Chất lượng tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm 2019 có phần “kém đi“

VietTimes -- Các diễn giả tham dự buổi tọa đàm công bố Báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam Quý 3/2019 do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã chia sẻ nhiều góc nhìn xung quanh tốc độ tăng trưởng kinh tế trong 9 tháng đầu năm nay.
PGS.TS Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng VEPR - phát biểu tại buổi tọa đàm
PGS.TS Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng VEPR - phát biểu tại buổi tọa đàm

Theo báo cáo, tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong Quý 3/2019 đạt mức 7,31%, trong 9 tháng đầu năm đạt 6,98%.

Trong đó, VEPR lưu ý việc Tổng cục Thống kê (TCTK) đã tính toán lại GDP đưa quy mô tăng tới 25% và nhận định việc ước lượng lại là điều nên làm. Tuy nhiên, sự thay đổi GDP cũng gây ra một số băn khoăn về tăng nguồn thu ngân sách nhà nước (NSNN) hay việc nới lỏng các chỉ tiêu vĩ mô khác như tỷ lệ nợ công, vay nợ Chính phủ.

“Câu chuyện về tính toán GDP nên được giải thích một cách hợp lý, khoa học thì những con số về tăng trưởng mới thực sự có ý nghĩa” - báo cáo cho hay.

Chất lượng tăng trưởng có phần "kém đi"

Các diễn giả tham dự buổi tọa đàm cho biết diễn biến các chỉ số sau 3 quý gần như đã bộc lộ rõ các vấn đề cả năm của bức tranh kinh tế trong nước.

Đóng góp chính của tăng trưởng kinh tế trong 9 tháng đầu năm đến từ khu vực công nghiệp và xây dựng, tăng trưởng 9,56% so với cùng kỳ. Trong khi đó, khu vực dịch vụ tăng trưởng 6,85%. Khu vực nông, lâm, ngư nghiệp tỏ ra “hụt hơi” so với mọi năm với mức tăng trưởng yếu - ở mức 2,02% so với cùng kỳ năm trước.

Đi sâu phân tích, PGS.TS Phạm Thế Anh - Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) - nhận định tăng trưởng của khu vực công nghiệp và xây dựng đã bù đắp được cho sự suy giảm của nông nghiệp, giúp duy trì đà tăng trưởng so với mọi năm.

Tăng trưởng kinh tế theo ngành 9T/2019 (Nguồn: VEPR)
Tăng trưởng kinh tế theo ngành 9T/2019 (Nguồn: VEPR)

Tuy nhiên, hầu hết các ngành sản xuất (Xây dựng, Công nghiệp chế biến chế tạo) giữ nguyên hoặc suy giảm đôi chút, ngành khai khoáng lại cho thấy sự gia tăng đáng chú ý.

Cụ thể, cùng kỳ năm ngoái lĩnh vực này tăng trưởng âm thì trong 9 tháng đầu năm 2019 tăng trưởng 2,68% (đóng góp 0,17 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP). Điều này phần nào cho thấy sự tăng trưởng kinh tế đang phụ thuộc vào việc khai thác tài nguyên.

“Trong 9 tháng đầu năm, thời tiết ở Việt Nam tương đối nóng, sản lượng thủy điện thấp, sản lượng nhiệt điện tăng cao. Do vậy, việc khai thác tài nguyên là than đá tăng cao nhưng đổi lại là chất lượng môi trường suy giảm” - ông Phạm Thế Anh phân tích.

Bên cạnh đó, ngành chế biến chế tạo (chủ yếu là dệt may, da giày linh kiện điện tử) cũng có sự suy giảm trong tăng trưởng so với cùng kỳ. Trong khi đó, chỉ số tồn kho đang có xu hướng tăng cao “năm trước chỉ khoảng 8% thì năm nay đã tăng hơn 17%” dẫn đến tiềm ẩn rủi ro về đình trệ sản xuất tạm thời và thu hẹp quy mô sản xuất.

Chỉ báo công nghiệp (Nguồn: VEPR)
Chỉ báo công nghiệp (Nguồn: VEPR)

Mặt khác, theo báo cáo của VEPR, chỉ số quản trị nhà mua hàng (PMI) suy giảm trong kỳ và kết thúc ở mức 50,5 điểm vào cuối tháng 9/2019, mức thấp nhất trong vòng 2 năm trở lại đây. Số lượng đơn hàng mới tăng thấp nhất trong 3 năm, doanh thu bán hàng ở nước ngoài giảm nhẹ do lo ngại về nhu cầu thị trường.

“Mặc dù, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong 9 tháng năm 2019 bằng với năm ngoái nhưng chất lượng tăng trưởng có phần kém đi, bức tranh kinh tế không hoàn toàn là màu hồng” - vị Kinh tế trưởng VEPR chia sẻ quan điểm cá nhân.

