Tại buổi làm việc, ông Bùi Quang Bát, Giám đốc Công ty TNHH BOT Quốc lộ 6 Hòa Lạc - Hòa Bình cho biết, đến nay tỉnh Hòa Bình đã bàn giao mặt bằng cho Nhà đầu tư 8km/19,32km.
Hiện tại, toàn bộ diện tích mặt bằng mà chính quyền địa phương bàn giao cho nhà đầu tư với tổng chiều dài 5,9km đều đã được các thi công triển khai.
“Nếu cuối tháng 8/2015 mà địa phương bàn giao tương đối mặt bằng thì nhà đầu tư cam kết sẽ hoàn thành thảm bê tông nhựa đến 6/2016”, ông Bát cam kết.
Còn theo ông Phạm Hồng Sơn, Tổng giám đốc Ban QLDA 2, theo tiến độ hợp đồng BOT giữa Bộ Giao thông vận tải và nhà đầu tư, dự án sẽ kết thúc vào 30/8/2016, tuy nhiên hiện nay công tác giải phóng mặt bằng đã chậm so với hợp đồng gần 2 tháng.
Điều đáng nói, theo ông Sơn, tại các công trường đã có mặt bằng, tiến độ thi công trên công trường chưa thực sự quyết liệt, đặc biệt là công tác thi công cầu, cống thoát nước và xử lý nền đất yếu.
Do vậy, sản lượng thi công mới đạt được của nhà thầu khoảng 7,2% giá trị, trong khi thời gian đã được 37,5%. Tiến độ đã chậm khoảng 1,5 tháng theo hợp đồng, ông Sơn cho biết.
Lý giải về nguyên nhân giải phóng mặt bằng chậm, ảnh hướng đến tiến độ dự án, ông Bùi Văn Khánh - Phó chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình cho rằng là do chỉ đạo thiếu tích cực; việc thay đổi tuyến, thiết kế…
“Chúng tôi sẽ cố gắng bàn giao mặt bằng trong tháng 8/2015, phần thay đổi trong tháng 9/2015 bàn giao tuyến vào tháng 10-11/2015. Hiện địa phương đang rất thiếu kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng...
Tuy nhiên, chúng tôi hứa sẽ cố gắng hết sức mình với tinh thần chỉ đạo sát sao, hiện tỉnh đã phân cấp cho huyện, việc phê duyệt phương án bồi thường giải phóng mặt bằng là do huyện”, ông Khánh cam kết.
Tư vấn không đạt thì thay tư vấn khác!
Sau khi nghe các bên báo cáo, Bộ trưởng Đinh La Thăng kết luận: Đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình là dự án quan trọng. Tất cả các cơ quan của Bộ, địa phương, các nhà đầu tư, nhà thầu thi công, các đơn vị liên quan đều mong muốn làm nhanh và làm tốt, nhưng hiện nay tiến độ vẫn chậm.
“Nguyên nhân đầu tiên là do Ban QLDA yếu kém, chưa sâu sát với công việc, Tư vấn quá kém, sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chưa tốt… ”, Bộ trưởng nhận định.
Mặt bằng một số đoạn cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình. Ảnh: Mt.gov.vn
Để đẩy nhanh được tiến độ dự án, Bộ trưởng yêu cầu chủ đầu tư hoàn chỉnh đầy đủ các thủ tục pháp lý theo quy định, đặc biệt là khẩn trương góp đủ vốn chủ sở hữu, ký hợp đồng tín dụng với ngân hàng…
“Doanh nghiệp dự án xem xét lại Tư vấn thiết kế, nếu không đạt yêu cầu thì lựa chọn Tư vấn thiết kế khác. Sau khi lựa chọn Tư vấn thiết kế phải khẩn trương rà soát lại kết quả khảo sát thiết kế trước đây và phải bổ sung khối lượng”, Bộ trưởng yêu cầu.
Bộ trưởng đề nghị UBND tỉnh Hòa Bình tập trung công tác giải phóng mặt bằng; bên cạnh đó, Tỉnh phối hợp với nhà đầu tư, các đơn vị thi công để xử lý công việc; đồng thời ứng vốn ra để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tái định cư.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng giao Thứ trưởng phụ trách dự án cùng với nhà đầu tư, địa phương làm việc với Bộ Quốc phòng để thống nhất chuyển giao đất quốc phòng mà Dự án đi qua để tiến hành các bước tiếp theo.
MẠNH NGUYỄN theo BizLive