Cảng Cà Ná sắp đi vào vận hành

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Trungnam Group đã hoàn thành Bến cảng 1A và cơ bản hoàn thành công tác san lấp bãi hàng, khu phụ trợ tại dự án Cảng biển tổng hợp Cà Ná giai đoạn 1, đặt mục tiêu đưa vào khai thác từ đầu quý 2/2022.
Trungnam Group đặt mục tiêu khai thác cảng Cà Ná từ quý 2/2022
Trungnam Group đặt mục tiêu khai thác cảng Cà Ná từ quý 2/2022

Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận Nguyễn Đức Thanh và Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam vừa có chuyến thăm, làm việc tại dự án Cảng biển tổng hợp Cà Ná giai đoạn 1 do Công ty cổ phần Đầu tư – Xây dựng Trung Nam (Trungnam Group) làm chủ đầu tư.

Cảng biển tổng hợp Cà Ná giai đoạn 1 có công suất thiết kế lượng hàng qua cảng đạt khoảng 3,7 triệu tấn/ năm. Dự án có tổng mức đầu tư 6,500 tỉ đồng, bao gồm tất cả các hạng mục quy hoạch gồm bến, bè, bãi, kho, các công trình phụ trợ, dịch vụ, đầu mối hạ tầng kỹ thuật, giao thông và cây xanh.

Báo cáo trước lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận, đại diện Trungnam Group cho hay giai đoạn 1 của dự án được khởi công vào ngày 25-8-2020, được phân kỳ với 3 tiểu giai đoạn.

Sau gần một năm rưỡi thi công, đến nay chủ đầu tư đã hoàn thành Bến cảng 1A và cơ bản hoàn thành công tác san lấp bãi hàng, khu phụ trợ phục vụ vận hành khai thác cảng. Hiện chủ đầu tư đang khẩn trương hoàn thiện các thủ tục pháp lý cuối cùng để đưa vào khai thác từ đầu quý 2/2022.

Ông Nguyễn Đức Thanh - Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận và ông Trần Quốc Nam Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận thăm Dự án Cảng Cà Ná

Ông Nguyễn Đức Thanh - Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận và ông Trần Quốc Nam Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận thăm Dự án Cảng Cà Ná

Đối với Bến cảng 1B, chủ đầu tư cũng đang thi công hạng mục cọc khoan nhồi và san lấp khu bãi hàng, dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác trong năm 2023, vượt tiến độ 1 năm.

Đối với khu phụ trợ của giai đoạn 1, chủ đầu tư cũng đang triển khai xây dựng đồng bộ các khu nhà chức năng, công trình giao thông để vận hành trong quý 3 năm nay.

Theo Trungnam Group, trong năm 2021, tập đoàn đã làm chủ tiến độ và đảm bảo được tiến độ của dự án.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Tâm Thịnh - chủ tịch HĐQT Trungnam Group - cũng chia sẻ về kế hoạch kinh doanh, khai thác cảng trong năm 2022.

Cụ thể, từ cuối năm 2021, chủ đầu tư đã lập kế hoạch kinh doanh cảng biển, trong đó tập trung vào các nguồn hàng là vật liệu xây dựng và sản phẩm đặc thù của địa phương với tổng sản lượng dự kiến 1,332 triệu tấn/năm.

Ông Nguyễn Đức Thanh - Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận - bày tỏ niềm phấn khởi khi đến thăm, chứng kiến tiến độ xây dựng của dự án rất nhanh chóng, tạo ra những bước phát triển cho khu vực và kỳ vọng trong tương lai sẽ tiếp tục phát triển rất nhiều lĩnh vực trọng điểm từ công nghiệp, kinh tế biển, kinh tế biển, năng lượng, logistic và các ngành công nghiệp mới… Theo ông Thanh, trong chiến lược phát triển, Ninh Thuận xem đây là một trong những trọng điểm rất quan trọng, cũng là đột phá không chỉ trước mắt mà cả lâu dài.

Ông Nguyễn Tâm Thịnh – Chủ tịch HĐQT Trungnam Group chia sẻ tiến độ thi công của dự án cảng Cà Ná

Ông Nguyễn Tâm Thịnh – Chủ tịch HĐQT Trungnam Group chia sẻ tiến độ thi công của dự án cảng Cà Ná

Nhà đầu tư mong được giải quyết nhanh các vướng mắc

Theo Trungnam Group, việc hoàn thành Giai đoạn 1 của dự án trong năm 2022 là nền tảng quan trọng tạo dựng một khu đô thị hậu cần - công nghiệp - khoáng sản - năng lượng với quy mô lên đến hàng chục tỉ USD trong tương lai.

