Gần đây, công chúng xôn xao trước câu chuyện tranh chấp hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa nguyên đơn là Công ty CP Bệnh viện phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện thẩm mỹ Nam An) với bị đơn Công ty CP Quảng cáo thương mại Sen Vàng (Công ty Sen Vàng, Ban tổ chức Miss Grand International 2023).
Theo đơn khởi kiện, Bệnh viện thẩm mỹ Nam An thỏa thuận hợp tác với Ban tổ chức Miss Grand International 2023 để Giám đốc Nguyễn Thị Như Lan được làm thành viên Ban giám khảo cuộc thi, qua đó quảng bá thương hiệu cho đơn vị này. Trong đó, Công ty Sen Vàng sẽ thực hiện các công việc quảng bá thương hiệu cho Bệnh viện thẩm mỹ Nam An thông qua MGI 2023 với tư cách là Ban giám khảo cuộc thi. Hai bên thỏa thuận, giá trị của hợp tác này dự kiến là 3 tỷ đồng, cùng một số thỏa thuận khác.
Vụ việc vẫn chưa ngã ngũ, không biết ai đúng ai sai nhưng có một thực tế thấy rõ, một cá nhân, tổ chức bỏ một số tiền lớn sẽ nhận được ghế trong cuộc thi sắc đẹp như Miss Grand International 2023.
Câu chuyện này một lần nữa khiến công chúng đặt dấu hỏi về tính chuyên nghiệp, chất lượng và mục đích của hàng chục, thậm chí hàng trăm cuộc thi sắc đẹp tổ chức mỗi năm là gì? Việc “mua - bán” ghế ban giám khảo liệu có làm mất đi giá trị các cuộc thi? Sự công bằng giữa các thí sinh tham gia dự thi liệu có được đảm bảo?...
Trước hàng loạt vấn đề trên, VietTimes đã có cuộc trao đổi với nhà thơ Dương Kỳ Anh (tên thật Dương Xuân Nam – nguyên Tổng biên tập báo Tiền phong; Trưởng ban Tổ chức kiêm Chủ tịch Hội đồng giám khảo các cuộc thi hoa hậu Việt Nam từ năm 1988 đến năm 2008) về câu chuyện tổ chức cuộc thi hoa hậu và việc các cuộc thi sắc đẹp bị thương mại hoá quá nhiều, không còn giữ được bản chất vô tư, trong sạch.
Là một trong những người đặt nền móng và có hàng chục năm tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, ông đánh giá thế nào về việc cá nhân, đơn vị bỏ tiền ra ký hợp đồng với đơn vị tổ chức để nhận lại một ghế trong ban giám khảo ở cuộc thi sắc đẹp?
Quá nực cười và đáng buồn!
Từ khi còn làm Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam tôi đều đặt hết tâm huyết của mình vào cuộc thi, đặc biệt trong việc lựa chọn ban giám khảo. Những người được coi là có danh tiếng cũng chưa chắc được lựa chọn ngồi vào ghế ban giám khảo.
Nếu thực sự có chuyện một cá nhân, tổ chức bỏ 3 tỷ sẽ nhận được ghế trong cuộc thi sắc đẹp thì tôi thấy thật lạ, không hiểu lý do nào khiến họ chấp nhận chi số tiền lớn đến như vậy.
Mục tiêu của các cuộc thi hoa hậu chính thống nhằm tôn vinh nét đẹp của phụ nữ Việt Nam đồng thời tạo ra một môi trường văn hóa lành mạnh, thúc đẩy những giá trị tốt đẹp cho thế hệ trẻ. Đây là cơ hội để tuyên truyền những nét văn hoá đẹp, giá trị tích cực cho cuộc sống. Bản thân hoa hậu là người có tầm ảnh hưởng, nếu không có đủ phẩm chất và trí tuệ sẽ gây ảnh hưởng đến một thế hệ trẻ.
Có ý kiến cho rằng, việc “mua - bán” hay trả tiền để được ngồi vào ghế giám khảo cuộc thi hoa hậu có thể dẫn tới câu chuyện vị đại gia nào đó hoàn toàn có thể mua 1 hoặc vài ghế để chấm điểm cao cho thí sinh là "người của mình", điều này sẽ làm mất đi giá trị của cuộc thi, đặc biệt là sự công bằng giữa các thí sinh tham gia dự thi, ông nghĩ sao về điều này?
Tiêu chí lựa chọn hoa hậu thường được đưa ra rõ ràng tại mỗi cuộc thi. Ban giám khảo sẽ là người cầm cân nảy mực, lựa chọn ra ai là hoa hậu, ai là á hậu. Vì vậy việc lựa chọn thành viên ban giám khảo luôn được ban tổ chức cân nhắc thận trọng, kỹ lưỡng.
Để lựa chọn ra một hoa hậu đáp ứng đủ điều kiện về ngoại hình, tri thức và ứng xử cần phải có đội ngũ ban giám khảo xứng tầm. Thử hỏi, nếu chính người chấm thi không được lựa chọn kỹ càng, mà có được bằng cách bỏ tiền ra mua, trao đổi quyền lợi thì liệu cuộc thi còn đảm bảo chất lượng, tính công bằng?
