(tiếp theo kỳ trước)
John Edwards và Jack Kemp được chỉ định lãnh đạo đội ngũ của Hội đồng cố vấn Quan hệ đối ngoại để bịa đặt ra lý do rằng ông Putin đã "kéo lùi nền dân chủ" tại Nga. Họ tuyên bố chính phủ Nga ngày càng trở nên độc đoán và xã hội phát triển thiếu "sự tự do và đa nguyên". Hai ông Kemp và Edwards đã cung cấp nền tảng tư tưởng để tạo nên một chiến dịch PR chống lại ông Putin. 12 năm sau, những cáo buộc tương tự cũng nhắm vào ông Putin, nhưng thêm việc buộc tội ông can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống mỹ năm 2016.
Không một tờ báo, tạp chí hay cơ quan truyền thông nào của Mỹ xuất bản bất cứ thứ gì đi ngược lại những gì Washington muốn tuyên tuyền về ông Putin. Người ta chỉ có thể thừa nhận rằng cái nhìn về ông Putin của các kênh truyền thông chính thức đang được 325 triệu người dân Mỹ chấp nhận hoặc cái gọi là "tự do báo chí" là "trò hề" và nó được che đậy bởi một bộ máy đầy quyền lực kiểm duyệt tất cả những quan điểm không phục vụ những ý đồ chính trị riêng.
Ông Putin tại Hội nghị Munich năm 2007: "...điều này nguy hại với không chỉ các nước trong hệ thống mà còn với chủ quyền của từng nước bởi vì nó đã bị hủy hoại ngay trong chính hệ thống này."
Lý do Washington thực sự xem thường Putin vì ông đã từ chối phục tùng sự độc đoán của họ và công khai chống lại một trật tự thế giới đơn cực do họ đặt ra. Ông đã phát biểu tại Hội nghị an ninh Munich năm 2007:
"Một thế giới đơn cực nghĩa là một thế giới ở đó chỉ có 1 ông chủ, một chủ quyền tối cao, một trung tâm quyền lực, một trung tâm quân đội và một trung tâm ra quyết định. Và cuối cùng điều này nguy hại với không chỉ các nước trong hệ thống mà còn với chủ quyền của từng nước bởi vì nó đã bị hủy hoại ngay trong chính hệ thống này."
Mặc cho nỗ lực của Nga để giúp Mỹ trong Cuộc chiến chống khủng bố, Washington tiếp tục coi ông Putin như một đối thủ đang nổi lên cần phải ngăn chặn ngay lập tức. Cuộc xung đột tại Ukraine đã đổ thêm dầu vào lửa bằng cách làm cho hai siêu cường chống lại nhau trong một cuộc chiến nóng vẫn còn chưa kết thúc.
Nhưng Syria là một trường hợp "già néo đứt dây". Sự can thiệp của Nga vào cuộc chiến Syria tháng 9.2015 đã tạo ra bước ngoặt cho cuộc xung đột kéo dài 7 năm. Bằng cách lần lược đánh bại các nhóm phiến quân được CIA huấn luyện, ông Putin đã "làm một cú vào mũi Washington" và khiến Lầu Năm Góc phải sử dụng kế hoạch dự phòng dựa phần lớn vào đội quân ủy nhiệm người Kurd ở phía đông sông Euphrates. Hiện tại, lực lượng đặc biệt của Mỹ và các đồng minh đang bám lấy một dải đất khô cằn hẻo lánh của Syria, đồng thời hy vọng Lầu Năm Góc có thể bố trí một chiến lược mới để giữ được các di sản hoặc khiến cho chiến tranh kết thúc nhanh chóng.
Tháng 9.2015, sau tuyên bố tại Liên Hợp Quốc, ông Putin đã tung không quân Nga vào Syria.
Sự bẽ mặt tại Syria đã thúc đẩy chiến dịch thông tin về bê bối Nga (Russia-gate) - một yếu tố tuyên truyền cho cuộc chiến hiện tại với nước Nga. Vụ bê bối này là một phương thức hiệu quả để đầu độc nhận thức của công chúng và làm cho thủ phạm gây chiến trở thành nạn nhân. Quan trọng hơn, sự thất bại tại Syria dẫn đến việc phải đánh giá lại cách Washington chỉ huy các cuộc chiến ở nước ngoài. Lý do chiến tranh chống khủng bố đã bị vứt bỏ vì một mục tiêu mới trong chiến lược quốc phòng của chính quyền tổng thống Trump.
