|
Vụ án SCB – Vạn Thịnh Phát để lại những hậu quả nặng nề cho hệ thống ngân hàng và nền kinh tế. Việc xem xét chấn chỉnh, kiểm soát mối quan hệ giữa các ông chủ tập đoàn tư nhân, đồng thời cũng là chủ ngân hàng trở nên cấp bách.
Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi 2024 đã tiến thêm một bước trong việc kiểm soát mối quan hệ đó, bằng cách yêu cầu các ngân hàng công bố danh sách cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ và giới hạn cổ đông là cá nhân không được phép sở hữu vượt quá 5% vốn điều lệ, cổ đông là tổ chức không được vượt quá 10%. Ngoài ra, cổ đông và người có liên quan cũng không được sở hữu cổ phần vượt quá 15% vốn điều lệ.
Từ những số liệu các ngân hàng công bố, nhóm phóng viên VietTimes đã thu thập dữ liệu để làm sáng rõ mối quan hệ giữa một số chủ tập đoàn kinh tế tư nhân với ngân hàng mà các ông chủ này đang sở hữu hoặc có thể chi phối thông qua những người “đại diện”. Qua loạt bài: "Từ lộ diện giới chủ đến giải pháp chống “lũng đoạn ngân hàng", VietTimes cùng các chuyên gia phân tích và đề xuất các giải pháp để kiểm soát, ngăn chặn việc lũng đoạn ngân hàng theo chỉ đạo của Thủ tướng tại chỉ thị số 14.
Bài 1: Phác thảo bức tranh sở hữu ngân hàng tại Việt Nam
Bài 2: Rủi ro từ mối quan hệ thân hữu Geleximco - ABBank
Bài 3: Hệ sinh thái Masterise và dấu ấn của Techcombank
Bài 4: Mối quan hệ "bí ẩn giữa Ngân hàng Hàng Hải và ROX group
Bài 5: Quyền lực ông chủ OCB và mối quan hệ thân hữu với "mạng lưới" Hướng Việt
Thưa ông, đến thời điểm hiện tại, nhiều ngân hàng Techcombank, VPBank, MSB, ABBank, Kienlongbank, VIB, OCB, Vietcombank, VietinBank… đã công khai danh sách cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên theo quy định mới của Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi. Ông có bình luận gì về quy định mới này?
Quy định này giúp làm tăng tính minh bạch cho hệ thống ngân hàng cũng như hạn chế tình trạng sở hữu chéo đang rất phức tạp hiện nay trong hệ thống tài chính. Tuy nhiên, nó cũng có mặt trái đó là quyền bảo mật thông tin của các chủ sở hữu bị ảnh hưởng, và có thể làm giảm tính hấp dẫn đối với các cổ đông ngoại khi khối này rất chú trọng đến vấn đề này.
Bên cạnh đó, việc này chỉ hạn chế phần nào vì khi có quy định ra đời, các đối tượng sẽ tiếp tục tìm cách lách luật, chẳng hạn như chia nhỏ hơn tỷ lệ nắm giữ cổ phần và nhờ người khác đứng tên… Chính vì thế, tình trạng sở hữu chéo vẫn có khả năng xảy ra nhưng ở cấp độ tinh vi hơn.
Đối chiếu trong danh sách cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ, có không ít doanh nghiệp tên tuổi hoạt động trong lĩnh vực bất động sản. Điều này có đáng lo ngại về tình trạng “sân sau” và làm sao hạn chế rủi ro lũng đoạn và tác động xấu đến nền kinh tế như trường hợp SCB - Vạn Thịnh Phát?
Trường hợp như vụ SCB là một điển hình khi ngân hàng trở thành “sân sau” cho một tập đoàn bất động sản lớn hàng đầu của Việt Nam, và việc hoạt động của ngân hàng chủ yếu phục vụ cho nhóm lợi ích của cổ đông chi phối đó là Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Điều này đã gây ra rất nhiều hệ lụy và thiệt hại cho cả người dân, nền kinh tế.
Hiện nay, chúng ta không có đủ thông tin để biết còn bao nhiêu ngân hàng đang là "sân sau" của các tập đoàn bất động sản lớn, và liệu SCB có phải là trường hợp duy nhất hay không. Chính vì thế, cần có một sự rà soát kỹ lưỡng của các cơ quan chức năng trong thời gian tới để đánh giá kỹ lưỡng về tình trạng này trong hệ thống ngân hàng, từ đó phòng ngừa những vụ việc đáng tiếc có thể xảy ra trong tương lai như vụ SCB.
Chúng ta từng có những bài học nào trong quá khứ về mối quan hệ ngân hàng - doanh nghiệp bất động sản, thưa ông?
