DIỄN ĐÀN: THUỐC LÁ MỚI - QUẢN HAY CẤM?

Chi phí y tế cao gấp 5 lần tiền thu thuế thuốc lá

Theo nghiên cứu, tổng chi phí y tế liên quan hút thuốc ở Việt Nam năm 2022 lên đến 108.200 tỷ. Trong khi tổng nguồn thu thuế từ thuốc lá là 17.600 tỷ (chưa bằng 1/5).

Sau khi đăng bài về việc Bộ Y tế nhất quán quan điểm "phải cấm thuốc lá mới cấm vì chứa nicotine, ảnh hưởng chất lượng giống nòi", VietTimes đã nhận được nhiều ý kiến đồng tình.

Trước những hệ luỵ khôn lường của thuốc lá mới, một số cơ quan chức năng cũng đưa ra quan điểm về việc cấm hay quản thuốc lá mới.

Số trẻ em sử dụng thuốc lá mới tăng nhanh chóng

Đề xuất cấp phép thí điểm quản lý thuốc lá nung nóng, nhưng đại diện Bộ Công thương đưa ra những ý kiến được nhiều đánh giá là chưa thuyết phục: “Kết quả nghiên cứu cho thấy, số lượng người sử dụng, kinh doanh thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang rất nhiều. Nhận thấy các chế tài, văn bản pháp lý hiện nay chưa rõ ràng, chưa đủ tính răn đe đối với các đối tượng sản xuất, mua bán hàng giả, nên Bộ Công Thương đã thận trọng kiến nghị thí điểm với mục đích nâng cao hiệu quả quản lý trong vấn đề này”.

Không đồng tình với đề xuất này, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan chứng minh bằng những con số nghiên cứu về việc sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Theo đó, tỉ lệ hút thuốc lá điện tử ở người trưởng thành tăng 18 lần, đặc biệt là số trẻ em sử dụng thuốc lá điện tử ở nhóm tuổi 13-17 tăng từ 2,6% năm 2019 lên 8,1% năm 2023; ở nhóm 13-15 tuổi, tỷ lệ tăng hơn gấp đôi từ 3,5% năm 2022, lên 8% năm 2023.

Nữ giới, vốn không hút thuốc lá, nay đã là 4.3% ở các bé gái 11-18 sử dụng thuốc lá điện tử.

Cháu bé hơn 10 tuổi nhập viện cấp cứu sau khi dùng thuốc lá thế hệ mới trộn ma tuý

“Tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng là khôn lường đối với sức khỏe con người. Mỗi năm, Việt Nam có ít nhất 40.000 người tử vong vì các bệnh liên quan đến thuốc lá, mà đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi là những nguyên nhân chính. Riêng trong năm 2023, tại 700 cơ sở y tế, đã có 1.224 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.

Khẳng định sự nguy hại của thuốc lá thế hệ mới với sức khoẻ người dùng, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết các nghiên cứu của WHO và CDC Hoa Kỳ đều cho thấy các loại thuốc lá mới gây ra các bệnh mãn tính nguy hiểm như ung thư, tim mạch, bệnh hô hấp, đặc biệt là sức khỏe tâm thần...

Ngoài ra, thuốc lá điện tử còn có nguy cơ gây ra hội chứng tổn thương phổi cấp (EVALI), ngộ độc, thương tích do nổ pin, tăng nguy cơ sử dụng ma tuý. Riêng tại Mỹ, hội chứng tổn thương phổi cấp khiến nhiều ca nhập viện, 68 thanh, thiếu niên tử vong, hơn 2.000 ca chấn thương do bị nổ pin trong giai đoạn 2015-2017.

Đặc biệt, loại thuốc lá lai giữa thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng còn mang tác hại của cả thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng.

Gây đẻ non, thai chết lưu

Bộ trưởng Đào Hồng Lan khẳng định thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng là nguy cơ cho thế hệ tương lai của đất nước. Phơi nhiễm nicotine tác động bất lợi cho sức khỏe bà mẹ và bào thai, gây ra đẻ non, thai chết lưu, tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch, hậu quả nghiêm trọng với sự phát triển não bộ bào thai, trẻ em và vị thành niên.

Việc nghiện nicotine dẫn đến rối loạn nhận thức và cảm xúc, giảm khả năng học tập và rối loạn tâm thần. Vì thế, nicotine thuộc danh mục độc dược ở Úc, Bỉ, Brunei và Hồng Kông, Trung Quốc.

Bệnh nhân được đưa vào cấp cứu sau khi dùng thuốc lá thế hệ mới

Trong khi các hãng thuốc lá thế hệ mới cho rằng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng giúp giảm sử dụng thuốc lá điếu ở giới trẻ, thì các nghiên cứu của WHO chứng minh ngược lại: Người chưa bao giờ hút thuốc lá nhưng khi sử dụng thuốc lá điện tử thì nguy cơ hút thuốc lá điếu cao hơn 3,5 lần so với với người chưa sử dụng thuốc lá điện tử. Khoảng 70% người dùng thuốc lá nung nóng ở Nhật Bản và 96,2% người ở Hàn Quốc sử dụng đồng thời thuốc lá nung nóng và thuốc lá thông thường.

