Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương (Dongfang) ngày 23/4, Công ty dược phẩm Pfizer của Mỹ (Pfizer Inc., PFE) hôm thứ Tư (21/4) cho biết các nước Mexico và Ba Lan gần đây đều đã chặn bắt được một lô vaccine ngừa COVID-19 giả do công ty này và BioNTech hợp tác sản xuất, mỗi liều có giá lên tới 2.500 USD, điều nghiêm trọng hơn là có khoảng 80 người ở Mexico đã đã được tiêm phòng bằng loại vaccine giả này. Tờ Wall Street Journal của Mỹ viết rằng, mặc dù vaccine giả này vô hại đối với cơ thể người được tiêm, nhưng chúng không thể bảo vệ họ chống lại sự lây nhiễm của các chủng SARS-CoV-2.
Vụ việc nghiêm trọng này xảy ra vào đầu tháng 2 khi các sĩ quan cảnh sát Mexico đột kích một phòng khám ở bang Nuevo Leon, miền Bắc nước này và phát hiện phòng khám này liên quan đến việc tiêm vaccine giả cho 80 người với giá 1.000 USD/mũi và bắt giữ 6 người sau vụ việc. Ông Manuel de la O Cavazos, Bộ trưởng Bộ Y tế bang Nuevo Leon, cho biết vaccine giả bị nhà chức trách thu giữ trong tủ lạnh dùng đựng bia được dán nhãn giả, số lô cũng khác với những liều vaccine Pfizer được gửi cho tiểu bang và sai sót cả về hạn sử dụng, tin rằng cái gọi là vaccine này thực ra chỉ là nước cất. Thứ trưởng Bộ Y tế Hugo Lopez Gatell cho biết, bọn tội phạm đang rao bán vaccine giả trên mạng xã hội với giá lên tới 2.500 USD / liều, và cảnh sát mạng Mexico đã phát hiện và vạch trần vụ việc.
Pfizer cho biết vaccine giả đã được bán ở Mexico với giá 2.500 USD /liều (Ảnh: AFP/Zaobao). |
Ngoài vaccine Pfizer, hồi tháng trước, nhà chức trách Mexico cũng đã thu giữ 6.000 liều vaccine Sputnik V do Nga sản xuất giả trên một máy bay phản lực tư nhân bay từ Nga đến Honduras, đồng thời đang điều tra xem liệu nó có liên quan đến các hoạt động tội phạm hay không.
Trong khi đó, tại Ba Lan, hồi tháng 1, cảnh sát nước này đã thu giữ một lô vaccine mang logo Pfizer tại nơi ở của một người đàn ông. Người đàn ông này sau đó đã bị bắt giữ. Lô “vaccine” này đã được Pfizer kiểm định và được cho là thuốc chống nếp nhăn; nhà chức trách Ba Lan nhấn mạnh rằng chưa có bất cứ ai đã được tiêm phòng với những sản phẩm giả mạo này.
Người phát ngôn của công ty Pfizer cho biết, hiện nay việc mua sắm trực tuyến đang thịnh hành và các giao dịch trực tuyến không cần tên thật đã trở thành cái nôi phạm tội của bọn tội phạm. Dự kiến sẽ có thêm nhiều vụ gian lận, giả mạo và các hoạt động bất hợp pháp khác liên quan đến vaccine và phương pháp điều trị xuất hiện và ngày càng gia tăng.