Ngoài sự thâu tóm một hệ thống phân phối rộng lớn, chủ động như của Vissan để thực hiện chiến lược “từ trang trại đến bàn ăn”, liệu việc CJ muốn tham gia sâu hơn vào ngành chăn nuôi, từ việc cung cấp con giống, thức ăn cho đến khâu bao tiêu sản phẩm đầu ra, chế biến sản phẩm… có đặt vị thế của nông nghiệp Việt Nam trong tình trạng nào trong giai đoạn hội nhập ngày càng sâu rộng?
BizLIVE đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Cần tư duy rành mạch và sòng phẳng
Giới đầu tư đang rất chú ý đến vụ tập đoàn CJ của Hàn Quốc mua cổ phần của Vissan với giá cao ngất. Dưới góc nhìn của một chuyên gia kinh tế, anh bàn luận thế nào về sự kiện này?
Tôi nghĩ là khi bán cái gì chúng ta cũng mong có nhiều người hỏi mua. Sợ nhất là chỉ có một người mua, thì chắc chắn người bán sẽ không được lợi.
Việc CJ tham gia vào thương vụ này là một tín hiệu đáng mừng, và nó cho thấy Vissan được các nhà đầu tư quốc tế trong lĩnh vực này đánh giá cao.
Về việc định giá khác nhau giữa những người mua tiềm năng. Điều này dễ hiểu thôi, vì mỗi đơn vị tự ước lượng một viễn cảnh riêng cho tài sản mà họ định mua. Nếu CJ nghĩ là Vissan có khả năng sinh lời cao trong tương lai với sự tham gia của họ, thì họ sẽ mua với giá cao, tương đương với giá trị tài sản đó.
Còn nếu các doanh nghiệp khác, như Masan, không đánh giá cao đến thế, họ sẽ chỉ có thể chấp nhận trả giá thấp hơn. Việc bán cho ai tùy theo mục đích của người bán. Về cơ bản thì bán được giá cao là một trong những mục đích quan trọng của người bán.
Nhưng không chỉ có thể, khi người mua chấp nhận một mức giá cao để có thể tham gia sở hữu, cũng là một tín hiệu cho thấy họ sẵn sàng cam kết nhiều hơn để thúc đẩy doanh nghiệp đó phát triển hơn, để tương ứng với mức giá họ đã kỳ vọng và chấp nhận.
Nhìn vào an ninh lương thực, thực phẩm, vai trò của Vissan trong tương lai liệu có đảm trách được nhiệm vụ của mình như trước đây?
Quan điểm cá nhân của tôi là vai trò về an ninh lương thực trong đa số trường hợp chỉ là một cái cớ để duy trì vị thế độc quyền hoặc một đặc lợi nào đó.
Xã hội của chúng ta giờ đã phát triển nhiều, quy mô lớn hơn trước nhiều, nên nếu hy vọng một hay một vài doanh nghiệp nào đó đóng vai trò bảo đảm an ninh lương thực cho cả xã hội là rất lạc hậu và thậm chí nguy hiểm.
Ở đây tôi không muốn chỉ nói riêng về Vissan vì tôi không nghĩ vai trò này của Vissan là lớn, và cũng không đòi hỏi Vissan có vai trò đó. Tôi muốn nói rộng hơn về các doanh nghiệp trong ngành như Vinafood…
Có một thực tế là danh nghĩa an ninh lương thực là tương đối nhập nhằng. Trong điều kiện kinh tế thị trường phát triển, thì phải để chính thị trường bảo đảm nguồn cung chứ không phải là một vài công ty vừa kinh doanh vừa làm chính sách.
Việt Nam là một nước lớn, chứ không phải chỉ có vài triệu dân. Cho nên chúng ta cần tư duy rành mạch và sòng phẳng hơn về những khái niệm như an ninh lương thực.
Riêng đối với trường hợp Vissan, tôi nghĩ là chủ sở hữu hiện nay chỉ cần quan tâm đến hai việc: bán một phần tài sản cho cổ đông chiến lược với giá tốt, và cổ đông đó có thể đóng góp thực sự để Vissan là một doanh nghiệp mạnh trên thị trường trong nước, cạnh tranh được với các công ty nước ngoài trong bối cảnh hội nhập AEC, TPP… và thậm chí còn vươn ra được nước ngoài, trước mắt là thị trường ASEAN và xa hơn nữa là các nước trong TPP.
