Chiến đấu cơ F-35 giữa “tâm bão” chính trị: Các đồng minh của Mỹ dè chừng nhưng chưa dám rút

Chính quyền Trump đã khuấy đảo chương trình chiến đấu cơ tàng hình F-35, khiến một số đồng minh tỏ ra hoài nghi. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có làn sóng từ bỏ nào từ các đối tác quốc tế.
Chiến đấu cơ F-35 Lightning II được coi là máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 hàng đầu. Một số đồng minh của Mỹ đã đặt câu hỏi về việc mua mẫu chiến đấu cơ này, nhưng hầu hết vẫn đang gắn bó với nó cho đến bây giờ. Ảnh: BQP Mỹ.

Thái độ xem nhẹ quốc phòng châu Âu và những căng thẳng chính trị khác dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khiến Canada và Bồ Đào Nha cân nhắc lại các thỏa thuận mua F-35 – dòng máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 do tập đoàn quốc phòng Mỹ Lockheed Martin sản xuất, và cũng là một trong những mặt hàng xuất khẩu vũ khí hàng đầu của Mỹ.

Tình hình đó đã mở ra cơ hội cho các lựa chọn thay thế F-35 tại châu Âu. Hãng Saab (Thụy Điển) cho biết nhiều đối tác tiềm năng đang thảo luận với họ mẫu chiến đấu cơ JAS 39 Gripen.

Tuy nhiên, các quốc gia hiện đang sử dụng F-35 nói với hãng Business Insider rằng họ chưa có ý định từ bỏ F-35. Một số quốc gia còn nhấn mạnh cam kết với loại chiến đấu cơ này và mong muốn tiếp tục duy trì hợp tác quốc phòng chặt chẽ với Mỹ.

Lockheed Martin khẳng định rằng các thương vụ F-35 là vấn đề giữa chính phủ Mỹ và các quốc gia mua vũ khí.

F-35 hiện đang phục vụ trong nhiều quân đội trên thế giới và đã có kinh nghiệm chiến đấu thực tế kể từ chuyến bay đầu tiên cách đây gần 20 năm. Dù là chương trình vũ khí đắt đỏ nhất thế giới và đang gặp khó khăn về bảo trì và khả năng duy trì hoạt động, F-35 vẫn được coi là chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 hàng đầu.

Một chiếc F-35 cất cánh từ Căn cứ Không quân Hill ở Utah, Mỹ. Ảnh: BQP Mỹ.

Tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Bồ Đào Nha cho biết nước này nên cân nhắc lại việc thay thế phi đội F-16 bằng F-35, do lo ngại về lập trường của Mỹ trong các vấn đề an ninh. Ngay sau đó, người đứng đầu Bộ Quốc phòng Canada cũng tuyên bố sẽ xem xét các lựa chọn thay thế F-35, giữa bối cảnh căng thẳng với chính quyền Trump về thuế quan và các mối đe dọa thương mại.

Cả Bồ Đào Nha và Canada đều là thành viên NATO. Tuy nhiên, Bồ Đào Nha hiện chưa phải là khách hàng của F-35, còn Canada lại là một trong những quốc gia tham gia chương trình này từ đầu, nên có vị thế khá đặc biệt.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Canada cho biết nước này không hủy kế hoạch mua F-35, dự kiến sẽ bắt đầu nhận mẫu chiến đấu cơ này vào năm sau. Họ nói rằng quân đội đang ở giai đoạn đầu của việc đánh giá lại kế hoạch một cách hiệu quả và toàn diện.

Cho đến thời điểm hiện tại, Bồ Đào Nha và Canada là hai quốc gia duy nhất công khai thể hiện ý định có thể chuyển hướng khỏi F-35. Trong khi đó, 4 quốc gia tham gia chương trình F-35 – bao gồm Anh, Australia, Đan Mạch và Hà Lan – đều khẳng định rằng họ tiếp tục ủng hộ loại máy bay này.

Anh cho hay F-35 là một phần trong chiến lược công nghiệp quốc phòng mới của họ. Australia khẳng định "cam kết tiếp tục đầu tư" vào F-35. Đan Mạch và Hà Lan nhấn mạnh sự hợp tác chặt chẽ với Mỹ và mong muốn duy trì mối quan hệ đó.

Một chiếc JAS 39 Gripen của Thuỵ Điển. Ảnh: Saab.

Ba Lan, một khách hàng khác, cho biết chương trình F-35 của họ vẫn đang diễn ra đúng tiến độ. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng nước này nói cho hay: "Hiện tại, chưa có quyết định nào về việc chấm dứt các thỏa thuận đã ký với phía Mỹ".

Tương tự, Đức cũng phát tín hiệu trung thành với chương trình và đang chờ nhận 35 chiếc F-35.

