|
Các công ty thực hiện kiểm tra thân nhiệt nhân viên khi đến làm việc (Ảnh: Đông Phương) |
Theo số liệu do Ủy ban Y tế và Sức khỏe quốc gia công bố lúc 9h20 sáng 12/2, (giờ Hà Nội), trong 24 giờ qua, tổng số ca bệnh mới được xác nhận trên toàn quốc là 2.015, hiện tổng số người bị bệnh là 44.653 (trong đó có 8.204 ca nặng), 1.113 trường hợp tử vong; (Trong 24h qua chết thêm 97 người: Hồ Bắc 94, Hà Nam 1, Hồ Nam 1, Trùng Khánh 1); đã xuất viện 4.740 người, số nghi nhiễm là 16.067 người. Cả nước Trung Quốc đã phát hiện 451.462 người có tiếp xúc gần gũi với những người bị bệnh, hiện vẫn giám sát y tế với 185.037 người. Ngoài Trung Quốc Đại lục, khu vực Hồng Kông, Ma Cao, Đài Loan đã xác định có 77 người mắc bệnh: Hồng Kông 49 (chết 1) Ma Cao 10 (đã xuất viện 1), Đài Loan 18 đã xuất viện 1).
Tỉnh Hồ Bắc, khu vực trung tâm dịch bệnh, số người bệnh vẫn tăng nhanh. Tính đến 24h đêm 11/2, tỉnh này đã xác nhận có thêm 1.638 ca bệnh mới (giảm hơn 400 ca so với mức tăng ngày hôm trước. Trong đó Vũ Hán 1.104, Hiếu Cảm 109, Hoàng Cương 66, Ngạc Châu 71, Tùy Châu 34, Hoàng Thạch 39, Thập Yển 31, Tương Dương 25, Nghi Xương 12, Kinh Châu 35, Kinh Môn 40 , Hàm Ninh 10, Ân Thi 8, Tiên Đào 22, Thiên Môn 32).
Cả tỉnh có thêm 94 ca tử vong trong 24 giờ qua, (trong đó Vũ Hán 72, Hiếu Cảm 4, Kinh Châu 4, Kinh Môn 3, Hoàng Cương 2, Ngạc Châu 2, Tiên Đào 2, Tiềm Giang 2, Hoàng Thạch 1, Ân Thi 1, Hàm Ninh 1); có thêm 417 người được xuất viện.
Tính đến 24h đêm 11/2, cả tỉnh đã có 33.366 ca bệnh; tổng cộng đã chết 1.068 người (tỷ lệ 3,02%, riêng Vũ Hán 820, tỷ lệ 4,19%). Hiện đang còn 26.121 điều trị tập trung tại các bệnh viện; trong đó 5.724 ca nặng, 1.517 người nguy cấp. Phát hiện 11.295 người nghi nhiễm bệnh, trong ngày loại bỏ 6.756 người khỏi diện nghi nhiễm, tập trung cách ly 15.514 người, phát hiện 152.251 người tiếp xúc gần với những người bị bệnh, theo dõi y tế đối với 77.195 người.
|
Viện sĩ Chung Nam Sơn nhận định: dịch bệnh sẽ chấm dứt vào tháng 4/2020 (Ảnh: Guancha)
|
Viện sĩ Chung Nam Sơn ca ngợi Lý Văn Lượng, cho rằng dịch bệnh sẽ kết thúc vào tháng 4
Bác sĩ Lý Văn Lượng, 1 trong 8 thày thuốc bị phạt vì “tung tin đồn”, đã chết hôm 7/2. Viện sĩ Chung Nam Sơn, người đứng đầu nhóm chuyên gia cao cấp của Ủy ban Y tế và Sức khỏe quốc gia Trung Quốc, đã khóc trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với truyền thông Anh khi nói rằng hầu hết mọi người đều coi Lý Văn Lượng là anh hùng và ông cảm thấy tự hào về Lý. Chung Nam Sơn cũng nói phía sau Lý Văn Lượng có hơn 100 bác sĩ muốn nói lên sự thật, cần lắng nghe tiếng nói của họ.
Trong cuộc phỏng vấn, Chung Nam Sơn đã đề cập rằng dịch bệnh Viêm phổi do nCoV có thể đạt đến đỉnh điểm vào cuối tháng này và sau đó giảm dần rồi kết thúc vào tháng Tư. Ông cũng chỉ ra rằng vẫn chưa rõ liệu virus có thể truyền qua phân hay không và có xuất hiện “Vua virus” siêu truyền hay không, nhưng việc giảm thiểu các ca bệnh mới ở Chiết Giang và Quảng Đông là tin tốt lành.
Ông cho rằng việc đóng cửa phong tỏa Vũ Hán là quyết định chính xác, nhưng chính phủ và ngành y tế phải chịu trách nhiệm về việc mất kiểm soát virus ở giai đoạn đầu. Ông đề nghị Trung Quốc cần cấm vĩnh viễn buôn bán động vật hoang dã, cải thiện hoạt động của CDC và hỗ trợ xây dựng hệ thống cảnh báo bệnh truyền nhiễm toàn cầu.