Để hoàn thành các mục tiêu của dự án, nhà đầu tư đã kiến nghị, đề xuất lãnh đạo tỉnh xem xét hỗ trợ giải quyết một số khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai.

Cụ thể, theo chủ đầu tư, hiện khó khăn lớn nhất mà dự án đang đối mặt đó là nguồn cung cấp vật liệu san lấp, xây dựng. Nguồn vật liệu san lấp hiện đang thiếu hụt nghiêm trọng, trong đó nhu cầu cát san lấp đang thiếu cho Cảng tổng hợp Cà Ná giai đoạn 1 khoảng 1,5 triệu m3 và gần 10 triệu m3 đá san lấp, xây dựng các loại.

Do đó, Trungnam Group đề nghị Ninh Thuận hỗ trợ nhà đầu tư tháo gỡ các khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các thủ tục pháp lý về quy hoạch, vật liệu xây dựng.

Trong đó, đề nghị UBND tỉnh sớm thống nhất chủ trương và hỗ trợ đẩy nhanh thủ tục pháp lý khai thác mỏ đá Giăng, Sở NN&PTNT hỗ trợ đẩy nhanh thủ tục pháp lý về việc thẩm định hồ sơ điều chỉnh Dự án nạo vét cảng cá Cà Ná; BQL khai thác các Cảng cá hỗ trợ đẩy nhanh thủ tục pháp lý nạo vét cảng Cá Ninh chữ, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, rà soát, cập nhật lại hồ sơ thiết kế nạo vét và tổ chức thực hiện dự án nạo vét Cảng Ninh Chữ huyện Ninh Hải và Nạo vét cảng Đông Hải, thành phố Phan Rang – Tháp Chàm theo hình thức xã hội, trình Sở NN&PTNT thẩm định.

Đồng thời, Trungnam Group cũng đề nghị UBND tỉnh xem xét cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất để đưa đồi đá Chao vào quy hoạch mỏ vật liệu xây dựng; đề nghị Ban QLDA các Khu công nghiệp xem xét đẩy nhanh công tác hồ sơ pháp lý, giải phóng mặt bằng, triển khai thi công san lấp giai đoạn 1 Khu công nghiệp Cà Ná nhằm tận dụng khối lượng đất đá san lấp dư thừa.

Bên cạnh đó, Trungnam Group cũng đề nghị Ninh Thuận Sở Xây dựng sớm thống nhất quy hoạch chung hệ thống thoát nước cho toàn bộ khu tổ hợp Cà Ná để Nhà đầu tư có cơ sở triển khai thiết kế hệ thống thoát nước cho từng dự án phù hợp; Sở TN&MT sớm ký hợp đồng với Đơn vị tư vấn tính giá đất để sớm có cơ sở ký hợp đồng cho thuê đất của Dự án.

Đáng chú ý, Trungnam Group cũng đề nghị UBND tỉnh chấp thuận cho doanh nghiệp này tham gia đấu thầu giai đoạn 2 của Cảng tổng hợp Cà Ná để thực hiện xây dựng bến cảng có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải đến 300.000 DWT phù hợp với quy hoạch phân khu được duyệt, biến Cảng tổng hợp Cà Ná trở thành vị trí độc tôn trên bản đồ Cảng biển Việt Nam và Khu vực Đông Nam Á.

Được biết, dự án Cảng biển tổng hợp Cà Ná giai đoạn 1 do Trungnam Group làm chủ đầu tư có tổng diện tích quy hoạch 85,52 ha bao gồm hai bến cảng tiếp nhận hàng tổng hợp, hàng container, hàng rời trọng tải đến 100.000 DWT sẽ hoạt động ngay đầu quý 2 năm nay.

Toàn bộ quy mô Cảng sau khi hoàn thành bao gồm 17 bến tàu, đây là bến cảng nước sâu có địa thế rất thuận lợi trong phạm vi cả nước, hướng đến là điểm trung chuyển hàng hóa cho cả khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, qua đó giải tỏa áp lực các cảng biển miền Đông Nam Bộ, TP.Hồ Chí Minh./.