Đặc biệt, có mối liên quan chặt chẽ giữa sử dụng thuốc lá điện tử với dùng ma túy, hút shisha và các chất gây nghiện. Điều tra ở Mỹ cho thấy 30.6% thanh thiếu niên (lớp 6-12) sử dụng thuốc lá điện tử từng phối trộn ma túy với dung dịch điện tử.

Thực tế cho thấy các nước cho phép thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng dù có chính sách cấm bán cho trẻ vị thành niên vẫn thất bại trong ngăn chặn sử dụng. Tại Mỹ, giai đoạn 2017-2019 tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử tăng vọt từ 11,7% lên 27,5% ở học sinh THPT, và từ 3,3% lên 10,5% ở học sinh THCS. Năm 2020, Chính phủ Mỹ phải kêu gọi hành động khẩn cấp “Nạn dịch thuốc lá điện tử ở thanh, thiếu niên”.

Tại Anh, sử dụng thuốc lá điện tử ở trẻ gái 15 tuổi tăng từ 10% năm 2018 lên 21% vào năm 2021, trong khi ở New Zealand 27% thanh niên sử dụng thuốc lá điện tử. Tại Philippines, học sinh 13-15 tuổi từng sử dụng thuốc lá điện tử đã tăng từ 11,7% năm 2015 lên 24,6% năm 2019.

Cũng đồng tình với việc cấm thuốc lá mới, đại diện Bộ Công an cho hay từ năm 2020 đến quý I năm 2024, lực lượng công an đã phát hiện 728 vụ/883 đối tượng liên quan đến thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng, trong đó phạm tội về ma tuý 162 vụ/299 đối tượng.

Sol khí/khói toả ra của thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng là một hỗn hợp các hóa chất độc hại có nồng độ nicotin, hoá chất, và các chất gây ung thư vượt quá mức khuyến nghị của WHO. Chính vì thế, thuốc lá mới tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tệ nạn xã hội, nhất là sử dụng ma túy và các chất gây nghiện, ảnh hưởng đến sức khỏe, an ninh trật tự xã hội.

Thiệt hại kinh tế gấp 5 lần tiền thu thuế thuốc lá

Tăng nguồn thu từ thuế là quan điểm của những người ủng hộ việc thí điểm cấp phép cho thuốc lá thế hệ mới. Thế nhưng, theo ước tính của Hội Khoa học Kinh tế Y tế, tổng chi phí liên quan hút thuốc ở Việt Nam năm 2022 lên đến 108.200 tỷ đồng, tương đương 1,14% GDP. Chi phí y tế trực tiếp chiếm 15,2%, chi phí gián tiếp do bệnh tật chiếm 5,5% và chi phí gián tiếp do tử vong chiếm 79,3% tổng chi phí.

Trong khi đó, tổng nguồn thu thuế từ thuốc lá năm 2022 là 17.600 tỷ, chưa bằng 1/5 chi phí y tế.

Nạn nhân của thuốc lá thế hệ mới được cấp cứu tại Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai

Những tổn thất trên chưa kể tới việc người dân mỗi năm phải bỏ ra gần 50.000 tỷ đồng để mua thuốc lá. Do đó, việc cho phép các sản phẩm thuốc lá mới sẽ chỉ làm trầm trọng thêm gánh nặng kinh tế do thuốc lá gây ra.

Chưa kể, chất thải từ thuốc lá điện tử bao gồm chất thải nhựa, rác thải điện tử (pin) và chất thải hóa học nguy hại còn tác động xấu đến môi trường.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết do việc sửa đổi, bổ sung Luật Phòng chống tác hại thuốc lá để quản lý thuốc lá mới cần nhiều thời gian, trong khi thuốc lá mới là vấn đề nóng, khả năng gây nghiện nhanh, dư luận cực kỳ quan tâm, cần phải khẩn trương có biện pháp ngăn chặn. Bộ Y tế đang nghiên cứu, đề xuất Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc mới khác.

Hiện có ít nhất 39 nước và vùng lãnh thổ cấm thuốc lá điện tử. Hong Kong, Đài Loan Trung Quốc và Venezuela chuyển từ kiểm soát sang cấm hoàn toàn. Trong ASEAN, có 5 nước cấm hoàn toàn là Thái Lan, Singapore, Lào, Brunei và Campuchia.

Đã có 18 quốc gia cấm thuốc lá nung nóng, trong đó, 5 nước thuộc ASEAN là Campuchia, Lào, Singapore, Thái Lan, Brunei. Không nước nào bán thuốc lá nung nóng dưới dạng được cấp phép và thuốc kê đơn. 71 nước quản lý thuốc lá nung nóng, trong đó 27 nước thuộc Liên minh châu Âu.