Châu Á - TBD sẽ là khu vực phát triển nhanh nhất của blockchain trong tài chính ngân hàng

VietTimes – Đây là kết luận của ReportLinker khi nghiên cứu về thị trường Blockchain toàn cầu trong dịch vụ tài chính ngân hàng. Thống kê cho thấy thị trường này có tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 61,9%.
Ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Hiệp hội Blockchain Việt Nam và Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam

Tài chính - ngân hàng là một trong những ngành chuyển mình mạnh mẽ nhất dưới tác động của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, với hàng loạt giải pháp mới được đưa ra hằng năm nhằm giải quyết những vấn đề trong hoạt động giao dịch, thanh toán, tài trợ thương mại, tín dụng và cho vay, chứng khoán và bảo hiểm…

Trong số các công nghệ mới nổi, blockchain được kỳ vọng sẽ cách mạng hóa ngành tài chính - ngân hàng một cách toàn diện ở nhiều dịch vụ, không những thế, blockchain còn có tiềm năng đột phá trong các lĩnh vực khác như chăm sóc sức khỏe, chính phủ số, bất động sản, hậu cần, giáo dục, bán lẻ và hơn thế nữa.

Theo thống kê của ReportLinker, blockchain toàn cầu trong thị trường dịch vụ tài chính và ngân hàng dự kiến ​​sẽ tăng từ 1,17 tỷ USD vào năm 2021 lên 1,89 tỷ USD trong năm 2022 với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 61,9%. Dù Bắc Mỹ đang là khu vực lớn nhất trong thị trường tài chính - ngân hàng blockchain năm 2021 nhưng Châu Á - Thái Bình Dương cũng được kỳ vọng sẽ là khu vực phát triển nhanh nhất trong thời gian dự báo. Ở quốc tế, các công ty lớn đang ứng dụng Blockchain vào hoạt động tài chính - ngân hàng gồm có Amazon Web Services, Microsoft, IBM, Intel, JPMorgan, ConsenSys, R3, Oracle…

Tại Việt Nam, công nghệ Blockchain vẫn đang trong giai đoạn đầu, chính vì vậy, khó khăn thách thức còn nhiều. Vấn đề này đã được bàn luận tại Hội thảo "Cơ hội, thách thức ứng dụng Blockchain vào vận hành trong ngành tài chính" do Hiệp hội Blockchain Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức sáng 26/10 tại Hà Nội.

Các chuyên gia từ hai Hiệp hội đã chia sẻ một số cách công nghệ blockchain sẽ thay đổi tương lai của hệ thống ngân hàng. Thứ nhất, blockchain giúp chuyển tiền quốc tế nhanh chóng: Hiện tại, khi chuyển tiền từ quốc gia này sang quốc gia khác, các giao dịch có thể mất nhiều ngày và liên quan đến nhiều bên thứ ba; và một ngân hàng hay các bên đang tính toán cắt giảm giao dịch này do nhiều thủ tục trong khâu xử lý. Với đặc tính của Blockchain thì cho phép các giao dịch ngang hàng nhanh hơn và đơn giản hơn, hiệu quả hơn cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng quốc tế.

Thứ hai, blockchain giúp tăng cường bảo mật và giảm gian lận: Mạng lưới Blockchain được duy trì bởi hàng nghìn máy tính, có nghĩa là không có điểm trung tâm nào mà tin tặc có thể tấn công mạng và thay đổi dữ liệu mà không để lại bằng chứng. Đặc tính này của blockchain khiến nó trở nên cực kỳ phù hợp trong bối cảnh toàn cầu hiện nay về tội phạm mạng tràn lan hay các cuộc tấn công ransomware lan rộng, có thể xâm phạm thông tin nhạy cảm và dẫn đến thiệt hại hàng trăm nghìn đô la cho các nạn nhân.

Thứ ba, blockchain có khả năng giảm đáng kể chi phí dịch vụ ngân hàng và nâng cao chất lượng sản phẩm: Một số tác vụ có thể được tự động hóa khi sử dụng blockchain, chẳng hạn như thanh toán hoặc phát hành các khoản vay.

Thứ tư, blockchain giúp giảm thiểu lỗi của con người: Nhiều báo cáo khác nhau cho thấy những sai sót của con người trong công tác kế toán, ghi chép và đối chiếu là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra gian lận. Bằng cách sử dụng phương pháp tự động ghi lại các giao dịch của blockchain mà sau này không thể thay đổi được, nhiều quy trình thủ công sẽ được loại bỏ dần, do đó giảm thiểu sai sót của con người, nâng cao hiệu quả và giảm thiểu tác động của các mối đe dọa mạng.

Thứ năm, blockchain có thể giúp đẩy nhanh tiến trình cho vay ngang hàng (P2P): việc cho vay sẽ dần trở nên dễ dàng hơn vì sẽ có các giao dịch được giải quyết ngay lập tức. Điều này có thể giúp tránh các vấn đề như chi tiêu gấp đôi và vỡ nợ. Blockchain cũng có thể giảm thời gian mở tài khoản ngân hàng từ vài ngày xuống còn vài phút.

Cũng trong khuôn khổ hội thảo, cả hai Hiệp hội cũng đã ký kết hợp tác để nối dài hoạt động nghiên cứu, cố vấn về các ứng dụng blockchain trong ngành tài chính và góp phần tuyên truyền, quảng bá thông tin đúng đắn về blockchain, đề xuất các khuyến nghị cho cơ quan chính phủ. Đồng thời, hai Hiệp hội sẽ cùng nhau tham vấn để hoàn chỉnh khung chính sách pháp lý cho lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam; mở rộng quan hệ với các tổ chức, cộng đồng công nghệ blockchain trên thế giới; chia sẻ kinh nghiệm, nguồn lực để nghiên cứu, phát triển nguồn nhân lực cho nền kinh tế số.

Đánh giá về ý nghĩa của hội thảo, TS. Trần Quý - Viện trưởng Viện Phát triển Kinh tế số Việt Nam cho rằng “Đây là một hội thảo có ý nghĩa lớn, thể hiện đa chiều các vấn đề về ứng dụng công nghệ blockchain vào kinh tế số, đặc biệt là lĩnh vực ngân hàng, giúp các nhà quản lý cũng như các ngân hàng có góc nhìn chính xác và tích cực hơn về việc ứng dụng công nghệ blockchain trong tài chính, ngân hàng.

Hội thảo có sự tham dự của ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ông Nguyễn Gia Bảo - Cục Phòng chống rửa tiền, bà Phạm Hồng Hạnh - Chuyên gia Vụ Kinh tế, Ủy ban Kinh tế Quốc hội, ông Chris Ellis - Đại sứ quán Mỹ, ông Trần Quý - Viện trưởng Viện Phát triển Kinh tế số Việt Nam, ông Nguyễn Đức Trung - Quyền Hiệu trưởng Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, và nhiều đại biểu đến từ Bộ Công An, Bộ Thông tin-Truyền thông và nhiều đơn vị khác…