Chi hội Nhà báo Truyền thông số Việt Nam được thành lập theo quyết định số 352/QĐ-HNBVN ngày 23/12/2020 của Hội Nhà báo Việt Nam.
Trải qua quá trình hình thành và phát triển, thời gian qua đội ngũ cán bộ của Chi hội đã luôn đoàn kết, nỗ lực lao động, sáng tạo, vượt qua mọi áp lực, khó khăn trong thời đại bùng nổ thông tin để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, xứng đáng với sự tin cậy của cơ quan chủ quản.
Thay mặt Ban thư ký Chi hội nhiệm kỳ 2021-2023, ông Hoàng Đình Chung, Ủy viên Ban thư ký Chi hội đã báo cáo về hoạt động của Chi hội .
Theo đó, trong nhiệm kỳ vừa qua, Chi hội đã tuân thủ nguyên tắc báo cáo, chấp hành nghiêm chỉnh chủ trương, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Cấp ủy, Ban Lãnh đạo Hội Truyền thông số Việt Nam trong việc tổ chức các chương trình, hoạt động.
Chi hội đã phân công công việc cụ thể cho các thành viên, phát huy thế mạnh, sở trường, sự nhiệt tình, chủ động của các thành viên. Chi hội cũng đã xác định trọng tâm lĩnh vực hoạt động là chú trọng vào các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ. Từ đó triển khai các hoạt động như tổ chức lớp học nghiệp vụ, sinh hoạt nghiệp vụ; mời các chuyên gia, giảng viên bồi dưỡng kiến thức chuyên môn cho hội viên.
Chi hội đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, tổ chức đoàn thể trong cơ quan để triển khai các hoạt động của Chi hội; Tham gia các hội thảo, tọa đàm do Hội Nhà báo tổ chức; Hưởng ứng tích cực các hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam như tham gia Hội Báo Xuân, Hội Báo toàn quốc hàng năm.
Đặc biệt, Ban Thư ký đoàn kết, đồng thuận. Từng cá nhân các thành viên trong Ban Thư ký dù đều kiêm nhiệm với các hoạt động chuyên môn song đã cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình; thực hiện nghiêm chỉnh quy định về đạo đức người làm báo Việt Nam.
Tuy nhiên, Ban Thư ký Chi hội cũng thẳng thắn nhìn nhận một số hạn chế, thiếu sót như: Ban Thư ký kiêm nhiệm, chưa tập trung nhiều vào công tác của Hội nên không tránh khỏi những khó khăn, thiếu sót; Chi hội chưa có các hình thức hoạt động phù hợp với điều kiện hội viên ở các địa bàn xa, vì thế chưa phát huy được sức mạnh của các hội viên...
Kết nạp Hội viên với 100% người làm báo đủ điều kiện, đúng tiêu chuẩn
Nhà báo Lê Đức Sảo - Thư ký Chi hội Nhà báo Truyền thông số đã có bài báo cáo tổng kết hoạt động Chi hội và nêu phương hướng hoạt động trong thời gian tới (nhiệm kỳ 2024-2026).
Theo đó, Chi hội phấn đấu trong thời gian tới sẽ hoàn thiện và hoạt động có hiệu quả trang thông tin điện tử tổng hợp.
100% hội viên được học tập, quán triệt Luật Báo chí 2016, cam kết không vi phạm Luật Báo chí, 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam; 100% hội viên đăng ký thi đua, thực hiện tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh.
80% hội viên được tham gia các lớp học nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ chính trị do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức; Tích cực tham gia các cuộc thi viết và các hoạt động nghiệp vụ do Hội Nhà báo Việt Nam và Ban Tuyên giáo các cấp tổ chức.
Ngoài ra, Chi hội phấn đấu kết nạp hội viên đối với 100% người làm báo đủ điều kiện, đúng tiêu chuẩn; Duy trì sinh hoạt chi hội 3 tháng 1 lần với nội dung thiết thực; Tuyên truyền, tổ chức các hoạt động thiết thực hướng tới kỷ niệm Ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam, Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam,...
Hiện nay, Chi hội nhà báo Hội Truyền thông số Việt Nam đã có hơn 30 hội viên. Cán bộ, phóng viên, cộng tác viên của Chi hội luôn nêu cao tinh thần tự giác, trách nhiệm, chủ động khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt các nhiệm vụ chuyên môn được lãnh đạo giao, góp phần xây dựng phát triển Chi hội trong những năm qua
"Với những kết quả đã đạt được và những kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn hoạt động vừa qua, Chi hội Nhà báo Truyền thông số Việt Nam mong muốn toàn thể hội viên tiếp tục nỗ lực không ngừng để cùng vượt qua được những khó khăn, thử thách, ngày càng phát triển lớn mạnh", nhà báo Lê Đức Sảo nhấn mạnh.
Nhà báo Chi hội phải tham gia các cuộc thi, giải thưởng báo chí
Nhà báo Đỗ Thị Minh Ngọc, thành viên Chi hội đã chia sẻ ý kiến đóng góp cho hoạt động của Chi hội trong thời gian tới.