Ngoài ra, ông Vương Quý Cường (Wang Guiqiang), Chủ nhiệm Khoa truyền nhiễm của Bệnh viện Số 1 Đại học Bắc Kinh, đã chỉ ra rằng nCoV có thể lây truyền chi trong vòng 15 giây. Nếu không được bảo vệ, nhanh nhất có thể sẽ bị nhiễm chỉ sau 2 giây.
|
Đội ngũ nhân viên y tế Vũ Hán - những người dũng cảm chiến đấu với dịch bệnh (Ảnh: Đa Chiều)
|
Vũ Hán vẫn thiếu vật tư y tế nghiêm trọng, nhiều nhân viên y tế lây bệnh
Kể từ khi dịch bệnh Viêm phổi do nCoV bùng phát, nhiều bệnh viện ở Vũ Hán đã xuất hiện các nhân viên y tế bị lây nhiễm. Phóng viên Guancha cho biết một bệnh viện ở Vũ Hán có tới 50 - 60 nhân viên y tế đã bị nhiễm bệnh.
Nhiều nhân viên y tế đã bị nhiễm bệnh, chủ yếu là do hiểu biết về virus không đầy đủ trong giai đoạn đầu và việc phòng hộ không được thực hiện. Thầy thuốc ở một số khoa bên ngoài khoa hô hấp như phẫu thuật thần kinh và tiêu hóa của một số bệnh viện đã bị nhiễm bệnh.
Hiện nay, việc cung cấp vật tư phòng hộ ở nhiều bệnh viện vẫn rất eo hẹp. Ngày 9/2, Bệnh viện Nhi đồng Vũ Hán đã ban hành thông báo số 5 yêu cầu trợ giúp khẩn cấp các vật tư phòng hộ, nói rằng quần áo bảo hộ y tế, áo choàng, khẩu trang N95... đã cạn kiệt. Theo dữ liệu do Bệnh viện Thiên Hữu thuộc Đại học Khoa học và Công nghệ Vũ Hán, hôm 9/2 có 296 bệnh nhân Viêm phổi do nCoV mới và 380 nhân viên y tế cần quần áo bảo hộ, nhưng chỉ có 510 bộ quần áo bảo hộ trong kho.
Theo thống kê, tại quận Đông Tây Hồ, quần áo bảo hộ y tế hiện cần 1.400 chiếc mỗi ngày, thiếu tới 1.000 chiếc; khẩu trang N95 y tế cần 2.000 chiếc mỗi ngày nhưng thiếu tới 1.800 chiếc (bao gồm cả bệnh viện khoang vuông), kính bảo hộ y tế cần 800 chiếc mỗi ngày, nhưng chỉ có 400 chiếc.
|
Viện sĩ Chung Nam Sơn trả lời phỏng vấn của CCTV tối 11/2 (Ảnh: Guancha)
|
Viện sỹ Chung Nam Sơn nói thêm cho rõ về thông tin “ủ bệnh 24 ngày”
Tối ngày 11/2, Viện sĩ Chung Nam Sơn đã chấp nhận một cuộc phỏng vấn độc quyền với các phóng viên CCTV. Ông trả lời về vấn đề báo chí đưa tin rằng “luận văn mới nhất của Trung Nam Sơn cho thấy thời gian ủ bệnh Viêm phổi do nCoV có thể lên tới 24 ngày”.
Ông nói: Đối với bài viết của nhóm chúng tôi về đặc điểm lâm sàng của 1.099 bệnh nhân bị viêm phổi do nCoV, nghiên cứu này đã cung cấp dữ liệu lâm sàng từ tổng số 552 bệnh viện ở 30 tỉnh, khu tự trị và thành phố trên cả nước.
Bài viết này là phiên bản in trước. Bản thân phiên bản in trước đòi hỏi nhiều đánh giá hơn. Theo yêu cầu chính thức đối với phiên bản in trước, thông tin của nó không thể được cơ quan truyền thông trích dẫn, cũng không thể chỉ đạo lâm sàng, cần phải được cùng ngành đánh giá. Về giai đoạn ủ bệnh trong phiên bản in sẵn, chúng tôi sử dụng phương pháp thống kê là ghi lại theo lời kể của bệnh nhân. Chúng tôi tính toán dựa trên lời kể của người bệnh về thời gian bệnh nhân tiếp xúc với nguồn lây nhiễm và xuất hiện sớm nhất các triệu chứng, thời gian dài nhất là 24 ngày. Nhưng trên thực tế chỉ có một bệnh nhân với mô tả là 24 ngày, nghĩa là chỉ có một người trong số 1.099 bệnh nhân có thời gian ủ bệnh 24 ngày. Sẽ không đủ cơ sở khoa học để sử dụng thời gian được báo cáo bởi bệnh nhân này để nói thành thời gian ủ bệnh dài nhất cho bệnh. Đã có tiền lệ tương tự cho các bệnh khác, chẳng hạn như bệnh dại. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy thời gian ủ bệnh trung bình cho tất cả bệnh nhân là 4 ngày, với giãn cách giữa các nhóm...
Do đó, theo ông "một phần thông tin của các bài viết chưa được công bố không nên được diễn giải quá mức".