Tôi không theo dõi kỹ thương vụ này của Vissan, nhưng tôi thấy Masan không thích sự tham gia mua của CJ. Điều này dễ hiểu thôi, vì càng ít người mua, cạnh tranh càng thấp và Masan càng có khả năng mua được giá thấp hơn. Đó là điều Masan mong muốn, như bất kỳ người mua nào khác.
Nhưng nhìn từ góc độ người bán thì ngược lại, càng nhiều người mua, thì người bán càng có thể cơ hội lựa chọn tốt hơn, cả về giá bán và đối tác trong tương lai.
Dường như có một chiến dịch truyền thông để chống lại sự tham gia của VJ, như nói về tiêu chuẩn tài chính của họ có vấn đề, là tỷ lệ nợ trên vốn cao hơn 1,5. Nhưng ít ra họ còn minh bạch.
Trong khi đó, các đối tác khác cũng muốn mua Vissan thì thậm chí còn không có sự minh bạch về tài chính như thế. Tôi nghĩ chúng ta nên cởi mở, minh bạch, và thực tế hơn.
Minh bạch, tự do thì không có gì phải lo
Cùng với sự kiện CJ mua Vissan là tập đoàn Aeon mua Big C, anh nhìn nhận thế nào về những toan tính của họ khi mua hệ thống bán lẻ và các thương hiệu mạnh của Việt Nam? Phải chăng đó là cách nhanh nhất để chiếm lĩnh thị trường, chiếm lĩnh hệ thống phân phối?
VIệc mua các thương hiệu hoặc các doanh nghiệp đã có uy tín và hệ thống phân phối bám rễ, rộng khắp, hiển nhiên nằm trong chiến lược xâm nhập thị trường.
Và để làm như thế, họ mới sẵn sàng trả giá cao. Họ sẽ so sánh với việc họ phải tự làm việc đó, thì sẽ mất nhiều thời gian và chi phí thế nào. Nếu họ có thể mua được với giá thấp hơn chi phí và thời gian họ tự phải bỏ ra, thì họ sẵn sàng mua ở mức giá đó. Việc đánh giá này hoàn toàn là chủ quan của họ.
Đồng thời, họ cũng cân đối với giá trị thực của tài sản sau khi họ mua, nó sẽ tăng trưởng lên lớn hơn mức họ đã mua hay không. Thế là họ thành công. Động thái này đối với tôi là bình thường, trong điều kiện hội nhập và điều kiện của nền kinh tế thị trường.
Liệu có những nguy cơ lớn nào đằng sau những vụ mua bán này của các tập đoàn nước ngoài, thưa anh?
Nhìn chung thì người kinh doanh cũng muốn tăng tính độc quyền của mình trên thị trường, để có quyền lực áp đặt nhiều hơn đối với người tiêu dùng và thu lợi nhiều hơn cho mình, bất kể đó là doanh nghiệp trong nước hay ngoài nước.
Cho nên, đừng băn khoăn với thuyết âm mưu nào đó đằng sau các vụ thôn tính, sáp nhập, mà hãy nên coi nó như một động thái bình thường của nền kinh tế.
Chỉ những vụ sáp nhập sử dụng các chiêu bài khác nhau để ép đối thủ phải bán với giá thấp hơn mức họ muốn, hay là mua lại tài sản công với giá thấp hơn bình thường, thì mới là hoạt động mang tính âm mưu nhiều nhất.
Còn nếu cứ mua bán cạnh tranh minh bạch, tự do thì không có gì phải lo.
Điều lo lắng xa xôi hơn, và hoàn toàn có lý, về sự độc quyền và thao túng trong tương lai của doanh nghiệp đó, thì cần được giải quyết thông qua việc tạo một môi trường pháp lý hữu hiệu cho phép chống độc quyền, chống lừa đảo… và bảo đảm các doanh nghiệp khác tham gia cạnh tranh.
Chính sự cạnh tranh mới là vũ khí để kiểm soát các doanh nghiệp này, chứ không phải các cơ quan nhà nước. Cho nên, nếu lo sợ tương lai thị trường của chúng ta bị kiểm soát bởi các đại doanh nghiệp, thì chính quyền nên chuẩn bị phát triển một môi trường càng cạnh tranh càng tốt.
Một số tên tuổi lớn trong nước cũng có ý định mua Vissan, Big C. Phải chăng mấu chốt không phải là vấn đề về tài chính, khi doanh nghiệp chúng ta hoàn toàn có thể mua thương hiệu, cổ phần của các nhà bán lẻ trong nước để phát triển nó và thực hiện trọng trách của mình?
