Tại Trung Quốc: Ngoài tỉnh Hồ Bắc – nơi bắt nguồn dịch bệnh, các tỉnh đông dân như Quảng Đông, Chiết Giang và Hà Nam đều đã có hơn một ngàn người bị bệnh. Tuy nhiên, số ca bệnh ở các địa phương trừ Hồ Bắc đã giảm liên tục 6 ngày liền, nhưng số ca bệnh mới tăng hàng ngày vẫn lên xuống không ổn định; đặc biệt các tỉnh Hắc Long Giang, An Huy mức tăng lên tới 50%, qua đó có thể thấy tình hình vẫn rất gay go. Viện sỹ Chung Nam Sơn, chuyên gia phòng dịch hàng đầu Trung Quốc cho rằng: thời điểm bước ngoặt của dịch bệnh lần này chưa thể dự đoán, nhưng sớm nhất phải trung tuần tháng 2 mới xuất hiện.
Tổng số người mắc bệnh: 42.708 (tạm tính, tăng 2.526 người so với hôm trước; ngày hôm trước tăng 3.062); chết: 1.017 (tăng 108), chữa khỏi xuất viện: 3.998.
Các địa phương cấp tỉnh ở Trung Quốc bị nặng nhất: Hồ Bắc: 31.728 người bị bệnh (chết 974), Quảng Đông 1.177, Chiết Giang 1.117, Hà Nam: 1.105 (chết 7), Hồ Nam: 912, An Huy: 860 (chết 4), Giang Tây: 804, Giang Tô 515, Trùng Khánh: 489, Sơn Đông 487, Tứ Xuyên: 417, Bắc Kinh 342 (chết 3), Thượng Hải 303, Hắc Long Giang 360 (chết 1), Phúc Kiến: 267, Hà Bắc 239, Thiểm Tây 219, Hải Nam 142, Sơn Tây 122, Quý Châu 127, Liêu Ninh 108, Thiên Tân 104 (chết 2), Cam Túc 86, Cát Lâm 81..
Các tỉnh liền kề Việt Nam: Quảng Tây 215 người bị bệnh, Vân Nam: 153.
Số người chết ở Vũ Hán đang tăng nhanh (Ảnh: Lianhezaobao)
|
Tại 27 nước, khu vực khác trên thế giới:
474 người mắc bệnh (tăng 25 so với hôm trước), gồm: Nhật Bản 163, Hồng Kông 49, Singapore 45, Thái Lan 33, Hàn Quốc 28, Đài Loan 18, Malaysia 18, Australia 15, Việt Nam 15, Đức 14, Mỹ 13, Pháp 11, Ma Cao 10, UAE 8, Canada 7, Anh 8, Italy 3, Philippines 3, Ấn Độ 3, Nga 2, Tây Ban Nha 2, Sri Lanka 1, Nepan 1, Phần Lan 1, Thụy Điển 1, Bỉ 1, Campuchia 1.
Tổng số người mắc trên toàn thế giới (tạm tính): 43.182, chết: 1.019 (Trung Quốc 1.017, Philippines 1, Hồng Kông 1) đã chữa khỏi: 4.046 (Trung Quốc 3.998, Thái Lan 10, Singapore 7, Việt Nam 6, Hàn Quốc 4, Nhật Bản 4, Australia 5, Philippines 2; Đài Loan 1, Malaysia 1, Sri Lanka 1, Mỹ 3, Ma Cao 1, Phần Lan 1, Campuchia 1,UAE 1).
Hồ Bắc: chính sách thưởng tiền người bị sốt gây tranh cãi
Sự lây lan của dịch Viêm phổi do nCoV ở Hồ Bắc vẫn rất nghiêm trọng, nhiều người dân bị bệnh sợ không dám ra ngoài. Phòng Huyện, thành phố Thập Yển, gần đây đã công bố “Thông báo về các biện pháp khen thưởng đối với bệnh nhân bị sốt”, trong đó tuyên bố: những công dân bị sốt nếu chủ động đến bệnh viện sẽ nhận được tiền thưởng 1.000 Nhân dân tệ (3,5 triệu VND), thực hiện từ ngày 9/2. Chỉ trong vòng 2 ngày, gần một trăm người đã nhận được tiền thưởng, nhưng cư dân mạng lo lắng rằng họ sẽ thu hút các nhóm “châu chấu”, (tiếng lóng những người tham lam kiếm tiền).
Chính sách thưởng tiền cho người bị sốt ở Hồ Bắc đang gây tranh cãi (Ảnh: Đông Phương)
|
Ông Lư Khải Huy, giám đốc Cục Y tế và Sức khỏe Phòng Huyện, cho biết để tìm ra các trường hợp tiềm ẩn và cắt đứt nguồn lây nhiễm, tối đa hóa việc thu gom điều trị các trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh, chính sách trên đã được đưa ra và ngay ngày đầu tiên, 48 người bị sốt đã đến các phòng khám và ông tin rằng phần thưởng tiền mặt có thể làm giảm gánh nặng cho những người bệnh, hiệu quả rất khả quan. Ngoài ra, ngoài việc bệnh nhân chủ động đến trình báo; các cán bộ thị trấn, làng đi điều trị rà soát hoặc người dân báo cáo phát hiện người sốt, đều có thể nhận thưởng 500 NDT (khoảng 1,75 triệu VND).
Tuy nhiên, chính sách này đã gây nên tranh cãi, Ngoài việc một số cư dân mạng lo ngại rằng có người giả vờ bị sốt để lừa tiền thưởng; việc đến khám khi bị sốt là nghĩa vụ và “trách nhiệm pháp lý” của công dân trong chống dịch bệnh và nó không nên được khen thưởng. Giáo sư Trúc Lập Gia thuộc Khoa Hành chính của Trường Hành chính Quốc gia tin rằng cần có một hệ thống khen thưởng và trừng phạt trong phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh, nhưng đối tượng khen thưởng và trừng phạt là các nhân viên y tế chiến đấu ở tuyến đầu, cách thưởng cho bệnh nhân bằng tiền mặt không có lợi cho ý thức trách nhiệm của công chúng.