Mục tiêu tập trung tiếp theo là "sự cạnh tranh giữa các siêu cường" - Mỹ chuyển từ các hoạt động bí mật sang việc phô diễn nhiều hơn lực lượng quân sự để đối phó với "mối đe dọa đang tăng lên từ các cường quốc xét lại" là Nga và Trung Quốc. Tóm lại, cuộc cạnh tranh gay go đã bắt đầu và Washington đang đứng trên bờ vực của một cuộc địa chiến.
Ông Putin trở thành chướng ngại cho những tham vọng đế quốc của Washington vì thế ông bị biến thành kẻ thù số 1 quốc gia của nước Mỹ. Không tồn tại sự can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ năm 2016 cũng như việc "kéo lùi nền dân chủ" ở Nga. Tất cả lý do được tạo ra chỉ vì vấn đề quyền lực. Tại Mỹ, nhóm gắn chặt với quyền lực là những người thiết lập chính sách ngoại giao.
Có những quan chức cao cấp lập chính sách, thay đổi các hoạt động chính trị sao cho phù hợp với tầm nhìn chiến lược của họ, điều khiển bộ máy truyền thông Mỹ tưởng như tự do những thực chất do các thế lực rất mạnh điều khiển nhằm định hình thông tin theo mục đích riêng. Đó là những người quyết định phải biến ông Putin thành "quỷ dữ" để chuẩn bị cho nhiều cuộc can thiệp ở nước ngoài, nhiều cuộc chiến nhằm thay đổi chế độ và nhiều cuộc xâm lược đẫm máu hơn chống lại các nước có chủ quyền.
Truyền thông phương Tây cáo buộc ông Putin đã can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.
Tổng thống Putin đã nhiều lần cảnh báo Washington rằng Nga sẽ không đứng yên nhìn Mỹ hủy diệt hết nước này đến nước khác để phục vụ ham muốn thống trị thế giới. Ông lặp lại việc Washington "không kiềm chế việc sử dụng quân đội" đã tạo ra những "trung tâm căng thẳng mới", làm trầm trọng thêm những xung độ trong khu vực, hủy hoại quan hệ quốc tế, và "đẩy thế giới vào vực sâu của những xung đột vĩnh cửu". Ông chỉ ra cách Mỹ thường xuyên thể hiện sự coi thường luật quốc tế và "đi quá giới hạn ngoài quốc gia của mình bằng mọi cách". Hành vi gây hấn của Washington đã khiến niềm tin của công chúng vào luật quốc tế và an ninh toàn cầu bị xói mòn và "Không ai cảm thấy an toàn. Tôi muốn nhấn mạnh điều đó", ông Putin đã tuyên bố tại Munich như vậy.
Ngày 28.9.2015, cuối cùng ông Putin cũng thách đấu Mỹ khi có bài phát biểu tại cuộc họp lần thứ 70 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York. Sau khi ông lặp lại cam kết với luật quốc tế, Liên Hợp Quốc và chủ quyền lãnh thổ các nước, ông đưa ra một bản tóm tắt ngắn gọn nhưng gây náo động về những sự kiện mới xảy ra tại Trung Đông, đặc biệt nghiêm trọng do cách Washington sử dụng lực lượng của mình.
"Hãy nhìn vào tình huống tại Trung Đông và Bắc Phi... Thay vì mang lại sự tái cơ cấu, cuộc xâm lược can thiệp đã hủy diệt các cơ quan chính phủ và đời sống địa phương. Thay vì dân chủ và tiến bộ, hiện tại ở đây là bạo lực, nghèo đói, thảm họa xã hội và hoàn toàn thiếu nhân quyền bao gồm cả quyền sống...
Việc mất quyền lực kiểm soát tại một số nước ở Trung Đông và Bắc Phi gây ra hậu quả rõ ràng, đáng báo động ở một số khu vực vô chính phủ nơi nhanh chóng bị chiếm đóng bởi các nhóm hồi giáo cực đoan và khủng bố.