PGS.TS Phạm Thế Anh - Kinh tế trưởng VEPR - phát biểu tại tọa đàm (Ảnh: VEPR)
PGS.TS Phạm Thế Anh - Kinh tế trưởng VEPR - phát biểu tại tọa đàm (Ảnh: VEPR)

Vì sao dòng vốn vào Việt Nam không như kỳ vọng?

Theo báo cáo của VEPR, dòng vốn đấu tư nước ngoài đăng ký mới có xu hướng giảm nhẹ, chỉ đạt 3,57% trong Quý 3/2019.

“Mặc dù căng thẳng thương mại Mỹ - Trung từ năm 2018 được hy vọng sẽ gia tăng dòng vốn vào Việt Nam, nhưng thực tế các quốc gia trong khu vực như Indonesia, Malaysia, Thái Lan cũng đang ra sức thu hút lượng vốn chuyển dịch khỏi Trung Quốc” - báo cáo cho hay.

Sự cạnh tranh tăng cao khiến lượng vốn đầu tư vào Việt Nam không đạt được như kỳ vọng, tuy nhiên, tỷ lệ vốn được giải ngân ở khu vực FDI tăng cao, đạt 7,3% so với cùng kỳ.

Ví dòng vốn nước ngoài chuyển hướng từ Trung Quốc sang các nước khác giống như thác nước, PGS.TS Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng VEPR -  nhận định “năng lực của hệ thống ngân hàng, cơ sở hạ tầng, quản trị doanh nghiệp trong nước,... sẽ thể hiện chúng ta có nhiều thùng để đựng dòng nước này hay không”.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia này cũng đánh giá cao việc xếp hạng cạnh tranh của Việt Nam tăng 10 bậc (từ vị trí 77 lên 67) với đa số các khía cạnh đều được cải thiện.

Thách thức và cơ hội

Cũng tại tọa đàm, TS. Cấn Văn Lực bày tỏ lo ngại về việc suy giảm trong tăng trưởng sản lượng của Samsung, chỉ khoảng 6% so với năm trước, tác động đến tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo. Nguyên nhân có thể là do hãng dịch chuyển cơ sở sản xuất, nhu cầu thay đổi và chịu tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Ngành nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do dịch tả lợn châu Phi, thời tiết khắc nghiệt hơn. Mặt khác, xuất khẩu nông sản sang EU và Trung Quốc cũng khó khăn hơn nhiều.

Thêm nữa, ngành du lịch cũng chứng kiến sự suy giảm trong tăng trưởng lượng khách du lịch quốc tế, chủ yếu là do lượng khách Trung Quốc và Hàn Quốc sụt giảm.

Vị chuyên gia này cũng chỉ ra một số “điểm nghẽn” trong tăng trưởng kinh tế. Trong đó, ông Cấn Văn Lực lưu ý đến việc tạo dựng thể chế cho nền kinh tế số, giải ngân nguồn vốn đầu tư công, xử lý nợ xấu và tái cơ cấu nền kinh tế đang có phần bị chậm lại.

TS. Cấn Văn Lực chia sẻ tại tọa đàm
TS. Cấn Văn Lực chia sẻ tại tọa đàm

Ngoài ra, TS. Cấn Văn Lực cũng chỉ ra một số điểm tích cực của nền kinh tế vĩ mô. Trong đó, ông Lực cho biết cần ghi nhận khách quan về con số tăng trưởng 8,2% của lĩnh vực xuất khẩu trong bối cảnh thương mại toàn cầu sụt giảm 1,5% trong nửa đầu năm 2019.

Tiếp đó, dòng vốn đầu tư năm ngoái và năm nay đã dịch chuyển theo hướng khác trước khá nhiều. Giai đoạn 2016 - 2017, dòng vốn tín dụng đóng góp 57% tổng vốn đầu tư của toàn xã hội, thì đến năm 2018 và 9 tháng đầu năm nay, dòng vốn ngân hàng đóng góp khoảng 46% trong tổng vốn đầu tư của toàn xã hội.

“Tính sơ bộ, dòng vốn ngân hàng đã giảm dần nhưng chúng ta vẫn đạt tăng trưởng tốt. Điều này cho thấy các dòng vốn khác như dòng vốn tư nhân và FDI giải ngân rất tốt” - ông Lực cho biết.

Chỉ số lạm phát của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm cũng ở mức thấp, dù trước đó việc Chính phủ tăng giá điện đã khiến nhiều chuyên gia lo ngại chỉ số này sẽ tăng mạnh trong các tháng sau đó.

Bên cạnh việc điều tiết của Chính phủ, nguyên nhân lạm phát ở mức thấp còn do diễn biến giá dầu thế giới trong thời gian qua gần như không tăng. Giá hàng hóa cơ bản (không kể giá vàng) giảm 1,7% so với cùng kỳ. Đây là những yếu tố thuận lợi giúp Việt Nam kiểm soát lạm phát tốt hơn./.