng để triển khai kế hoạch của địa phương.
Theo đó, bệnh viện trung ương, tỉnh/thành phố, bệnh viện và Trung tâm Y tế cấp huyện sẽ tiêm cho các đối tượng là các cán bộ y tế, nhân viên tham gia phòng chống dịch tại cơ sở, các đối tượng đang điều trị tại bệnh viện và các đối tượng khác theo kế hoạch của địa phương nhưng phải đảm bảo đúng đối tượng theo quy định.
Các bệnh viện phải tổ chức đội cấp cứu tại đơn vị mình và hỗ trợ cho các điểm tiêm chủng, đặc biệt là các xã ở các vùng đi lại khó khăn, huy động ít nhất 1 đội cấp cứu lưu động tại mỗi cụm 3-4 xã theo sự phân công của địa phương.
Trong thời gian triển khai tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, thành phố phải dự phòng cơ số giường bệnh hồi sức tích cực nhất định (để trống tối thiểu 5 giường bệnh viện) để sẵn sàng xử trí trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng.
Trạm Y tế cấp xã sẽ tổ chức chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 tại trạm và điểm tiêm lưu động. Tiêm vaccine cho nhân viên y tế, nhân viên tham gia công tác phòng chống dịch, lực lượng quốc phòng, công an, giáo viên trên địa bàn, những người cung cấp các dịch vụ thiết yếu, những người già trên 65 tuổi đang sinh sống trên địa bàn và các trường hợp mắc bệnh mãn tính không điều trị nội trú theo kế hoạch của địa phương, sau khi kết thúc chiến dịch phải tiến hành tiêm vét cho các đối tượng chưa được tiêm (các đối tượng tiêm phải đúng qui định); bố trí trang thiết bị, phương tiện xử trí cấp cứu tại chỗ và phương án cụ thể để hỗ trợ cấp cứu trong trường hợp cần thiết.
Về phía bệnh viện, bệnh xá, cơ sở y tế thuộc các Bộ, ngành cần xây dựng kế hoạch, thực hiện tiêm cho các đối tượng thuộc ngành mình qui định và hỗ trợ cho ngành y tế để triển khai cho các đối tượng khác (trong trường hợp cần thiết); bố trí trang thiết bị, phương tiện xử trí cấp cứu tại chỗ và phương án cụ thể để hỗ trợ cấp cứu trong trường hợp cần thiết. Còn cơ sở tiêm chủng dịch vụ sẽ tiêm cho các đối tượng theo chỉ đạo của Sở Y tế.
Giám sát và xử trí sự cố bất lợi sau tiêm chủng
Nhằm giám sát, xử trí sự cố bất lợi sau tiêm chủng, Cục Y tế dự phòng sẽ chủ trì, phối hợp với các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur, Sở Y tế các tỉnh, thành phố, Trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố xây dựng hướng dẫn.
Trước khi có hướng dẫn, các cơ sở tiêm chủng, Cục Y tế dự phòng, Sở Y tế các tỉnh, thành phố, các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur, Trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố, trung tâm y tế cấp huyện thực hiện giám sát chủ động sự cố bất lợi sau tiêm chủng theo Hướng dẫn của Bộ Y tế. Hệ thống giám sát sự cố bất lợi sau tiêm chủng bao gồm các đơn vị thực hiện và các đơn vị phối hợp từ trung ương đến địa phương.
Khi xảy ra trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng, quy trình điều tra, báo cáo và thông báo kết quả điều tra, xử trí trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng được thực hiện theo Nghị định của Chính phủ.
Nếu có trường hợp gặp tai biến nặng sau tiêm chủng, Hội đồng tư vấn chuyên môn sẽ đánh giá nguyên nhân tai biến nặng trong quá trình sử dụng vaccine; các hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá nguyên nhân tai biến nặng khi sử dụng vaccinetừ cấp trung ương đến cấp tỉnh thành phố được thành lập, tổ chức và hoạt động theo Thông tư của Bộ Y tế.
Về vấn đề xử trí phản vệ trong quá trình sử dụng vaccine, quy trình chẩn đoán và xử trí phản vệ sẽ được các bệnh viện thực hiện đúng theo hướng dẫn phòng, chẩn đoán và xử trí phản vệ của Bộ Y tế. Quy trình xử trí này được đào tạo định kì cho các cán bộ tham gia vào quá trình tiêm tại các tuyến, các cơ sở khám chữa bệnh.
Trước, trong và sau chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19, Cục Y tế dự phòng, Dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia và tiêm chủng mở rộng các khu vực, Sở Y tế và các đơn vị liên quan sẽ tiến hành theo dõi, giám sát các hoạt động tiêm vaccine.
|
Vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca (Ảnh: AFP) |
Trước đó, vào ngày 24/2, hơn 117.600 liều vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca đã về tới Việt Nam. Đến nay, sau những cuộc làm việc với phía nhà sản xuất tại Hàn Quốc, đã có giấy kiểm định chất lượng lô vắc xin xuất xưởng. Sau đó, Bộ Y tế đã giao một đơn vị kiểm nghiệm lô vắc xin này. Đến nay đã đảm bảo điều kiện tiêm cho người dân Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, vaccine phòng COVID-19 sẽ được chuyển tới 18 cơ sở đang điều trị bệnh nhân COVID-19 để tiêm cho những người trực tiếp tham gia quá trình điều trị bệnh nhân; các đối tượng theo Nghị quyết 21; các vùng dịch (tập trung cho 13 tỉnh có dịch, trong đó tập trung nhất cho Hải Dương. Những người tiêm vaccine sẽ được quản lý, theo dõi bằng hồ sơ sức khoẻ điện tử, có chứng nhận điện tử đã được tiêm vaccine.