Theo bà Ngọc, Chi hội cần chú ý bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ báo chí cho hội viên. Ban thư ký Chi hội phải năng động, phối hợp chặt chẽ hơn với Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam để tham dự các buổi tọa đàm chuyên sâu của Trung ương Hội cũng như các lớp tập huấn nghiệp vụ do Trung ương Hội tổ chức.
Phải mở rộng giao lưu giữa các chi hội nhà báo, chẳng hạn Liên chi hội của Bộ Thông tin và Truyền thông, các liên chi hội của các tỉnh, thành phố.
Nhà báo Đỗ Thị Minh Ngọc cũng mong muốn các hội viên mạnh dạn tham gia các cuộc thi báo chí, các chuyên đề chính trị, xã hội, kinh tế.
Tiếp lời nhà báo Đỗ Thị Minh Ngọc, nhà báo Nguyễn Bá Kiên - Tổng biên tập Tạp chí điện tử VietTimes chia sẻ rằng mình mới gia nhập Chi hội. Tuy nhiên, với kinh nghiệm giữ vai trò Tổng biên tập báo Giao thông trong 2 nhiệm kỳ, ông Nguyễn Bá Kiên đã có đôi điều chia sẻ với Đại hội.
Theo ông Nguyễn Bá Kiên, Chi hội Nhà báo Truyền thông số trong những năm qua đã làm được rất nhiều việc có ý nghĩa, lan tỏa được trong xã hội như các hoạt động tọa đàm, tổ chức sự kiện kết hợp với CLB Cafe số. Tuy nhiên, một trong những vấn đề mà Chi hội cần giải quyết, đó là kinh phí hoạt động. Nhà báo Nguyễn Bá Kiên cho rằng có thể lấy kinh phí từ hoạt động đào tạo cũng như nguồn xã hội hóa.
Cụ thể, Tạp chí điện tử VietTimes có thể đặt hàng Chi hội các khóa đào tạo về truyền thông, AI, công nghệ. VietTimes hiện nay có hệ sinh thái từ tạp chí đến các nền tảng số (mạng xã hội). Tạp chí luôn hướng đến việc nâng cao chất lượng phóng viên cũng như nội dung trên hệ sinh thái báo chí của tạp chí. VietTimes có thể đặt hàng Chi hội tổ chức các khóa đào tạo, còn Chi hội có thể tìm các chuyên gia để đứng lớp.
"Đó chính là cách chúng ta đào tạo nhau để nâng cao trình độ nghiệp vụ, cũng là cách để Tạp chí nâng cao chất lượng nội dung", Tổng biên tập VietTimes nhấn mạnh.
Năm 2024 là kỷ niệm 99 năm Báo chí cách mạng Việt Nam, nhà báo Nguyễn Bá Kiên đề nghị tổ chức nhiều chương trình kết nối, thăm quan các đơn vị trên thực tiễn, từ đó có thể hỗ trợ lẫn nhau cũng như huy động nguồn lực từ cộng đồng hội viên. Tổng biên tập tạp chí VietTimes cũng hy vọng hội viên Chi hội được đứng trên bục danh dự các cuộc thi báo chí để nâng cao uy tín của Chi hội cũng như của đơn vị.
Ngoài ra, ông Nguyễn Bá Kiên mong muốn Hội Nhà báo Việt Nam tạo điều kiện để phóng viên, biên tập viên tạp chí VietTimes cũng như hội viên Chi hội có điều kiện tham gia các khóa đào tạo, tập huấn do Trung ương Hội nhà báo tổ chức.
Giữ vững bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức của người làm báo trong giai đoạn mới
PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng ban nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, thay mặt Hội nhà báo có bài phát biểu tại Đại hội. Bà Hằng đánh giá cao báo cáo tổng kết hoạt động Chi hội thời gian qua cũng như phương hướng hoạt động thời gian tới.
Nhà báo Đỗ Thị Thu Hằng nhấn mạnh, Chi hội đã làm tốt vai trò tập hợp, đoàn kết những người làm trong lĩnh vực truyền thông số. Là một Chi hội tuổi đời non trẻ nhưng đã có nhiều hoạt động tích cực và đầy triển vọng, có thể đạt được những thành tích lớn hơn nữa trong thời gian tới.
Tuy nhiên, Trưởng ban nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam cũng cho rằng, báo chí hiện nay đang gặp nhiều thách thức trong thời đại số. Báo chí sẽ không thể hoạt động theo cách thức cũ khi vấp phải sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các mạng xã hội cũng như sự thay đổi chóng mặt của công nghệ, đặc biệt là công nghệ AI. Báo chí vẫn cần phải giữ được những đặc tính và trọng trách của mình như bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, độ tin cậy và sức thuyết phục, trình độ chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng được yêu cầu trong thời kỳ mới.
Về định hướng hoạt động của Chi hội trong thời gian tới, bà Hằng cho rằng Chi hội cần tranh thủ sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, của Hội Truyền thông số; Quán triệt, thực hiện tốt Chỉ thị 43-CT/TW của Ban Bí thư về "tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới"; Thực hiện tốt Luật Báo chí và 10 điều quy định đạo đức, nghề nghiệp, quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo; Chi hội cần tổ chức sinh hoạt 3 tháng/lần theo quy định điều lệ Hội.
