Chỉ cần cách ly người ngồi hàng ghế liền trước và sau với nữ bệnh nhân COVID-19

VietTimes -- Liên quan vụ tìm kiếm và cách ly người đã tiếp xúc với ca thứ 17 mắc COVID-19,Tổ chức Y tế thế giới cũng đã khuyến cáo, trong trường hợp có ca nhiễm trên máy bay chỉ cách ly y tế đặc biệt đối với người ngồi ở hàng ghế trước và hàng ghế sau.
PGS.TS Trần Đắc Phu phát biểu. Ảnh: VGP.
PGS.TS Trần Đắc Phu phát biểu. Ảnh: VGP.

Thông tin này được PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam - trao đổi tại cuộc họp với các chuyên gia y tế do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì, trước diễn biến mới của dịch bệnh COVID-19 sau khi xuất hiện ca nhiễm thứ 17 ở Việt Nam, diễn ra hôm nay (7/3).

Cũng theo ông Trần Đắc Phu: "Trường hợp này giống như đã xảy ra ở xã Sơn Lôi, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc nên chúng ta đã có kinh nghiệm ứng phó. Kiểm soát được những người tiếp xúc, chúng ta sẽ ngăn chặn được không để lây nhiễm rộng ra cộng đồng".

Xét về cơ chế lây lan, ca bệnh vừa xuất hiện ở Hà Nội đã nằm trong kịch bản, đây là trường hợp bệnh xâm nhập, đi từ nước ngoài về. Ngay khi xuất hiện ca bệnh, Hà Nội đã rà soát, xác định các trường hợp tiếp xúc để tổ chức cách ly y tế theo quy định

Cũng theo ông Trần Đắc Phu, người bệnh đi này máy bay về nước, khả năng lây lan trên máy bay hạn chế hơn so với lây nhiễm trong phòng kín hay tiếp xúc gần ở ngoài trời.

Đã có kịch bản ứng phó chi tiết

GS.TS. Nguyễn Thanh Long - Thứ trưởng Bộ Y tế - nhấn mạnh: Việt Nam đã dự liệu tình huống xuất hiện ca bệnh mới lây nhiễm từ nước ngoài về và lên các giải pháp ứng phó. Tối 6/3, ngay khi xuất hiện ca nhiễm này, Bộ Y tế đã phối hợp chặt chẽ với Hà Nội đã lập danh sách những người tiếp xúc để tổ chức cách ly ngăn chặn dịch bệnh theo quy định. Ban Chỉ đạo sẽ tiếp tục chỉ đạo mạnh mẽ để thực hiện giám sát tại cộng đồng, khoanh vùng những trường hợp nghi ngờ, chuẩn bị các cơ sở vật chất để điều trị, tránh trường hợp tử vong vì bệnh dịch…

GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế. Ảnh: VGP.
GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế. Ảnh: VGP.

"Trên cơ sở làm việc với lãnh đạo thành phố Hà Nội và kiểm tra khu vực cách ly, lãnh đạo Bộ Y tế và các chuyên gia y tế nhận định đến thời điểm hiện tại, mọi chuyện vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Người dân không nên hoang mang, lo lắng, thực hiện nghiêm khuyến cáo của Bộ Y tế và cơ quan chức năng để chung tay ngăn chặn dịch bệnh”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Cũng về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đồng thuận rằng, Việt Nam đã xây dựng các kịch bản chi tiết, lường trước khả năng xuất hiện thêm những ca nhiễm bệnh mới để sẵn sàng triển khai các giải pháp ứng phó.

Nhận định đây là trường hợp người bệnh đầu tiên xuất hiện trong đô thị, do đó các chuyên gia đã phân tích chi tiết nhật ký lịch trình di chuyển, tiếp xúc của người bệnh, để xác định khu vực cần khoanh vùng tổ chức cách ly y tế, bởi nếu “khoanh vùng hẹp quá không an toàn, còn rộng quá lại không an dân”, Phó Thủ tướng cho biết.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona chủ trì cuộc họp. Ảnh: VGP
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona chủ trì cuộc họp. Ảnh: VGP

Cùng với đó, đây là ca lây nhiễm hẹp, đến thời điểm hiện tại, các trường hợp nghi ngờ đã được cách ly y tế, khu vực sinh sống của bệnh nhân cũng đã được khoanh vùng và kiểm soát, giám sát chặt chẽ nhằm ngăn dịch bệnh lây lan.

Là người nghiên cứu lâu năm về virus, bà Lê Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết, virus SARS-CoV-2 chỉ lây nhiễm khi bảo đảm 2 yếu tố:

Thứ nhất, khả năng lây nhiễm chỉ xuất hiện khi nồng độ virus ở trong người bệnh lớn.

Thứ hai là những người sức khỏe yếu, nhiều bệnh nền thì dễ lây nhiễm hơn.

Với người khỏe mạnh có khả năng chống đỡ nên có tiếp xúc cũng chưa chắc đã mắc bệnh. Hiện ở Hà Nội, người bệnh và những người tiếp xúc đã được cách ly chặt chẽ nên đã kiểm soát được nguồn lây nhiễm.