CEO Asanzo: Tôi vẫn quyết tâm làm sản phẩm hoàn toàn Việt Nam!

VietTimes -- “Khát khao hướng đến là tạo ra những sản phẩm hoàn toàn của Việt Nam, không chung đụng với đất nước nào khác. Sau những giông bão vừa qua, tôi vẫn quyết tâm hướng đến những khát khao đó. Tôi muốn khẳng định một người đi buôn sản xuất được thiết bị điện tử!” - nhà sáng lập, CEO Asanzo Phạm Văn Tam nói. Trong bài chia sẻ dài khoảng 20 chục phút, có những lúc giọng ông Tam nghẹn lại, chực khóc...
Nhà sáng lập, CEO Asanzo Phạm Văn Tam.
Nhà sáng lập, CEO Asanzo Phạm Văn Tam.

Từ tay buôn chuyến đến tham vọng sản xuất hàng điện tử

Mở đầu buổi sinh hoạt chuyên đề “Hàng Việt Nam nhìn từ Asanzo” cho CLB Cafe Số tổ chức, ông Phạm Văn Tam - CEO Asanzo - đã có những chia sẻ về quá trình khởi nghiệp, bắt đầu sản xuất sản phẩm TV, cũng như những “sóng gió” mà công ty đã trải qua. Ông cho biết luôn thượng tôn pháp luật, nếu làm sai sẽ chịu trách nhiệm.

“Có người nói tôi chỉ là con buôn nhưng tôi không phiền lòng về điều đó. Nhờ quá trình đi buôn, tôi đúc rút được kinh nghiệm để làm ra những sản phẩm như hiện nay” - ông Tam chia sẻ.

Theo vị CEO này, những chuyến đi buôn điện tử đến miền Tây, vùng cao ở Tây Nguyên và vùng miền núi phía Bắc đã giúp ông nắm bắt được thị hiếu của người tiêu dùng, nhu cầu của thị trường.

Sản phẩm TV đầu tiên của Asanzo dùng bình ắc quy với mục đích phục vụ cho những khách hàng bị bỏ quên này. Nhờ thấu hiểu được điều kiện lưới điện tại các vùng sâu, vùng xa, Asanzo đã tạo ra những sản phẩm phù hợp.

Toàn bộ buổi sinh hoạt chuyên đề “Hàng Việt Nam nhìn từ Asanzo” của CLB Cafe Số.

“Tôi hiểu những người trên sông nước cần gì. Điện lưới ở vùng cao nguyên chỉ đạt 90 - 120V, trong khi những chiếc TV bình thường sử dụng điện lưới 220V (hoặc 160V) nên không thể dùng được. Trong bối cảnh đó, chúng tôi tự phải thiết kế lại bo mạch, làm bo mạch nhỏ lại gọn lại để phù hợp với điện áp 12V của bình ắc quy. Người dân có thể xem TV thoải mái, xem tất cả các kênh truyền hình của Việt Nam. Thậm chí, chúng tôi vẫn bảo hành 3 năm cho người dùng” - ông Tam cho biết.

Bên cạnh đó, Asanzo cũng thiết kế những sản phẩm TV phù hợp với vùng miền. Lấy ví dụ về màu sắc sản phẩm, Asano cho biết những TV ở miền Tây có màu vàng và màu đỏ ở Tây Nguyên phù hợp với chất đất phù sa, đất đỏ. Trong khi thị trường miền Bắc sản phẩm TV có màu đen, phù hợp với thị hiếu của người dân ở đây.

Trong 1 tháng đầu tiên, Asanzo đã rất hài lòng với việc phục vụ những khách hàng trong thị trường ngách mà mình hướng đến. TV của Asanzo là sản phẩm trong phân khúc giá rẻ nhưng không vì thế là sản phẩm có chất lượng thấp.

Cuối bài phát biểu dài khoảng 20 phút của mình, giọng CEO Asanzo nghẹn lại chực khóc...
Cuối bài phát biểu dài khoảng 20 phút của mình, giọng CEO Asanzo nghẹn lại chực khóc...

“Lúc khởi đầu, chúng tôi bán hàng bằng những chân tình. Các chủ cửa hàng, khách hàng họ tin tôi. Đó là hướng đi ngược với cách của các hãng khác đã làm. Tôi quan trọng là người ta thương tôi, người ta thấy được những gì tôi đã làm và mua sản phẩm” - ông Tam chia sẻ về hoạt động bán hàng của Asanzo thời điểm ban đầu.

Chỉ trong vòng 5 năm, Asanzo đã có tới 15.000 điểm bán hàng. “Đây là điều đáng mơ ước của nhiều hãng khác” - ông Tam bình luận.  

Về hoạt động sản xuất kinh doanh của Asanzo, ông Tam cho biết hiện tập đoàn đang có 2.000 nhân viên, trong đó có 600 nhân công lắp ráp nhưng “nhưng không phải chỉ để bóc tem”. Asanzo đang xây dựng một nhà máy tại Quận 9 với tham vọng phát triển hơn nữa.

