|
Mỹ và Nga sẽ xảy ra xung đột quân sự trực tiếp ở Syria và Trung Đông? Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ đối đầu trực tiếp với Tổng thống Nga Vladimir Putin? Ảnh: The Telegraph |
Theo tờ Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) ngày 8/4, trong thời điểm vụ tấn công vũ khí hóa học ở Syria còn chưa có kết luận, Mỹ đã lập tức tiến hành phóng tên lửa hành trình tấn công căn cứ không quân Shayrat, Syria, làm cho tình hình Syria trở nên phức tạp hơn. Sau không kích, dư luận quốc tế vẫn phổ biến kêu gọi giải quyết khủng hoảng bằng đàm phán, chứ không phải bằng chiến tranh.
Đối với hành động tấn công Syria của Mỹ, Nga là nước đưa ra phản ứng mạnh mẽ nhất. Theo người phát ngôn Tổng thống Nga Dmitry Peskov, ngày 7/4, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chủ trì hội nghị Hội đồng an ninh quốc gia, đã thảo luận chi tiết về tình hình sau khi Mỹ tấn công căn cứ quân sự ở Syria.
Hội nghị cho rằng hành động của Washington là hành động “xâm lược”, “vi phạm luật pháp quốc tế”. Tại hội nghị, ông Vladimir Putin và tất cả thành viên Hội đồng an ninh quốc gia đều bày tỏ lo ngại sâu sắc đối với ảnh hưởng tiêu cực từ hành động tấn công của Mỹ đối với cuộc chiến chống khủng bố, bày tỏ đáng tiếc về quan hệ Nga - Mỹ bị tổn hại.
Ông Dmitry Peskov cho biết: "Tổng thống Nga cho rằng, hành động tấn công của Mỹ đã vi phạm các nguyên tắc quốc tế, dùng lý do bịa đặt ra để phát động xâm lược đối với một quốc gia có chủ quyền. Quân đội Syria hoàn toàn không dự trữ vũ khí hóa học, tất cả vũ khí hóa học đã bị tiêu hủy".
Bộ Ngoại giao Nga cho biết Nga sẽ tạm dừng (thực hiện) bản ghi nhớ ký với Mỹ về việc ngăn chặn xảy ra sự cố và bảo đảm an toàn bay ở Syria. Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Duma quốc gia Nga Yury Shvytkin cho rằng: "Quyết định tạm dừng bản ghi nhớ này hoàn toàn hợp lý, hiện nay có rất nhiều người hỏi: Nga tại sao khi đó không sử dụng tên lửa phòng không? Đáp án chính là: Do Nga còn đang thực hiện bản ghi nhớ. Hiện nay rút khỏi bản ghi nhớ có lợi cho Nga đưa ra phản ứng kịp thời khi Syria bị đe dọa".
Ông Mikhail Emelyanov, Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban Duma Quốc gia về xây dựng Nhà nước và pháp luật cho biết: "Mỹ có thể bị kéo vào cuộc chiến Syria, trong khi đó Nga đã triển khai lực lượng ở Syria. Điều này có nghĩa là có thể xảy ra xung đột quân sự trực tiếp giữa hai nước, hậu quả sẽ nghiêm trọng. Một số thế lực ở Mỹ không muốn cải thiện quan hệ Mỹ - Nga. Nhìn vào tình hình hiện nay, mục đích của họ đã đạt được".
Trang tin EurActiv của EU ngày 7/4 cho biết châu Âu cảm thấy đặc biệt lo ngại đối với việc Mỹ can thiệp vào cuộc nội chiến ở Syria.
Báo Đức dẫn lời ứng viên Thủ tướng Đảng Dân chủ xã hội Đức (SPD) Martin Schulz cho rằng: "Từ lâu, người châu Âu chúng ta chỉ có thể đứng nhìn Mỹ và Nga. Châu Âu phải gánh nhiều trách nhiệm hơn, là trách nhiệm chính trị chứ không phải hành động quân sự. Hiện nay, cần cấp bách thông qua con đường ngoại giao để giải quyết xung đột. Đây là thời điểm của đàm phán chứ không phải ném bom".
Tờ der Freitag Đức cho rằng: "Kẻ gây ra vụ tấn công bằng vũ khí hóa học còn chưa được xác định rõ ràng, phương Tây đã chỉ trích chính phủ Syria, Mỹ còn phóng tên lửa vào Syria. Điều chúng ta biết được duy nhất là chúng ta cái gì cũng không biết”.
“Nhìn thấy Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc tiến hành tuyên truyền chiến tranh giá rẻ, điều này khiến mọi người liên tưởng đến năm 2003, Mỹ không điều tra rõ vũ khí hủy diệt hàng loạt ở Iraq, đã phát động chiến tranh đối với Iraq. Chiến tranh sẽ chỉ làm cho Syria trở nên hỗn loạn hơn".
