|
Hình minh họa |
Theo lịch, sáng nay, ngày 10/11, Quốc hội sẽ thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016. Trước đó, Quốc hội đã dành 1,5 ngày để bàn về kế hoạch của phát triển kinh tế xã hội. Theo đó, nhiều đại biểu Quốc hội đều đồng tình với kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2016.
Trước đó, Chính phủ trình Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2016, trong đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,7% so với năm 2015; Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10% so với năm 2015; Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 5%; Tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước so với GDP là 4,95%; Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm khoảng 31% GDP; Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng dưới 5%.
Sẽ thông qua kế hoạch phát hành trái phiếu 3 tỷ USD?
Chính phủ cũng trình Quốc hội về kế hoạch tổng thu cân đối ngân sách nhà nước năm 2016 dự kiến là 1.014,5 nghìn tỷ đồng. Tổng chi ngân sách nhà nước năm 2016 khoảng 1.273,2 nghìn tỷ đồng; trong đó chi đầu tư phát triển khoảng 255,75 nghìn tỷ đồng. Bội chi ngân sách nhà nước dự kiến 4,95% GDP.
Kế hoạch phát hành trái phiếu 3 tỷ USD ra thị trường quốc tế để đảo nợ được hầu hết các đại biểu Quốc hội ủng hộ và cho rằng cần phải làm sớm để tranh thủ được nguồn vốn rẻ.
Tuy nhiên, việc phát hành trái phiếu để đảo nợ nếu chiếu theo Luật quản lý nợ công và Nghị quyết 78 tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII thông qua quy định không cho phép. Do vậy, nếu đại biểu Quốc hội thông qua thì Quốc hội sẽ phải xử lý bằng một nghị quyết.
Nhiều đại biểu còn băn khoăn về nợ công và cân đối thu chi của Chính phủ. Nhiều ý kiến cho rằng với các quản lý ngân sách hiện nay thì ngân sách nhà nước vẫn ở trong tình trạng “giật gấu vá vai”, khó mà bền vững được.
Đặc biệt nhiều đại biểu Quốc hội lo ngại về tình hình hụt thu của ngân sách năm nay. Theo báo cáo của Chính phủ, ngân sách trung ương năm 2015 hụt thu 31.300 tỷ đồng, điều này dẫn đến khó khăn trong cân đối ngân sách nhà nước.
Về bội chi, Ủy ban tài chính ngân sách của Quốc hội cho biết Chính phủ trình bội chi ngân sách nhà nước trong phạm vi dự toán được Quốc hội quyết định 226.000 tỷ đồng, bằng 5,0% GDP. Theo đó, mức dư nợ công đến hết năm 2015 khoảng 61,3% GDP, trong giới hạn an toàn cho phép (65% GDP).
Tuy vậy, theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Cân đối ngân sách nhà nước khó khăn, cơ cấu chi ngân sách chưa phù hợp, chi thường xuyên vẫn tăng nhanh. Tổng chi đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2011-2015 khoảng 18,1 % so với tổng chi cân đối NSNN, giảm mạnh so với 25% trong tổng chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2006 – 2010.
“Bội chi ngân sách nhà nước dự kiến là 5% GDP không đạt mục tiêu giảm xuống còn 4,5% GDP (bao gồm cả trái phiếu Chính phủ). Có ý kiến cho rằng chưa khắc phục được việc sử dụng một phần bội chi ngân sách nhà nước cho chi thường xuyên và trả nợ.
Nợ công nằm trong giới hạn cho phép nhưng tăng nhanh trong giai đoạn 2011-2015 và áp lực nghĩa vụ trả nợ tăng nhanh; kỷ cương, kỷ luật tài chính chưa nghiêm.
Tỷ lệ nợ công/GDP năm 2011 là 50,1%, năm 2012 là 50,8%, năm 2013 là 54,5%, ước năm 2014 là 59,6%, dự kiến năm 2015 là 61,3%”, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội bình luận.
Liệu có khất nợ Ngân hàng Nhà nước?
Một vấn đề được thị trường quan tâm, đó là liệu ngân sách nhà nước có thể cân đối được nguồn tiền để trả nợ 32.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Nhà nước?
Về vấn đề này, đại biểu Bùi Đức Thụ, Ủy viên Ủy ban tài chính ngân sách của Quốc hội, cho rằng hiện còn 21.000 tỷ đồng vượt chi chưa có nguồn bù vào. Cụ thể, ngân sách trung ương lại hụt thu hơn 31.000 tỷ đồng và phải trình Quốc hội “xin” 10.000 tỷ đồng từ nguồn thoái vốn doanh nghiệp nhà nước để bù vào.
Đại biểu Thụ cho biết hiện tổng nợ vay năm 2015 của ngân sách là 431.000 tỷ đồng, trong đó 226.000 tỷ đồng để bù đắp bội chi ngân sách, phát hành trái phiếu Chính phủ là 85.000 tỷ đồng, chi đảo nợ là 115.000 tỷ đồng.
“Với cơ cấu vay như vậy, thì Chính phủ hiện đang vay trong nước 225.000 tỷ đồng, còn lại 118.000 tỷ đồng là vay từ các đơn vị tài chính Nhà nước.
Tuy nhiên, 9 tháng đầu năm mới phát hành trái phiếu Chính phủ được 51% kế hoạch của năm 2015”, đại biểu Thụ cho biết.
Đại biểu Thụ cho biết thêm việc giải ngân vốn ODA nhanh hơn kế hoạch là 50.000 tỷ đồng, vượt kế hoạch 30.000 tỷ đồng. Nếu thu ngân sách từ nay đến cuối năm không thay đổi sẽ dẫn tới áp lực tăng chi từ hai nguồn này là 51.000 tỷ đồng.
“Để bù đắp tiến độ chi và tiến độ trả nợ, Bộ Tài chính phải vay Ngân hàng Nhà nước 32.000 tỷ đồng. Tuy vậy việc trả nợ 32.000 tỷ đồng vay Ngân hàng Nhà nước là vấn đề khó khăn. Theo quy định, trong trường hợp ngân sách khó khăn thì có thể tạm ứng từ Ngân hàng Nhà nước nhưng phải hoàn trả trong năm, trừ trường hợp phải do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định”, đại biểu Thụ lo ngại.
Về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nhấn mạnh việc vay bằng tín phiếu thì phải trả trong năm tài khóa.
“Vay tín phiếu thì phải trả. Vì theo luật vay tín phiếu chỉ có 365 ngày. Nếu không trả, chiếu theo luật pháp quốc tế thì quốc gia bị vỡ nợ. Ngân sách đang khó chứ không phải không có”, đại biểu Kiên nhận định.
Đặt tình huống ngân sách không cân đối được nguồn và phải khất nợ thì Quốc hội có can thiệp bằng việc ra nghị quyết như đại biểu Thụ nói không, đại biểu Kiên khẳng định Quốc hội không có quyền để có thể can thiệp được vào ngân hàng.
“Theo luật và thông lệ quốc tế, khi đã gọi là tín phiếu thì chỉ vay trong 365 ngày thôi”, đại biểu Kiên nhắc lại.
Theo Bizlive