“Khát khao hướng đến là tạo ra những sản phẩm hoàn toàn của Việt Nam, không chung đụng với đất nước nào khác. Sau những giông bão vừa qua, tôi vẫn quyết tâm hướng đến những khát khao đó. Tôi muốn khẳng định một người đi buôn sản xuất được thiết bị điện tử!” - CEO Phạm Văn Tam khẳng định.

Không bỏ tiền để mua danh hiệu

Buổi sinh hoạt cũng nhận được nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh những nghi vấn Asanzo dán nhãn “Made in Vietnam” cho các mặt hàng điện tử nhập khẩu từ Trung Quốc, làm dậy sóng dư luận trong thời gian gần đây.

Theo luật sư Nguyễn Tiến Lập, Asanzo còn thiếu kinh nghiệm trong dán nhãn hàng hóa nên dẫn đến tình trạng bị động, là cái cớ để người khác nhìn vào, đánh giá và bình luận. Do đó, Asanzo dễ trở thành nạn nhân của truyền thông.

Với sức nóng của câu chuyện Asanzo, buổi sinh hoạt chuyên đề của CLB Cafe Số thu hút sự tham dự của đông đảo phóng viên, nhà báo.
Với sức nóng của câu chuyện Asanzo, buổi sinh hoạt chuyên đề của CLB Cafe Số thu hút sự tham dự của đông đảo phóng viên, nhà báo.

Căn cứ theo thông lệ quốc tế, nếu dán nhãn “Made in” thì giá trị chi phí bằng tiền trực tiếp (bao gồm: lao động, linh kiện đầu vào, chi phí bán hàng) khoảng trên 50%, không đi vào yếu tố kỹ thuật. Nếu ghi sản phẩm của nước nào đó, thì phải ghi là 98% từ một nước nào đó. Còn các mặt hàng khác, tùy vào yếu tố kỹ thuật có thể ghi là Thiết kế ở đâu, lắp ráp ở đâu...

Đối với các nhãn hiệu nổi tiếng, vấn đề sản xuất ở đâu không còn quan trọng nữa. Người tiêu dùng họ mua là mua giá trị của thương hiệu.

“Đối với khía cạnh quản lý nhà nước, cái họ quan tâm đến xuất xứ, vì còn liên quan đến hưởng các ưu đãi về chính sách, các FTAs. Hải quan các nước tính chi li hơn nhiều, dùng những biện pháp kỹ thuật để áp vào” - LS. Nguyễn Tiến Lập chia sẻ thêm.  

Một chuyên gia từng tham gia đoàn đàm phán của Bộ Công thương trong việc ký kết hàng loạt FTA chia sẻ, không nên đánh đồng việc dán nhãn xuất xứ với lòng tự tôn dân tộc. Đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng trên toàn thế giới.

“Điều quan trọng là cộng đoạn sản xuất cuối cùng tại Việt Nam và giá trị thương hiệu được khẳng định qua chất lược của sản phẩm” - vị chuyên gia từng bảo vệ thành công bằng Thạc sỹ về xuất xứ hàng hóa tại Trường Harvard Kennedy này nói.

Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao.
Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao.

Bắt chuyến bay sớm nhất ra Hà Nội để kịp tham dự buổi sinh hoạt, bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao - đã làm rõ với báo giới về thông tin tước danh hiệu "Hàng Việt Nam chất lượng cao" đối với Asanzo.

"Không phải là chúng tôi tước danh hiệu "Hàng Việt Nam chất lượng cao", danh hiệu này là do người tiêu dùng bình chọn, chúng tôi không có quyền. Thực tế, Hội chỉ ra Quyết định tước quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận "Hàng Việt Nam chất lượng cao" đối với Asanzo - cho - đến - khi có - thông - báo - khác", bà Hạnh chia sẻ.

Nữ Chủ tịch có 23 năm gắn bó với chương trình hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết, việc tước quyền sử dụng trên nhằm chờ đợi kết quả điều tra cuối cùng của cơ quan chức năng về cáo buộc Asanzo về "đội lốt hàng Việt".

“Chúng tôi vẫn còn danh sách, lưu địa chỉ của từng người tiêu dùng bình chọn cho Asanzo. Chúng tôi đã làm rất thận trọng nên việc quy kết chúng tôi tiếp tay cho Asanzo lừa đảo người tiêu dùng như một số cáo buộc là hoàn toàn sai” - bà Hạnh nói.

Về phía Asanzo, ông Phạm Văn Tam bày tỏ sự trân trọng đối với nhãn hiệu Hàng Việt Nam Chất lượng cao. Đồng thời khẳng định: “Chưa bao giờ tôi trả tiền để mua danh hiệu này”./.