Chậm mở cửa, Việt Nam có thể bỏ lỡ nhiều cơ hội đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Có ít nhất 20% doanh nghiệp thành viên của các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam (AmCham, EuroCham, KoCham) đã chuyển một số hoạt động sản xuất sang quốc gia khác. 
Việt Nam đang bỏ lỡ những cơ hội đầu tư có thể không quay trở lại (Ảnh minh họa - Nguồn: Internet)
Việt Nam đang bỏ lỡ những cơ hội đầu tư có thể không quay trở lại (Ảnh minh họa - Nguồn: Internet)

Bốn hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam bao gồm Hiệp hội Thương mại Mỹ (AmCham), Hội đồng kinh doanh Mỹ - ASEAN, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) và Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc (KoCham) vừa có kiến nghị gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất chiến lược “Phòng ngừa và kiểm soát đại dịch ở từng khu vực” nhằm khôi phục sản xuất kinh doanh an toàn trong trạng thái chống dịch mới.

Trong thư, các hiệp hội này hai lần nhấn mạnh rằng Việt Nam phải hành động ngay từ bây giờ để duy trì khả năng cạnh tranh trong khu vực và toàn cầu, đồng thời không bị tụt hậu trong quá trình phục hồi kinh tế.

Theo khảo sát của các hiệp hội, có ít nhất 20% thành viên của họ đã chuyển một số hoạt động sản xuất sang quốc gia khác, và nhiều cuộc thảo luận hơn đang được tiến hành.

“Một khi sản xuất thay đổi, rất khó để quay trở lại, đặc biệt là khi dây chuyền sản xuất đã được mở rộng ở nơi khác”, văn bản nêu.

Các hiệp hội cho hay, Việt Nam đang bỏ lỡ những cơ hội đầu tư có thể không quay trở lại. Đầu tư sẽ không tăng nếu không có kế hoạch rõ ràng để tái mở cửa và phục hồi. Các nhà đầu tư tiềm năng mới cũng không thể đến nếu không có các chính sách hợp lý cho việc nhập cảnh.

Để giải quyết vấn đề này, các hiệp hội đánh giá, vaccine là "chìa khóa" quan trọng. Các nhóm đối tượng ưu tiên bao gồm nhân viên y tế tuyến đầu, người cao tuổi, người có bệnh nền, nhân viên giao nhận, sản xuất, đặc biệt là ở Tp. HCM và khu vực phía Nam, cho cả liều đầu tiên và liều thứ hai.

Các hiệp hội cũng lưu ý rằng, cần có một ứng dụng hoặc hệ thống theo dõi được điều phối giữa các bộ, ngành và các tỉnh, cho phép việc nhận dạng, tiếp cận và đi lại một cách nhất quán. Cùng với đó, Việt Nam cũng cần có một cơ chế để nhập liệu các lần tiêm chủng và cấp “thẻ xanh” cho người nước ngoài.

“Việc chấp nhận nhiều hơn các tài liệu kỹ thuật số, vừa để tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư trong thời gian COVID, vừa cho phép đổi mới và tăng trưởng của nền kinh tế kỹ thuật số”, giới đầu tư nước ngoài đánh giá.

Theo các hiệp hội, khi tiến tới trạng thái bình thường mới, ngoài tiêm chủng nhiều hơn, Việt Nam còn cần có sự phối hợp giữa các chính sách trên toàn quốc, bao gồm vận chuyển, xét nghiệm nhanh và chính sách cô lập, lọc F0 nhanh chóng để đảm bảo an toàn cho người lao động và giảm thiểu tác động đến các hoạt động./.