Cái gọi là Nhà nước Hồi giáo (IS) với 10.000 tay súng bao gồm cả những cựu quân nhân Iraq bị bỏ lại trên đường phố sau cuộc xâm lược năm 2003. Rất nhiều lính mới tới từ Libya - đất nước bị hủy diệt bởi sự vi phạm trắng trợn nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc năm 1973..."
Cuộc chiến Syria đã gây ra khủng hoảng tị nạn tại châu Âu. Trong ảnh: người tị nạn Syria tại Hy Lạp.
Những cuộc can thiệp quân sự của Mỹ đã hủy hoại Iraq, Libya, Syria và các nước khác. Hơn một triệu người bị giết trong khi hàng chục triệu người bị ép phải chạy trốn khỏi nhà và đất nước. Dòng người tị nạn lan tỏa đã gây ra những căng thẳng xã hội tại châu Âu nơi chủ nghĩa bài ngoại đang bùng nổ với các nhóm và các tổ chức chính trị cánh hữu. Từ Bắc Phi, dọc Trung Đông cho tới Trung Á, an ninh toàn cầu đang bị hủy hoại dưới sự nhẫn tâm của Washington.
Ông Putin tiếp tục: "IS không tự mình xuất hiện. Chúng được phát triển như một vũ khí để chống lại các chế độ không được ưa thích. IS đã thiết lập được quyền kiểm soát trên nhiều khu vực tại Syria và Iraq hiện tại chúng đang mở rộng nhanh chóng sang các khu vực khác... Điều khiển các nhóm Hồi giáo cực đoan, sử dụng chúng để đạt được các mục tiêu chính trị là sự vô trách nhiệm. Hy vọng sau này các ông sẽ tìm ra cách để loại bỏ chúng..."
Ông Putin đã công khai chỉ trích Mỹ về sự xuất hiện của IS và làn sóng đang dâng lên của chủ nghĩa khủng bố toàn cầu. Ông cũng chỉ trích Washington đã sử dụng các tổ chức khủng bố nhằm đạt được các mục tiêu chiến lược riêng (thay đổi chế độ). Quan trọng hơn, ông dựa vào vị thế của mình tại Liên Hợp Quốc để giải thích tại sao ông triển khai không quân Nga tới cơ sở quân sự tại Syria, nơi lực lượng này sẽ được sử dụng để chỉ đạo cuộc chiến chống lại đội quân ủy nhiệm của Washington bao gồm những phần tử hồi giáo cực đoan trên mặt đất.
"Chúng ta không thể tiếp tục chịu đựng trạng thái hiện tại của những vấn đề trên thế giới". Chưa tới 48 giờ sau tuyên bố này, máy bay chiến đấu của Nga đã oanh tạc các mục tiêu khủng bố tại Syria.
Dưới sự trợ giúp của Nga, quân đội chính phủ Syria đã giành lại quyền kiểm soát nhiều vùng trên đất nước.
Ông Putin cũng đã phát biểu: "Kính thưa các quý vị đồng nghiệp... dựa vào luật quốc tế, chúng ta phải cùng nỗ lực để đưa ra các vấn đề mà toàn bộ chúng ta phải đối mặt và tạo ra một liên minh quốc tế rộng lớn để chống lại chủ nghĩa khủng bố.
Nga tin tưởng vào tiềm năng to lớn của Liên Hợp Quốc sẽ giúp chúng ta tránh được một sự đối đầu mới và đi theo một chiến lược hợp tác. Tay trong tay với các nước, chúng ta sẽ kiên định đẩy mạnh vai trò trung tâm và phối hợp của Liên Hợp Quốc.
Tôi tin chắc bằng cách phối hợp cùng nhau chúng ta sẽ làm cho thế giới ổn định và an toàn, đồng thời cung cấp một môi trường thuận lợi cho sự phát triển của mọi người dân, mọi đất nước".
Và cuối cùng câu hỏi được đặt ra là: Liệu ông Putin có phải là "quỷ dữ" như truyền thông phương Tây cáo buộc không khi chống lại những cuộc chiến nhằm thay đổi chế độ của Washington, ngăn chặn sự lan rộng của chủ nghĩa khủng bố và chống lại ý tưởng một quyền lực đơn cực sẽ thống trị thế giới? Liệu ông có phải là "quỷ dữ" không khi không chịu dậm gót giày, đứng nghiêm và phục tùng những gì do một quốc gia bá quyền thế giới ra lệnh?