Các đồng minh vẫn gắn bó với F-35…ở hiện tại

Các chuyên gia phân tích cho rằng có nhiều lý do khiến các quốc gia chưa từ bỏ F-35, trong đó có sự ràng buộc với chương trình và khối lượng công việc lớn nếu phải chuyển sang một loại máy bay mới.

Chuyên gia hàng không Richard Aboulafia – Giám đốc điều hành hãng tư vấn AeroDynamic Advisory – lý giải rằng nhiều quốc gia đã đặt mua và thanh toán cho một số lượng lớn F-35, ngay cả khi chúng chưa được bàn giao.

"Giờ đã quá muộn để quay đầu. Họ còn có thể nói gì?", ông Aboulafia cho hay.

Vị chuyên gia cũng cho rằng F-35 vượt trội hơn các đối thủ như Eurofighter Typhoon, và các đồng minh của Mỹ sẽ cần lý do thực sự thuyết phục để từ bỏ loại chiến đấu cơ này.

Trong bối cảnh hệ thống tên lửa phòng không và máy bay chiến đấu thế hệ cũ đang được nâng cấp, thì những năng lực của chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 như F-35 vẫn rất hấp dẫn – đặc biệt là khi các công nghệ chiến đấu cơ thế hệ thứ 6 phải mất nhiều năm nữa mới sẵn sàng.

Hợp đồng cho mẫu máy bay chiến đấu thế hệ 6 đầu tiên của Mỹ, F-47, mới chỉ vừa được ký kết gần đây. Và dù công nghệ drone đã phát triển, nó vẫn chưa thể thay thế hoàn toàn các máy bay chiến đấu có người lái hiện đại.

Khác với các máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4, F-35 sở hữu khả năng tàng hình toàn diện, hệ thống điện tử hàng không tiên tiến, cảm biến hiện đại và khả năng kết nối chiến đấu vượt trội, cho phép thực hiện nhiều loại nhiệm vụ – từ không chiến đến tấn công mục tiêu mặt đất, thậm chí chỉ huy toàn chiến dịch.

F-35 có ba biến thể:

  • F-35A: có trang bị pháo.
  • F-35B: có thể cất/hạ cánh thẳng đứng, phù hợp với tàu đổ bộ và một số tàu sân bay châu Âu.
  • F-35C: được thiết kế cho hoạt động trên tàu sân bay của Hải quân Mỹ.

Các đồng minh nước ngoài của Mỹ chủ yếu sử dụng phiên bản A và B. Nhật Bản đã đặt hàng hơn 100 chiếc F-35A và hơn 40 chiếc F-35B để triển khai từ các tàu khu trục lớp Izumo. Anh đã mua phiên bản B cho các tàu sân bay lớp Queen Elizabeth.

Một góc nhìn về dây chuyền sản xuất F-35 tại Forth Worth, Texas, Mỹ. Ảnh: Lockheed Martin.

Khó thay thế F-35

Các đồng minh của Mỹ đã tận dụng tốt khả năng chiến đấu của F-35 cho nhiều nhiệm vụ khác nhau. Ví dụ, Israel đã dùng F-35 để thực hiện những cuộc tấn công hiệu quả vào các mục tiêu liên quan đến Iran.

Mark Cancian – đại tá Thủy quân lục chiến Mỹ đã nghỉ hưu và hiện là cố vấn cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) – nhận định rằng việc bảo trì, huấn luyện và cung cấp phụ tùng cho F-35 quá phức tạp và tốn kém để các quốc gia có thể dễ dàng thay đổi kế hoạch.

"Phần lớn các quốc gia còn đang gặp khó khăn trong việc duy trì một loại chiến đấu cơ duy nhất. Họ sẽ không thể hỗ trợ hai chuỗi cung ứng và quy trình đào tạo khác nhau", ông Cancian cho hay.

Mặc dù hiện chưa có quốc gia nào chính thức từ bỏ F-35, khả năng này vẫn có thể xảy ra trong tương lai nếu xuất hiện một lựa chọn thay thế khả thi hơn. Tuy nhiên, hiện tại, F-35 vẫn là chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 duy nhất đang sẵn sàng được cung cấp cho cả Mỹ và các đồng minh.

Ông Aboulafia cho rằng một số khách hàng F-35 vẫn còn đang hoài nghi về chương trình này. Ông nhấn mạnh rằng vấn đề đáng chú ý hơn là việc các khách hàng lớn như Anh và Nhật có thể sẽ chuyển hướng sang các dự án hợp tác phát triển máy bay chiến đấu mới.

Hai ví dụ tiềm năng là: Chương trình Máy bay Chiến đấu Toàn cầu (Global Combat Air Programme), dự án hợp tác giữa Anh, Italy và Nhật Bản nhằm phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6. KAI KF-21 Boramae, một sáng kiến do Hàn Quốc dẫn đầu.

Theo Business Insider