Giá bán BĐS cũng tăng mạnh, thậm chí một số dự án gần bằng mức giá đỉnh điểm năm 2011. Nhiều lo ngại về một chu kỳ mới “bong bóng” BĐS.
Không mua nhanh là giá sẽ còn tăng (?)
“Có tiền mua nhà lúc này không dễ chút nào” - chị Lan Anh (Khu đô thị Mỹ Đình) tâm sự. Dành dụm được ít tiền, vợ chồng chị khấp khởi mừng thầm vì cơ hội sở hữu một căn hộ riêng đang dần hé.
Tuy nhiên, sau khi xem xét hàng chục dự án căn hộ chung cư cao cấp đang mở bán, đến sàn nào anh chị cũng bị choáng vì tư vấn của nhân viên: “Không mua nhanh giá sẽ còn tăng”, và “nếu anh chị mua từ đợt 1 giá có lợi hơn, giờ là đợt mở bán thứ 5 của dự án rồi nên giá tăng 15-20% rồi, tiếc quá”.
Hỏi ra mới biết, từ mở bán đợt 1 đến đợt 5 này cách nhau 8 tháng. Nhẩm nhanh 8 tháng làm gì để được lợi nhuận 20%, vợ chồng chị Lan Anh vừa tiếc, vừa ngơ ngác, không rõ có chiêu trò gì ở đây không.
Theo khảo sát của PV, hiện có hàng chục dự án khác cũng tung chiêu hút khách, chào bán giá rất cao và tiền chênh lệch từ các đợt mở bán lên tới hàng trăm triệu đồng. Đơn cử như ở dự án Central Point (số 219 Trung Kính, quận Cầu Giấy) do Cty CP MBLand làm chủ đầu tư.
Từ khi mới khởi động làm móng, các môi giới đã rao bán căn hộ với giá gốc 26,5 triệu đồng/m2, yêu cầu người mua đặt cọc 100 triệu đồng và trả phí tư vấn, tiền chênh khiến giá bán “đội” lên tới 30-31 triệu đồng/m2.
Dĩ nhiên khoản tiền chi ngoài sẽ không có hóa đơn, không khai báo nộp thuế. Hiện nay, giá bán lại tăng lên trên 32 triệu đồng/m2, còn có căn hộ được chào giá hơn 36-38 triệu đồng/m2, dù phải đến tận tháng 12.2015 dự án mới làm xong móng.
Có sự bắt tay giữ chủ đầu tư và “cò” tăng giá
Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM, sự hồi phục của thị trường BĐS hiện nay là thật chứ không phải “ảo”, không chỉ ở phân khúc căn hộ mà ở rất nhiều phân khúc khác. Câu chuyện mặt bằng giá tăng là tất yếu và trên thực tế, thị trường BĐS đã bắt đầu hồi phục từ giữa năm 2013.
Tuy nhiên theo ông Châu, chắc chắn có việc bắt tay giữa chủ đầu tư và nhà đầu tư để đẩy giá tăng lên. Cụ thể, như ở một số các dự án khu vực phía bắc, các dự án vừa bung ra thị trường nhưng chỉ trong vòng vài ngày đến 1 tuần, chủ đầu tư đã thông báo bán hết hàng.
Người mua muốn mua phải mua lại thông qua môi giới với mức giá chênh lệch. “Nhưng chúng ta không thể ngăn cản được tình trạng này, có chăng là Nhà nước có chính sách thuế linh hoạt mới có thể điều chỉnh được” - ông Châu nói.
Theo đánh giá của một số các chuyên gia, sự hồi phục của thị trường vẫn chưa rõ rệt trên diện rộng và chưa đủ để thị trường thoát khỏi những dư chấn từ đợt khủng hoảng vừa qua, vì vậy những cơn “sốt” giá ảo hay sự lệch pha cung - cầu hoàn toàn là ảo.
Ông Richard Leech - Giám đốc Điều hành CBRE Việt Nam - đánh giá, rất khó dự báo giá BĐS sẽ còn tăng hay không vì nguồn cung còn rất dồi dào, từ nay đến cuối năm rất nhiều dự án khủng sẽ ra hàng. Nếu chủ đầu tư đặt giá quá cao không chắc thị trường đã hấp thụ.
Còn theo TS Nguyễn Trí Hiếu (chuyên gia tài chính - ngân hàng), việc các ngân hàng đẩy mạnh cho vay mua nhà sẽ tốt cho thị trường BĐS. “Tuy nhiên, bong bóng đối với phân khúc tín dụng này vẫn có thể xảy ra trong tương lai. Tôi cho rằng, việc đẩy mạnh vốn tín dụng vào BĐS luôn phải có sự kiểm soát chặt chất lượng cho vay, vì rủi ro đối với lĩnh vực này luôn tiềm ẩn lớn. Cần phải có cơ chế và chính sách quản lý rủi ro chặt chẽ để lường trước những rủi ro trong việc cho vay BĐS” - TS Hiếu cảnh báo.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM: Chưa có cơ sở để bong bóng quay trở lại
Nguy cơ bong bóng BĐS có thể tái hiện khi thị trường xuất hiện 5 yếu tố. Thứ nhất là kinh tế vĩ mô có sự phát triển nóng nhưng hiện nay nền kinh tế chỉ đang trong giai đoạn phục hồi; thứ hai là việc buông lỏng chính sách tín dụng và hạ chuẩn cho vay; thứ ba là có sự lệch pha trên thị trường BĐS.
Hiện nay, đang có dấu hiệu này, chủ yếu nghiêng về phân khúc cao cấp. Nhưng đây chỉ là một trong những dấu hiệu chứ không phải là dấu hiệu chính; thứ tư là sự xuất hiện giới đầu cơ. Nhóm này rất khó tránh vì họ xuất hiện xen kẽ và tự nhiên trên thị trường, đồng thời với việc gia tăng giao dịch trên thị trường, gia tăng các nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp.
Nó nằm trong quy luật phát triển của thị trường BĐS. Tình trạng đầu cơ tràn lan là chưa có; thứ năm là thiếu sự can thiệp của các cơ quan nhà nước bằng những đòn bẩy kinh tế. Song, hiện nay nhiều chính sách, quy định mới của Nhà nước có hiệu lực được xem là đòn bẩy để hướng thị trường BĐS đi theo mục tiêu minh bạch, phát triển lành mạnh, bền vững và có lợi cho các bên tham gia thị trường.
Đó là 5 yếu tố cơ bản quyết định thị trường BĐS có xuất hiện bong bóng hay không nhưng trong giai đoạn này không có cơ sở để nguy cơ bong bóng BĐS quay lại.
Theo Lao Động