|
Ảnh minh họa |
Trước đó, trong bản lấy ý kiến, Bộ GTVT đề nghị có thể bố trí 93.000 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ và vay ưu đãi nước ngoài để cung cấp được một phần nhu cầu vốn cho dự án, đồng thời thu hút được nhà đầu tư nước ngoài cùng tham gia triển khai thực hiện dự án.
Tuy nhiên, tại văn bản gửi Bộ GTVT góp ý về đề án đường bộ cao tốc Bắc – Nam đoạn Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020, Bộ Tài chính nhận xét đề nghị của Bộ GTVT muốn bố trí 93.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2017-2020 từ nguồn ngân sách Nhà nước cho dự án là rất lớn so kế hoạch đầu tư công trung hạn đang được xây dựng.
Lý do, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, kể từ năm 2017, Chính phủ sẽ tạm ngừng phê duyệt chủ trương cấp bảo lãnh cho các dự án mới. Đồng thời, khung dự kiến tài chính ngân sách đã được xây dựng với các yếu tố đã rất sát mức trần
Do vậy, việc huy động thêm trái phiếu Chính phủ, ODA, vay ưu đãi,… là không khả thi. Vì sẽ bắt buộc phải cơ cấu lại các nhiệm vụ chi, tức là phá vỡ mức chi trong tổng chi dự kiến.
Mặt khác, văn bản của Bộ Tài chính cũng cho biết, ngay kết luận của Thủ tướng Chính phủ đã xác định nguồn trái phiếu Chính phủ chỉ tập trung cho 17 dự án quan trọng trong lĩnh vực giao thông, y tế, thủy lợi có tác động lớn tới kinh tế xã hội vùng nhưng vẫn còn thiếu vốn. Do vậy, càng không khả thi khi đề nghị phát hành thêm trái phiếu Chính phủ cho dự án cao tốc Bắc - Nam.
Theo Bộ tài chính, Bộ GTVT nên phối hợp với Bộ KHĐT rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên, cân đối nhu cầu vốn cho dự án cao tốc Bắc - Nam vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, nhưng phải trong phạm vi tổng cân đối chung đã dự kiến. Và trong trường hợp không cân đối được nguồn vốn ngân sách Nhà nước như dự kiến trong đề án, Bộ Tài chính đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu lùi thời điểm thực hiện dự án này.
Với đề nghị chọn nhà đầu tư nước ngoài để tận dụng nguồn vốn vay nước ngoài do Bộ GTVT đề xuất, Bộ Tài chính kiến nghị nên lựa chọn các nhà đầu tư nước ngoài có khả năng huy động được vốn có lãi suất hợp lý, thời gian vay dài phù hợp với thời gian hợp đồng dự án (20 năm).
Đáng lưu ý, với đề xuất tăng hạn mức tín dụng và hình thành gói tín dụng riêng cho dự án, Bộ Tài chính khẳng định là không phù hợp với Luật các tổ chức tín dụng, Luật Ngân hàng Nhà nước.