Bộ trưởng Quốc phòng Hy Lạp ngày 7/4 cho biết nước này phản đối bất cứ sự can thiệp quân sự bên ngoài nào đối với Syria, kêu gọi thông qua đối thoại giải quyết hòa bình. Hành vi của Mỹ sẽ chỉ làm tăng thêm trở ngại cho đối thoại.
Vấn đề chống khủng bố và người tị nạn đằng sau cuộc khủng hoảng Syria gây lo ngại cho cộng đồng quốc tế. Ngày 6/4, người phát ngôn Phủ Tổng thống Nga Dmitry Peskov nhấn mạnh, chính phủ Syria là lực lượng thực tế duy nhất có thể tấn công các phần tử khủng bố trên mặt đất.
Theo hãng tin RIA Novosti (Nga), Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Hội đồng Liên bang Nga Konstantin Kosachev cho biết, Nga sử dụng tên lửa hành trình để tấn công các phần tử khủng bố, còn Mỹ sử dụng tên lửa để tấn công quân chính phủ Syria, lực lượng đang chiến đấu chống các phần tử khủng bố.
Ông Konstantin Kosachev cho rằng: "Mọi người mong muốn Nga và Mỹ xây dựng liên minh chống khủng bố nhưng điều này chưa thể thực hiện. Mỹ tấn công căn cứ không quân của Syria có thể khiến cho xung đột quân sự ở Trung Đông mở rộng".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran ngày 7/4 đã phê phán mạnh mẽ hành vi "xâm lược" của quân đội Mỹ trên lãnh thổ Syria, nhấn mạnh hành động này "vi phạm luật pháp quốc tế", "ủng hộ các phần tử khủng bố", sẽ chỉ làm cho tình hình Syria và khu vực trở nên phức tạp hơn.
Tuyên bố của Bộ Tổng tư lệnh quân chính phủ Syria cũng cho biết, Mỹ lấy vụ tấn công bằng vũ khí hóa học làm cớ để phát động tấn công, nhưng trên thực tế hoàn toàn chưa điều tra được sự thật, xác định bên có trách nhiệm, điều này sẽ làm cho các phần tử khủng bố nhận được tín hiệu sai lầm: Chỉ cần bất lợi trên chiến trường thì có thể sử dụng vũ khí hóa học.
Theo đài truyền hình Nước Nga ngày nay, hạ nghị sĩ Đảng Dân chủ Mỹ bà Tulsi Gabbard lo ngại hành động không kích của Mỹ gây ra thương vong cho dân thường và làn sóng người tị nạn mới ở Syria, đồng thời hỗ trợ cho các thế lực khủng bố ở Syria.
Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Mỹ Rhede Pol cũng cho rằng đây là một cuộc tấn công đối với Syria mà không được Quốc hội Mỹ phê chuẩn. Vì vậy, đã vi phạm Hiến pháp Mỹ. Triển khai hành động quân sự phải nhận được sự đồng ý của Quốc hội.
Ông Sudah Marwan, Chủ tịch Liên minh quốc tế các nhà văn Ả rập nói: "Tôi cho rằng, hành động này của Mỹ sẽ gây ra khủng hoảng trong cộng đồng quốc tế. Đồng thời cho thấy Mỹ hoàn toàn không thay đổi bản chất trong chính sách đối ngoại".
Tờ New York Daily News (Mỹ) cho rằng: "Cuộc nội chiến Syria đã diễn ra được 6 năm, gây ra thương vong cho khoảng 320.000 - 470.000 người, đồng thời gây ra cuộc khủng hoảng người tị nạn nghiêm trọng nhất từ Chiến tranh thế giới lần thứ Hai đến nay".
Hành động tấn công của Mỹ lần này cũng đã thu hút dư luận bàn về luật pháp quốc tế, đó là Mỹ sử dụng những căn cứ gì để phát động một cuộc tấn công vào một quốc gia khác. Đài truyền hình NTV (Đức) cho rằng hành động không kích của Mỹ làm cho châu Âu rơi vào tình trạng "khó cả đôi đường".
Nếu Mỹ thực sự phát động chiến tranh, châu Âu có thể buộc phải tham gia vào. Điều này không chỉ sẽ làm gia tăng mâu thuẫn với Nga, đồng thời làm cho Trung Đông càng không ổn định. Làn sóng người tị nạn mới sẽ tràn vào châu Âu. Nhật báo CNN7 cho rằng, hành động tấn công của Mỹ đã khiến cho giá dầu toàn cầu tăng cao.