Cuối tháng 8/2019, tại tỉnh Kon Tum đã xuất hiện tình trạng thương lái tìm mua sâu ban miêu - một loài sâu thường phá hoại đậu, bí, lúa, nhưng số lượng không nhiều. Vì thế, nhiều người đổ xô đi bắt sâu, trong đó có 3 học sinh. Các em lùng sục trong rẫy lúa của làng nhưng chỉ tìm ra một ít sâu, bán được 10 nghìn đồng rồi chia nhau.
Chẳng ngờ, ban miêu là loài sâu độc, có thể gây tổn hại nặng tới sức khỏe con người. Trong 3 em bé rủ nhau đi bắt sâu, một bé trai 10 tuổi (huyện Đắk Glei) phải nhập viện cấp cứu vì trúng độc, khiến em bị bỏng rát, lở loét quanh cổ và miệng, phải đi cấp cứu ở bệnh viện huyện.
Tại Trung tâm Chống độc của Bệnh viện Bạch Mai, các bác sĩ đã ghi nhận hàng chục trường hợp ngộ độc sâu ban miêu ở mức độ rất nặng trong vài năm trở lại đây. Vào tháng 8/2016, Trung tâm Chống độc đã cấp cứu cho một gia đình 4 người ở Vĩnh Lộc, Thanh Hóa vì ăn sâu ban miêu.
Các bệnh nhân bị đau rát cổ họng, đau bụng, nôn mửa, nôn ra dịch máu, đại tiện phân lỏng sau khi ăn khoảng 20 - 30 phút. May mắn, cả gia đình được đưa tới bệnh viện kịp thời, gặp các chuyên gia giỏi nên giữ lại được tính mạng. Một số bệnh nhân khác được cứu sống song có biến chứng suy thận, viêm phổi, viêm gan, chi phí điều trị rất lớn.
Một bệnh nhân điều trị tại Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Ảnh minh họa)
|
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên – phụ trách Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, sâu ban miêu có tên khoa học là Cantharis vesicatoria còn gọi là manh trùng, ban manh, ban mao. Đây là loài sâu có cánh cứng, màu xanh lục biếc, dài khoảng 15 - 20mm, ngang 4 - 6mm, đầu hình tim, có rãnh dọc ở giữa, râu đen hình sợi; thân có 11 đốt, giữa đầu và thân có một chỗ thắt lại; phía trên 2 cánh màu đen có các chấm màu vàng hoặc màu đỏ nhạt; hoặc thân màu vàng với các điểm hay các dải ngang màu đen.
Sâu ban miêu có chất cantharidin rất độc, gây hủy hoại các tổ chức, cơ quan trong cơ thể gồm dạ dày, ruột cho đến cơ, gan, thận, máu… Đến nay, chưa có phác đồ điều trị hiệu quả cho các bệnh nhân trúng độc từ loại sâu này.
Trong khi đó, các bệnh nhân trúng độc tuy không nhiều, song độc tố gây tổn hại lớn tới sức khỏe, tỷ lệ tử vong cao, khó khăn cho các bác sĩ cấp cứu ban đầu.
Các chuyên gia khuyến cáo, hiện nay, thông tin y học về độc tính của loài sâu, bọ xít còn ít. Có rất ít loài sâu, bọ xít được khoa học chứng minh an toàn với con người. Vì vậy, để phòng tránh ngộ độc, người dân không sử dụng bọ xít và sâu làm thực phẩm, hoặc cho vào vị thuốc dù chế biến bằng bất kỳ cách nào.
Nếu phải đi bắt sâu, cần sử dụng đầy đủ đồ bảo hộ lao động, tránh tiếp xúc trực tiếp với da, mắt, bảo vệ cơ thể để tránh bị nhiễm độc gây nguy hiểm tính mạng.