Tôi nghĩ tài chính là một vấn đề thôi, không phải là tất cả. Nhiều doanh nghiệp Việt bây giờ có rất nhiều tiền. Bản chất của vấn đề có lẽ sâu xa hơn.
Ở đây không phải là vấn đề nhiều tiền hay ít tiền, mà là khả năng có thể tạo ra tương lai khác nhau như thế nào.
Nếu một đối tác khác không thể trả cao hơn nữa, thì cũng chứng tỏ anh ta không đủ tự tin là mình có thể tạo ra một viễn cảnh tốt hơn như thế với Vissan. Và vì thế anh ta nên rút lui. Nếu anh ta sử dụng các thủ thuật kém minh bạch khác để đẩy người mua kia ra khỏi thị trường, thì anh ta có thể thành công trong việc sở hữu phần cổ phần đó của Vissan, và sẽ dẫn Vissan tới một viễn cảnh tương ứng với năng lực của anh ta.
Nhưng nếu như anh ta sau khi đồng sở hữu Vissan, lại đưa Vissan lên một giá trị cao gấp 4 lần, thì toàn bộ phần được lợi đó (giữa 4 lần và chỉ trả giá 2 lần) sẽ thuộc về anh ta. Mà đáng nhẽ phần này Vissan phải thu được từ anh ta từ lúc bán cổ phần mới phải.
Tựu chung lại, trong tình huống nào thì chủ sở hữu của Vissan cũng bị thiệt trong thương vụ này, nếu chọn bán cho người trả giá thấp hơn.
Đó là hậu quả tất yếu của việc cạnh tranh không minh bạch, không sòng phẳng, vì người trả giá cao hơn đã bị loại.
Mọi thứ đang thay đổi
Ngay cả Unilever, đơn vị mạnh nhất hệ thống phân phối về sự chuyên nghiệp cũng phải họp khẩn vì hàng của họ đang bị hất cẳng khỏi siêu thị, để hàng Thái đổ vào. Chuyện đó đang là nguy cơ lớn với doanh nghiệp Việt Nam, nhưng tại sao cả doanh nghiệp và Nhà nước vẫn… bình chân như vại?
Thực ra Unilever hay Big C thì cũng đều là những doanh nghiệp thuộc sở hữu của các ông chủ nước ngoài mà. Thay một ông chủ nước ngoài này bằng một ông chủ nước ngoài khác thì có gì là khác nhau lắm đâu.
Ông chủ mới có thể hay hơn, cũng có thể kém hay hơn. Nhưng trên thị trường sẽ có thêm người chơi. Về nguyên tắc, có thêm người bán thi sẽ lợi cho người mua. Tức là người tiêu dùng VIệt Nam.
Hơn nữa, các nhà phân phối thì đồng thời cũng là người mua sỉ của các nhà sản xuất. Có thêm nhiều người mua thì lại có lợi hơn cho các nhà cung ứng trong nước.
Cho nên tôi nghĩ Unilever lo lắng là việc của họ thôi. Mọi thứ đang thay đổi, sự cạnh tranh cũng đang thay đổi, và họ phải thích nghi với điều đó.
Nhà nước thì tôi nghĩ, chỉ nên lo có thực hiện đúng chức năng của Nhà nước hay không mà thôi. Đó là có duy trì được một môi trường cạnh tranh minh bạch và bình đẳng hay không. Còn nếu chính Nhà nước bị thao túng bởi các ông lớn đó, thì có lo nữa cũng không để làm gì.
Với các doanh nghiệp Việt Nam, thì đáng lo chỉ là các nhà phân phối mà thôi. Nhưng họ phải chấp nhận một thực tế về sự cạnh tranh. Nếu họ không thể làm được, hãy rút vốn và chuyển sang làm ngành khác tốt hơn.
Nếu Nhà nước có lỗi, thì bởi vì đã có lỗi từ trong quá khứ là không giúp họ có một môi trường cạnh tranh, thuận lợi để phát triển trước khi tất cả những thực tế định mệnh này xảy ra.
Bây giờ Nhà nước chỉ có thể giúp họ làm tốt hơn, bằng cách tạo các điều kiện cho họ kinh doanh tốt hơn mà thôi, chứ không thể hỗ trợ trực tiếp cái gì cả. Và tôi nghĩ, các doanh nghiệp Việt Nam thực ra cũng chỉ cần có vậy.
Tiếc là điều đó dường như chưa bao giờ được đáp ứng.
Theo BizLive