Ngày 23/5, CTCP Tập đoàn Lộc Trời đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2021 bằng hình thức trực tuyến, với sự tham gia của 16 cổ đông, chiếm tỉ lệ 70,9% số cổ phần có quyền biểu quyết. Đại hội đã thông qua nhiều nội dung quan trọng với tỉ lệ tuyệt đối.
Theo đó, đại hội đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2021 của Lộc Trời với mục tiêu doanh thu thuần 14.155 tỉ đồng (tăng 88% so với năm 2020) và lợi nhuận sau thuế hoạt động kinh doanh ở mức 400 tỉ đồng (tăng 8,4% so với năm 2020).
Đồng thời, đại hội cũng thông qua kế hoạch chia cổ tức bằng tiền tỉ lệ 15% cho năm 2020 (tăng 5% so với kế hoạch trước đó). Trong giai đoạn 2021 – 2023, tỉ lệ chia cổ tức theo mệnh giá của Lộc Trời sẽ tăng 5% mỗi năm, từ mức 20% của năm 2021 lên mức 30% vào năm 2023.
Trả lời cổ đông về vấn đề mục tiêu doanh thu tăng mạnh nhưng lợi nhuận tăng không đáng kể, đại diện Lộc Trời cho biết cơ cấu doanh thu của công ty phần lớn là từ ngành lương thực.
Tuy nhiên, vai trò chính của mảng này là cung ứng đơn hàng. Lộc Trời cũng không đặt mục tiêu lợi nhuận cho ngành kinh doanh này năm 2021. Khi doanh thu tăng nhưng lợi nhuận không tăng sẽ đặt ra bài toán cân bằng, giữa vốn vay và vốn chủ sở hữu để đạt mục tiêu chiến lược là tăng về quy mô.
Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Duy Thuận – Tổng Giám đốc Lộc Trời, lĩnh vực nông nghiệp luôn phải chịu sự chi phối của thời tiết và dịch bệnh. Lấy ví dụ về tác động của dịch Covid-19, ông Thuận cho biết đại dịch có thể dẫn đến sự ngưng trệ hoạt động của công ty, của đối tác và hệ thống logistics.
“Có nhiều yếu tố trong năm 2021 chúng tôi không lường trước được. Do đó, chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế 400 tỉ đồng là lời hứa mà chúng tôi có thể đạt được. Nếu thực hiện cao hơn mức cam kết này, đây chính là lợi ích mà cổ đông và nhân viên được hưởng” – ông Thuận chia sẻ.
Cũng theo CEO Lộc Trời, công ty đang có 4 mảng kinh doanh theo cây trồng, bao gồm: lúa, rau, cây ăn trái, cây công nghiệp. Mọi hoạt động của tập đoàn được thực hiện theo diễn biến mùa vụ.
“Nếu trước đây, Lộc Trời bán hàng theo nhu cầu, không có định lượng cụ thể và dự báo chính xác, thì từ năm 2020, công ty đã làm việc với nông dân về lượng giống, phân, thuốc cho từng vụ, cho từng thị trường theo quy định cụ thể. Đồng thời, Lộc Trời cũng có kế hoạch cung ứng và kiểm soát chất lượng cho từng thị trường. Kế hoạch này được chuyển đến cho bà con nông dân qua hoạt động cung ứng của đại lý” – ông Thuận nói.
CEO Lộc Trời cũng cho biết, công ty đã chuẩn bị kế hoạch kinh doanh đến năm 2024. Theo đó, công ty không chỉ dựa vào một mảng kinh doanh duy nhất mà dựa vào hệ sinh thái, với các mảng kinh doanh có sự liên kết với nhau.
Cụ thể, Lộc Trời phải tổ chức sản xuất nông nghiệp hiệu quả, quyền lợi của công ty đi cùng với nông dân, giúp nông dân giảm chi phí, tăng hiệu quả. Khi các đối tác tin tưởng vào năng lực của Lộc Trời, vào tiêu chuẩn chất lượng gạo cung cấp cho EU, Nhật, Hàn, Mỹ, Úc,.. thì đó sẽ là cơ sở để Lộc Trời cung cấp nông sản cho khách hàng, các đơn hàng ổn định và chất lượng tốt.
Khi các mối liên kết này thành 1 vòng tròn khép kín, Lộc Trời sẽ tìm cách tăng hiệu quả của quy trình và tạo ra lợi nhuận.
Tuy nhiên, CEO Lộc Trời cũng lưu ý một số rủi ro có thể tác động tới doanh thu của công ty, bao gồm: (1) các đơn hàng gửi đến Lộc Trời bị gián đoạn tại khâu vận chuyển, đóng container; (2) dịch bệnh Covid-19 làm gãy nhiều khâu trong chuỗi cung ứng lương thực.
Như VietTimes từng đề cập, Lộc Trời đã ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong Quý 1/2021 với doanh thu thuần 2.396,8 tỉ đồng (tăng 3,2 lần so với cùng kỳ năm trước), báo lãi sau thuế 184 tỉ đồng (trong khi cùng kỳ báo lỗ 37 tỉ đồng).
Trong đó, doanh thu từ thuốc bảo vệ thực vật của Lộc Trời tăng 4,4 lần cùng kỳ, đạt mức 1.575,6 tỉ đồng, chiếm 65,7% tổng doanh thu của công ty trong Quý 1/2021.
Theo Lộc Trời, kết quả kinh doanh khả quan của Quý 1/2021 được hỗ trợ bởi các yếu tố thời tiết thuận lợi và giá nông sản giữ mức cao khiến nông dân tích cực đầu tư sản xuất, tiếp đến là việc hệ thống phân phối của công ty đã hoạt động ổn định sau tái cơ cấu, điều chỉnh các chính sách quản lý.
Đáng chú ý, lượng tiền và tương đương tiền của Lộc Trời tại ngày 31/3/2021 đạt 1.661 tỉ đồng, tăng 2,1 lần so với đầu năm, chiếm 19,6% tổng tài sản.
Sự dịch chuyển các khoản mục nêu trên cho thấy chính sách bán hàng có công nợ sang giao hàng thu tiền ngay của Lộc Trời bắt đầu có kết quả. Mục đích của sự thay đổi này là nhằm cải thiện hiệu quả quản lý hệ thống phân phối, tạo tăng trưởng ổn định về doanh số và quản lý công nợ chặt chẽ hơn.
Việc cải thiện năng lực tài chính là tiền đề góp phần giúp Lộc Trời dần hiện thực hoá mục tiêu trở thành “kỳ lân” nông nghiệp đầu tiên của Việt Nam./.