|
“Chạy” Thông tư 36, Vietcombank “thắng” trăm tỷ đồng. (Ảnh: Vietcombank) |
Theo thông tin vừa được Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) – đơn vị tổ chức phiên đấu giá - công bố, đã có 9 nhà đầu tư cá nhân tham gia phiên đấu giá 6,6 triệu cổ phần Công ty Tài chính Cổ phần Xi măng (CFC) do Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) sở hữu.
Cả 9 nhà đầu tư này đều trúng đấu giá, để sở hữu trọn vọn toàn bộ cổ phần CFC mà Vietcombank đem bán. Đáng nói khi cả 9 nhà đầu tư này đều là cá nhân, trong khi không có nhà đầu tư tổ chức nào đăng ký tham gia.
Với mức giá khởi điểm 11.549 đồng/cổ phần, tổng khối lượng cổ phần đăng ký mua của 9 nhà đầu tư là 6.671.000 cổ phần và tất cả số lượng đặt mua này đều hợp lệ. Trong đó, khối lượng đặt cao nhất là 1.200.000 cổ phần, khối lượng đặt thấp nhất là 580.000 cổ phần.
Giá đặt mua cao nhất là 11.560 đồng/cổ phần; giá đặt mua thấp nhất là 11.550 đồng/cổ phần – tức là chỉ chênh nhau có 10 đồng và không khác biệt đáng kể so với giá khởi điểm. Cả hai mức giá đặt mua - cao nhất cũng như thấp nhất - này đều trúng đấu giá.
Với giá đấu thành công bình quân là 11.554 đồng/cổ phần, Vietcombank sẽ thu về 76.253.753.000 đồng cho việc thoái 6,6 triệu cổ phần CFC – cũng là toàn bộ phần vốn góp của Vietcombank tại công ty tài chính này.
Công ty Tài chính Cổ phần Xi Măng
Công ty Tài chính Cổ phần Xi Măng (CFC) được thành lập ngày 29/05/2008 theo Quyết định số 142/GP-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, vốn điều lệ ban đầu là 300 tỷ đồng. Công ty có 03 cổ đông sáng lập chiếm 61,5% vốn điều lệ là Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem), Vietcombank và Tổng Công ty Thép Việt Nam (VnSteel).
Tháng 06/2010, CFC thực hiện tăng vốn điều lệ thành công lên mức 604,921 tỷ đồng, thông qua hình thức phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và cán bộ công nhân viên.
Theo tìm hiểu, tính đến cuối năm 2016, cơ cấu sở hữu CFC chỉ có 2 cổ đông lớn – sở hữu trên 5% vốn cổ phần. Đó là Vicem với tỷ lệ sở hữu 15% và Vietcombank với tỷ lệ sở hữu 10,91%. Đây là 2 trong 3 cổ đông lớn đã tham gia sáng lập nên CFC. Khi này, theo cập nhật, CFC có 79 cổ đông, gồm 5 cổ đông tổ chức và 74 cổ đông cá nhân.
Trước đó, cuối năm 2015, cơ cấu sở hữu CFC, ngoài sự hiện diện của hai cổ đông sáng lập này - Vicem (39,67%), Vietcombank (10,91%) – còn có sự xuất hiện của hai cổ đông lớn khác, là: Ngân hàng TMCP Bản Việt – Viet Capital Bank (10,99%), và CTCP Quản lý Quỹ Đầu tư Chứng khoán Bản Việt - Viet Capital Asset Management (4,96%).
Như vậy, có thể hiểu rằng, trong năm 2016, hai cổ đông có tên Bản Việt trên đã thực hiện thoái một phần hay toàn bộ vốn tại CFC. Trong khi, Vicem cũng thoái 24,67% vốn - tương đương với 15 triệu cổ phần CFC.
Giống với Vietcombank, Viet Capital Bank cũng chịu sự điều chỉnh của Thông tư số 36/2014/TT-NHNN ngày 20/11/2014 của Ngân hàng Nhà nước về việc Quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Nên việc thoái vốn của Viet Capital Bank tại CFC – một tổ chức tín dụng phi ngân hàng – là có thể hiểu được.