Ban giám khảo phải là người có tâm, có tầm.
Hiện nay những cuộc thi hoa hậu xuất hiện ngày càng nhiều, theo ông có những tiêu chí nào để lựa chọn ra một ban giám khảo cho cuộc thi hoa hậu?
Khi tôi còn làm ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, giám khảo được lựa chọn có quy định phải bao gồm bác sĩ nhân trắc học, tiến sĩ mỹ học và những nhân vật nổi tiếng có tài, có đức, có uy tín lớn trong xã hội. Bên cạnh đó, họ phải là những người có con mắt tinh đời, biết chọn cái đẹp chuẩn như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, giáo sư nhân trắc học Nguyễn Quang Quyền, tiến sĩ mỹ học Hoàng Thiệu Khang hay NSND Trà Giang.
Làm giám khảo hoa hậu phải là người có con mắt tinh đời để nhận ra cái đẹp một cách chuẩn xác. Thậm chí, thời trước, chúng tôi không bao giờ mời ca sĩ làm giám khảo, ca sĩ chỉ đến biểu diễn thôi.
Mỗi giám khảo sẽ làm việc độc lập dưới góc nhìn và những kinh nghiệm, trải nghiệm của mình để lựa chọn các thí sinh phù hợp với tiêu chí mà cuộc thi đã đề ra đồng thời tôn trọng ý kiến, quan điểm của các giám khảo khác. Những ban giám khảo được ban tổ chức cân nhắc kỹ càng trước khi mời đều là những tài năng nổi tiếng trong nước và thế giới, có nhân cách tốt, không gì có thể mua chuộc được.
Cái đẹp của người phụ nữ Việt Nam phải thật trân trọng, nâng niu nếu bị lạm dụng phục vụ mục đích thương mại hóa các cuộc thi sắc đẹp là mất chất.
Việc lựa chọn ban giám khảo không kỹ càng có phải là nguyên nhân khiến các cuộc thi ngày càng xuống cấp, không nhận được sự ủng hộ của người dân?
Hoa hậu là đại diện cho sắc đẹp Việt Nam, có vai trò khá lớn, là biểu tượng để chúng ta dõi theo, hướng đến những điểm tích cực. Thế nhưng các cuộc thi hoa hậu bây giờ lạ lắm, một năm có đến hơn 30 cuộc thi, công chúng nhiều khi cũng không còn quan tâm nữa.
Khi tổ chức cuộc thi hoa hậu đầu tiên ở nước ta, những người làm chương trình như chúng tôi mong muốn tạo ra hoạt động văn hóa mới hấp dẫn, bổ ích, nhằm định hướng thẩm mỹ, định hướng về cái đẹp cho tuổi trẻ. Thế nhưng hiện nay dường như các cuộc thi có nhiều mục đích khác.
Nếu tổ chức thi người đẹp mà mục đích chính yếu không vì cái đẹp, chỉ muốn trục lợi thì không được công chúng ủng hộ là điều tất nhiên.
Ông đánh giá thế nào về tầm ảnh hưởng của một hoa hậu đến với đời sống văn hoá chúng ta?
Cách đây chục năm, có rất nhiều hoa hậu đáng chú ý, được người dân yêu mến như hoa hậu Bùi Bích Phương, Diệu Hoa, Nguyễn Thị Huyền, Nguyễn Thiên Nga... đều là những người thông thạo nhiều ngoại ngữ, có nhiều hiểu biết trên khá nhiều lĩnh vực.
Tôi còn nhớ cuộc thi hoa hậu năm 1988, hoa hậu Bùi Bích Phương đăng quang đã bùng nổ cả nước. Ngày trao giải tại nhà văn hóa Tăng Bạt Hổ, hơn 1.000 người vây quanh, tôi phải nhờ lực lượng an ninh xử lý để đảm bảo trật tự.
Còn nhớ thời điểm cùng hoa hậu Bích Phương xuống Thái Bình, đông nghịt người dân kéo ra xem. Thậm chí, còn nhiều người bảo đi “ngắm tiên”- (ông Nam cười).
Hay đơn cử như cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2004 là cuộc thi hoa hậu đầu tiên được truyền hình trực tiếp và sau đó hoa hậu Nguyễn Thị Huyền đi thi hoa hậu thế giới. Khi chúng tôi cùng hoa hậu đi làm từ thiện ở nhiều tỉnh, người dân đã vây kín để được ngắm cô hoa hậu khiến xe chúng tôi không di chuyển nổi.
Còn nhớ lần đến thành phố Hồ Chí Minh với hoa hậu Nguyễn Thiên Nga, chúng tôi thăm hỏi một anh thương binh. Anh nói không muốn sống, chỉ muốn chết, dứt khoát quay lưng lại với chúng tôi. Thế nhưng kì lạ thay sau khi gặp hoa hậu Thiên Nga, anh ta lại nở nụ cười, có động lực tiếp tục cuộc sống hơn.