Nhà báo Đỗ Thị Thu Hằng đề nghị Chi hội cần khen thưởng cho tập thể và cá nhân xuất sắc, tặng kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam" cho các hội viên có đủ thời gian làm báo, kết nạp hội viên mới có đủ điều kiện.
Bà Hằng chia sẻ, ngày 21/6 vừa qua, nhà báo Lê Quốc Minh - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đã ký ban hành quy chế sửa đổi Giải báo chí quốc gia, trong đó có những phần mở rộng sự tham gia của các tạp chí. Đặc biệt, đã bổ sung thêm 2 giải mới: Giải báo chí đa phương tiện (không phân biệt loại hình báo chí, thể loại tham dự), và Giải báo chí sáng tạo - bà Hằng cho rằng đây chính là thế mạnh của Chi hội Nhà báo Truyền thông số nói chung và các nhà báo của chi hội nói riêng.
Ngoài ra, Trưởng ban nghiệp vụ Hội nhà báo cũng hoàn toàn tán thành với mong muốn của Chi hội về việc tham gia các khóa đào tạo nghiệp vụ.
Trưởng ban nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh, Chi hội cần chú trọng nêu cao đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, "cái tâm, cái tầm" của người làm báo. Kịp thời biểu dương khen thưởng những tấm gương của phóng viên dấn thân trong nghề báo, đồng thời kiểm điểm, xử lý những nhà báo không tuân thủ đạo đức của người làm nghề.
Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA), nguyên Phó Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam cho rằng đối với nghiệp vụ truyền thông số, sẽ không ai làm tốt hơn những nhà báo hoạt động trong Chi hội Nhà báo Truyền thông số Việt Nam.
Ông Hồ Quang Lợi nhận xét, Chi hội từ khi được thành lập đã có những bước đi vững chắc trong hoạt động nghiệp vụ. Chi hội đã phối hợp rất tốt với Ban nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam và VDCA tổ chức thành công hội thảo về bảo vệ bản quyền báo chí trong môi trường số, thu hút hàng trăm lãnh đạo các cơ quan báo chí tham dự.
Ngoài ra, Chi hội cũng đã tham gia vào Hội báo toàn quốc, tổ chức tại TP.HCM vào tháng 3 vừa qua, với một gian hàng trưng bày nêu bật ý nghĩa hoạt động của các đơn vị thành viên Hội Truyền thông số Việt Nam.
Nhà báo Hồ Quang Lợi đề nghị các hoạt động của Chi hội cần gắn chặt hơn nữa với hoạt động của VDCA và Hội Nhà báo Việt Nam. Thời gian tới cần lấy hoạt động kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam làm trọng tâm, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt các hoạt động của Chi hội nói chung và Tạp chí điện tử VietTimes nói riêng.
Nói rằng phương thức hoạt động của Chi hội có sự khác biệt với các Chi hội khác, trong khi đó hội viên của Chi hội Nhà báo Truyền thông số không chỉ là các nhà báo của VietTimes, mà còn đến từ nhiều đơn vị của VDCA, nhà báo Hồ Quang Lợi cho rằng VietTimes phải là nhân tố hoạt động chủ động, tích cực nhất trong Chi hội.
Ngoài ra, ông Hồ Quang Lợi đề nghị một cơ chế làm việc phối hợp 3 bên giữa VietTimes, Trung tâm Bản quyền số và CLB Cafe số để tăng cường các chương trình, nội dung hoạt động của Chi hội nhiệm kỳ 2024-2026.
Bầu ban thư ký Chi hội nhiệm kỳ 2024-2026
Đại hội đã bầu ra Ban Thư ký Chi hội Truyền thông số Việt Nam nhiệm kỳ II (2024-2026). Trong đó:
Thư ký Chi Hội: Ông Hoàng Đình Chung - Giám đốc Trung tâm Bản quyền số, Hội Truyền thông số Việt Nam.
Ủy viên Ban Thư ký Chi Hội gồm: Ông Nguyễn Bá Chiêm - Tổng thư ký tòa soạn, Tạp chí điện tử VietTimes và ông Nguyễn Sỹ Đôn - Phó Giám đốc Trung tâm Bản quyền số, Hội Truyền thông số Việt Nam.
Thay mặt Ban thư ký, ông Hoàng Đình Chung cảm ơn sự ủng hộ của Hội Nhà báo Việt Nam, lãnh đạo Hội Truyền thông số Việt Nam và các đơn vị thành viên, các nhà báo, hội viên Chi hội. Ông Chung nói rằng với sức trẻ, nhiệt huyết của Ban thư ký mới sẽ quyết tâm đưa hoạt động của Chi hội đạt được nhiều thành công và bước tiến mới, góp phần vào thành công chung của nền Báo chí cách mạng Việt Nam và công cuộc chuyển đổi số của đất nước.