Ngân hàng TMCP Bản Việt chính thức xuất hiện trong tư cách cổ đông lớn của CFC từ cuối năm 2014, còn CTCP Quản lý Quỹ Đầu tư Chứng khoán Bản Việt xuất hiện vào cuối năm 2015. Có nghĩa, việc đến và đi tại CFC của hai cổ đông này diễn ra khá nhanh.
Từ năm 2014 trở về trước, cơ cấu sở hữu CFC còn có những cái tên như VnSteel (10,41%); CTCP Vận tải và Thương mại Quốc tế - ITC (16,86%).
2014 cũng là giai đoạn đánh dấu sự tinh gọn quy mô sở hữu CFC. Từ mức 527 cổ đông (7 tổ chức, 506 cá nhân) của cuối năm 2013, cơ cấu sở hữu CFC chỉ còn 79 cổ đông (7 tổ chức, 72 cá nhân) vào cuối năm 2014. Với quy mô này, CFC cũng không đủ số lượng cổ đông tối thiểu của một công ty đại chúng.
Theo cáo bạch, lũy kế đến 30/06/2017, tổng giá trị tài sản của CFC là 1.988,48 tỷ đồng. Tăng 8,22% so với thời điểm đầu năm.
Tỷ lệ nợ xấu của công ty, cập nhật ở cuối năm 2016, là 1,28%. Tỷ lệ an toàn vốn là 88,5%.
Năm 2017, CFC đăt mục tiêu đạt 137,20 tỷ đồng thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự (+16%); lợi nhuận sau thuế đạt 9,63% (+155%). Nửa đầu năm 2017, CFC báo lãi 5 tỷ đồng sau thuế, đạt khoảng một nửa kế hoạch năm.
Cổ phần Saigonbank “đắt hàng”
Ít phút sau khi kết thúc phiên đấu giá 6,6 triệu cổ phần CFC, HNX tiếp tục đưa ra đấu giá 13.251.695 cổ phần (4,3% VĐL) SGB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương (Saigonbank) do Vietcombank sở hữu.
Như VietTimes đã đề cập, với chất lượng tài chính lành mạnh, hơn 13 triệu cổ phần Saigonbank nêu trên thực sự là món hàng “hot” đối với nhiều nhà đầu tư.
Thực tế tại phiên đấu giá sáng nay, đã có tới 20 nhà đầu tư tham gia đấu giá, gồm 1 tổ chức và 19 cá nhân. Tổng khối lượng đặt mua hợp lệ lên tới 53.817.190 cổ phần – gấp hơn 4 lần số cổ phần đem ra đấu giá. Trong đó khối lượng đặt mua cao nhất là 13.251.695 cổ phần – bằng trọn lượng cổ phần Saigonbank đem bán; Khối lượng đặt mua thấp nhất là 100 cổ phần.
Giá khởi điểm là 12.550 đồng/cổ phần nhưng giá đấu thành công bình quân của phiên đấu giá lại lên tới 20.100 đồng/cổ phần. Đây cũng chính là mức giá đặt mua cao nhất trong phiên đấu giá này.
Kết quả, chỉ có 2 nhà đầu tư trong tổng số 20 nhà đầu tư đăng ký tham gia trúng đấu giá. Trong 2 nhà đầu tư này có 1 nhà đầu tư tổ chức và 1 nhà đầu tư cá nhân.
Theo công bố trước đây của HNX thì nhà đầu tư tổ chức này đăng ký mua 9.050.100 cổ phần. Trong khi 19 nhà đầu tư cá nhân đăng ký mua 44.767.090 cổ phần.
Vì giá đấu thành công bình quân cũng là mức giá đặt mua cao nhất trong phiên đấu giá, nên có thể nhà đầu tư tổ chức đã trúng đấu giá 9.050.100 cổ phần, còn nhà đầu tư cá nhân đã trúng đấu giá 4.201.595 cổ phần.
Thương vụ đã đem về cho Vietcombank số tiền 266.359.069.500 đồng, qua đó, sau khi trừ đi vốn đầu tư ban đầu, ngân hàng vẫn có được một khoản thặng dư đáng kể./.