Trong lịch sử đã có rất nhiều vụ việc gây chấn động hệ thống tài chính bởi tình trạng “bắt tay” giữa ngân hàng và bất động sản, có thể kể đến như vụ Minh Phụng vào thập niên 90, đây là công ty do ông Tăng Minh Phụng làm tổng giám đốc. Thời điểm đó, ông Minh Phụng câu kết với các lãnh đạo ngân hàng để tạo hồ sơ khống vay vốn ngân hàng để đầu tư bất động sản, và khi thị trường đóng băng thì vụ việc vỡ lở và công ty Minh Phụng cũng như chính ông ấy phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Đây được xem là vụ việc lớn nhất trong lịch sử Việt Nam từ trước đến nay, nếu như không xảy ra vụ Vạn Thịnh Phát.
Tiếp theo có thể kể đến như vụ Nguyễn Đức Kiên (hay còn gọi là bầu Kiên) xảy ra tại ngân hàng ACB, khi bầu Kiên liên tục lập các công ty "sân sau" để phát hành trái phiếu và huy động vốn từ ACB… Hay các vụ việc của ngân hàng Đông Á, OceanBank khi các ngân hàng này bị đưa vào kiểm soát đặc biệt cũng đều có yếu tố liên quan bất động sản. Và vụ việc mới đây nhất như chúng ta đã biết đó là Vạn Thịnh Phát.
Nhìn chung, các vụ việc trên đều có một điểm chung đó là mối quan hệ mật thiết giữa ngân hàng và các công ty bất động sản, cũng là lợi dụng quyền hạn để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người gửi tiền, của ngân hàng qua việc làm giả các hồ sơ vay vốn, phát hành trái phiếu…
Theo ông, việc công khai cổ đông sở hữu từ 1% vốn trở lên có ngăn ngừa được việc sở hữu “núp bóng” nhằm lũng đoạn ngân hàng?
Theo tôi là rất khó, vì như đã nói ở trên, nó chỉ làm tăng chi phí để tránh bị phát hiện (thuê thêm người đứng tên…), chứ khó có thể giải quyết triệt để được tình trạng sở hữu chéo đang ngày càng tinh vi và phức tạp.
Ngoài việc yêu cầu sở hữu từ 1% vốn điều lệ phải công bố thông tin, theo ông nên chăng cần nâng cao vai trò của HĐQT, ban kiểm soát, tăng số lượng thành viên HĐQT độc lập?
Vai trò của HĐQT và Ban kiểm soát thường sẽ phục vụ lợi ích của nhóm cổ đông chi phối của công ty vì họ được bầu ra bởi những người có tỷ lệ sở hữu cao của công ty, nên việc nâng cao vai trò của họ trong việc giám sát và phát hiện sở hữu chéo là rất khó, mặc dù đây đúng là trách nhiệm của họ, đặc biệt là trách nhiệm của ban kiểm soát, thậm chí họ có thể là người “đầu tàu” cho các chiến lược sở hữu chéo này.
Thực tế cho thấy rất ít trường hợp Ban kiểm soát phát hiện sở hữu chéo và thông báo cho HĐQT hay các cơ quan chức năng, và thường lại là những người liên đới chịu trách nhiệm trong các vụ án sai phạm về sở hữu chéo.
Thành viên HĐQT độc lập đóng vai trò rất quan trọng ở các quốc gia phát triển, và là người đại diện cho nhóm cổ đông thiểu số để nói lên tiếng nói của nhóm này trước HĐQT, cũng như vai trò kiểm tra, giám sát và phát hiện các sai phạm trong nội bộ của người này góp phần làm tăng tính minh bạch trong việc quản trị công ty cũng như giảm nguy cơ sở hữu chéo.
Tuy nhiên, thành viên HĐQT độc lập ở Việt Nam còn chưa được chú trọng, và thường sẽ do HĐQT đề cử những người quen biết để giữ vị trí này, chính vì thế mà nó làm mất đi bản chất thực sự của vị trí này và đa số các thành viên HĐQT độc lập chỉ ngồi cho đủ ghế và không có nhiều tiếng nói cũng như thực hiện đúng chức năng và nhiệm vụ của mình.
Chính vì thế, trong thời gian tới, chúng ta cần sửa đổi các quy định và nâng cao vai trò của vị trí này lên, bên cạnh đó, vị trí này nên được bầu ra bởi nhóm cổ đông thiểu số thay vì HĐQT hay Đại hội cổ đông như hiện nay để họ thực sự đại diện cho nhóm cổ đông thiểu số trong việc giám sát hoạt động của HĐQT cũng như ban điều hành.
Xin cảm ơn ông !