|
Các diễn giả trao đổi tại tọa đàm. |
Đây là vấn đề được nhiều doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ quan tâm tại tọa đàm "Quản trị tài chính - kế toán - thuế hiệu quả khi thuê dịch vụ trên nền tảng số" – diễn ra ngày 15/8.
Dẫn sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2022, ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam (VinaSME), cho biết, doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ chiếm tỉ trọng gần 93,7% tổng số doanh nghiệp trong nền kinh tế Việt Nam. Ngoài ra hiện nay có khoảng 5 triệu hộ kinh doanh cũng đang tiến đến thực hiện phải kê khai thuế.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh lại đang thiếu nguồn lực, nhân lực chất lượng và tiếp cận công nghệ để thực hiện công tác quản lý tài chính, kế toán, thuế hiệu quả.
Phân tích thực tế mà doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh thường gặp phải trong quản trị tài chính, kế toán, thuế, ông Nguyễn Văn Thức - Chuyên gia cấp cao về thuế và Kế toán, Tổng Giám đốc Công ty Kế toán Hà Nội cho rằng đa số khó khăn mà những doanh nghiệp này gặp phải nằm ở khâu lưu trữ hóa đơn, chứng từ, sổ sách, báo cáo chưa đúng quy định. Cùng với đó là việc chưa phân định rõ tài chính cá nhân, gia đình, doanh nghiệp hoặc chưa thực sự nắm chắc về nghĩa vụ, trách nhiệm trong quản lý tài chính, kế toán, thuế. Từ đó, doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều rủi ro như khó đo đếm chính xác hiệu quả hoạt động, thậm chí để xảy ra sai phạm về thuế.
Thống nhất với ý kiến trên, bà Đinh Thị Thúy - Tổng Giám đốc MISA cũng cho rằng: “Việc thuê dịch vụ kế toán theo phương thức truyền thống khiến nhiều doanh nghiệp bị động trong việc quản trị dữ liệu số về tài chính. Hiện nay, sự phát triển vượt bậc của công nghệ đã kết nối doanh nghiệp, hộ kinh doanh có nhu cầu với các đơn vị kế toán dịch vụ thông qua nền tảng số giúp tiết kiệm chi phí và đảm bảo chất lượng dịch vụ tài chính - kế toán khi thuê ngoài”.
Thông tin chính xác, hạn chế nguy cơ cho doanh nghiệp
Đưa ra số liệu về doanh thu thuê ngoài ngành tài chính, kế toán, thuế chiếm tỉ trọng lớn nhất là 21,1% vào năm 2022, diễn giả Lê Khánh Lâm – đại diện Công ty Kiểm toán và Tư vấn RSM Việt Nam dự đoán xu hướng thuê ngoài dịch vụ tài chính và kế toán, thuế sẽ tiếp tục tăng trưởng trong giai đoạn tới.
“Tuy nhiên, việc thuê ngoài dịch vụ tài chính, kế toán, thuế cũng khiến doanh nghiệp phải đối mặt với một số rủi ro như rủi ro về bảo mật thông tin hoặc rủi ro về chi phí khi giao dịch với các đơn vị dịch vụ thiếu năng lực và thiếu trách nhiệm. Vì vậy, doanh nghiệp, hộ kinh doanh cần có định hướng chiến lược, chú trọng ứng dụng công nghệ số, đặc biệt lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ kế toán phù hợp” – ông Lâm nêu quan điểm.
Tại toạ đàm, các diễn giả đều cho rằng công nghệ đã cho phép các doanh nghiệp vừa và nhỏ quản lý toàn bộ dữ liệu tài chính và đưa ra quyết định kinh doanh hiệu quả dựa trên các dữ liệu liên thông, luôn được cập nhật liên tục.
Bà Bùi Thị Trang - Giám đốc phát triển nền tảng kế toán dịch vụ MISA ASP cho biết việc quản trị tài chính, kế toán, thuế khi thuê dịch vụ trên nền tảng số sẽ giúp cung cấp thông tin chính xác, trung thực, hạn chế sai sót, rủi ro dẫn đến doanh nghiệp bị phạt hành chính thậm chí là hình sự. Đồng thời làm gia tăng uy tín, giá trị của các doanh nghiệp.
Ngoài ra, doanh nghiệp hoàn toàn làm chủ dữ liệu tài chính, chủ động nắm bắt số liệu để đưa ra các chiến lược kinh doanh phù hợp, linh hoạt thay đổi đơn vị kế toán dịch vụ vì các dữ liệu được kế thừa, đảm bảo tính bảo mật và đồng bộ./.