Thế mới thấy, hoa hậu trước đây được công chúng đón nhận ra sao!
Hoa hậu được lựa chọn bởi dàn giám khảo đủ tầm mới có vẻ đẹp toàn diện từ ngoại hình đến phẩm chất đạo đức, tri thức và ứng xử trong giao tiếp. Người giám khảo sẽ dựa trên thông số nhân trắc học để đánh giá vẻ đẹp hình thể. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẻ đẹp tâm hồn, phẩm chất phải hài hoà, tổng thể.
Tôi nhớ, vào năm 1996, cô hoa khôi tại Bến Tre vô cùng xinh đẹp, hình thể chuẩn tuy nhiên chỉ được xứng danh ngôi vị á hậu, bởi cách trả lời ứng xử chưa đủ tầm.
Hoa hậu Việt Nam trong thời gian đảm nhận chức vị 2 năm sẽ phải cam kết đi từ thiện, tích cực tham gia hoạt động văn hoá có ích cho xã hội. Hơn hết, họ không được quảng cáo những thứ thiếu lành mạnh, phải nằm trong khuôn khổ được ban tổ chức cho phép.
Ở góc độ văn hóa, đạo đức, ông nhìn nhận thế nào về việc ban tổ chức nhận tiền để trao ghế ban giám khảo cho đối tác?
Tôi đánh giá hành vi bỏ tiền mua ghế ban giám khảo, hoặc ban tổ chức nhận tiền để trao ghế ban giám khảo cho đối tác là hết sức phản cảm, đáng lên án. Các cơ quan chức năng, bộ ban ngành liên quan cần nhanh chóng vào cuộc, thu thập bằng chứng xác minh sự việc và đưa ra chế tài xử lý.
Tôi nhớ vào năm 1989, sau khi tổ chức thành công cuộc thi hoa hậu Việt Nam đầu tiên, kéo theo đó là rất nhiều các cuộc thi hoa hậu khác diễn ra.
Thời điểm đó, tôi bị công kích thậm chí quy tội tuyên truyền lối sống văn hóa tư bản của Mỹ, thậm chí còn có một cuộc họp để xem xét trách nhiệm của tôi. Tuy nhiên, tôi đã trình bày với các cấp lãnh đạo rằng đó là một cuộc thi về nét đẹp bằng cách lấy dẫn chứng từ xa xưa ông cha ta đã tôn vinh cái đẹp, trong lễ hội.
Trong phòng họp hôm đó có mặt ông Phạm Quang Nghị (nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội) lúc bấy giờ giữ chức Phó Trưởng ban Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương. Tổng kết cuộc họp, tôi được giao soạn thảo quy chế thi hoa hậu. Quy chế ấy được Bộ Văn hóa chấp nhận và ban hành từ năm 1989 đến năm 2006. Những quy định đó được soạn thảo, nghiên cứu rất kỹ lưỡng, chặt chẽ. Nhờ có vậy mà suốt một thời gian dài các cuộc thi hoa hậu đã đi vào trật tự, không còn "loạn" nữa!
Trong Quyết định số 37/2006/QĐ-BVHTT ngày 24 tháng 3 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin quy định rõ những ai là người được ngồi ghế ban giám khảo. Theo đó, danh sách ban giám khảo gồm các thành viên có trình độ chuyên môn ở các lĩnh vực: Nhân trắc học, mỹ học, nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh, nhiếp ảnh, xã hội học. Tùy theo quy mô, tính chất của từng cuộc thi, Ban tổ chức mời thêm các thành viên khác.
Tuy nhiên, sau thời điểm 2006 trở đi việc quy định thành phần ban giám khảo cuộc thi sắc đẹp đã thay đổi.
Vậy theo ông, nhà quản lý và ban tổ chức các cuộc thi sắc đẹp cần làm gì để tăng uy tín cho cuộc thi hoa hậu, giữ được nét trong sáng, vô tư?
Thi hoa hậu là tôn vinh vẻ đẹp người phụ nữ, đã là vẻ đẹp thì ta không thể thương mại hoá được. Theo tôi, cơ quan quản lý, đơn vị liên quan sẽ cần tập trung và sửa đổi các quy định liên quan đến việc tổ chức cuộc thi hoa hậu, sắc đẹp, đặc biệt là việc hậu kiểm.
Sau mỗi cuộc thi cần có đội ngũ hậu kiểm rõ ràng. Nếu kết quả cuộc thi không đảm bảo, các tiêu chí đề ra ban đầu không được đáp ứng sẽ cần kiểm tra, đối chiếu lại.
Để quản lý chất lượng các cuộc thi, Bộ Văn hoá thể thao và Du lịch; Bộ thông tin truyền thông cần sửa đổi, thêm các điều lệ chặt chẽ hơn để đảm bảo công tác tổ chức và tính minh bạch, rõ ràng cho cuộc thi.
Xin cảm ơn ông!