Cán bộ y tế hy sinh vì làm nhiệm vụ chống dịch COVID-19 hoàn toàn được xem xét công nhận là liệt sĩ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Theo ThS. Trần Thị Trang, cán bộ y tế hy sinh vì làm nhiệm vụ chống dịch COVID-19 hoàn toàn được xem xét công nhận là liệt sỹ. 
ThS. Trần Thị Trang - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) (Ảnh Minh Thuý)
ThS. Trần Thị Trang - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) (Ảnh Minh Thuý)

Những ngày vừa qua, báo chí và mạng xã hội đã liên tục đề nghị công nhận liệt sĩ cho các cán bộ y tế hy sinh vì làm nhiệm vụ chống dịch COVID-19, cứu sống người bệnh. Bởi trong lúc làm nhiệm vụ, đã có những y, bác sĩ, cán bộ y tế hy sinh. Theo thống kê của Công đoàn Y tế Việt Nam, trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, đã có khoảng 2.380 nhân viên y tế mắc COVID-19 trong khi làm việc và đã có 3 nhân viên y tế hy sinh.

Tuy nhiên, hiện chưa ai trong số họ được xem xét công nhận là liệt sĩ. Sự thực có phải chúng ta chưa có chính sách nên phải đề nghị sớm bổ sung để công nhận? Để làm rõ hơn điều này, PV VietTimes đã có cuộc trao đổi với ThS. Trần Thị Trang - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) – trong sáng nay, ngày 20/8.

Xin bà cho biết đến nay đã có quy định về việc xem xét công nhận liệt sĩ đối với các cán bộ y tế hy sinh trong khi làm nhiệm vụ chống dịch, chăm sóc, điều trị người bệnh COVID-19 hay chưa?

ThS. Trần Thị Trang: Hiện đã có quy định về việc xem xét công nhận liệt sĩ đối với các cán bộ y tế hy sinh vì làm nhiệm vụ chống dịch, chăm sóc, điều trị người bệnh COVID-19. Để được xem xét công nhận liệt sĩ, các đơn vị phải xác nhận cho cán bộ y tế, có văn bản đề nghị xem xét công nhận liệt sĩ vì cán bộ y tế đã có hành động dũng cảm khi tham gia chống dịch COVID-19 cứu người.

Theo khoản 3 Điều 59 Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Điểm k khoản 1 Điều 14 Pháp lệnh ưu đãi người có công thì cán bộ y tế hy sinh vì làm nhiệm vụ chống dịch, chăm sóc, điều trị người bệnh COVID-19 được xem xét công nhận là liệt sĩ.

Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Thủ trưởng các bộ và tương đương có thẩm quyền công nhận cán bộ y tế hy sinh vì làm nhiệm vụ chống dịch, chăm sóc, điều trị người bệnh COVID-19 là liệt sĩ. Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Thủ trưởng các Bộ và tương đương có thẩm quyền sẽ kiểm tra hồ sơ, thủ tục xác nhận liệt sĩ chuyển Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ cấp Bằng “Tổ quốc ghi công”.

Theo ThS. Trần Thị Trang, Phòng Tổ chức cán bộ của các cơ sở y tế cần nghiên cứu các quy định pháp luật để lập hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ ngay cho cán bộ của cơ sở mình nếu không may vì chống dịch COVID-19 mà hy sinh (Ảnh - Minh Thuý)

Theo ThS. Trần Thị Trang, Phòng Tổ chức cán bộ của các cơ sở y tế cần nghiên cứu các quy định pháp luật để lập hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ ngay cho cán bộ của cơ sở mình nếu không may vì chống dịch COVID-19 mà hy sinh (Ảnh - Minh Thuý)

Về hồ sơ, thủ tục đề nghị công nhận cán bộ y tế hy sinh vì làm nhiệm vụ chống dịch, chăm sóc, điều trị người bệnh COVID-19 là liệt sĩ, theo quy định tại khoản 1, 2 điều 18 Nghị định 31/2013/NĐ-CP thì cơ quan, tổ chức, đơn vị, chính quyền địa phương có người hy sinh có trách nhiệm lập hồ sơ đề nghị xác nhận liệt sĩ.

Giấy báo tử sẽ được cấp cho người hy sinh là quân nhân, công nhân viên quốc phòng do Thủ trưởng Trung đoàn hoặc cấp tương đương trở lên; người hy sinh là công an nhân dân, công nhân viên công an nhân dân do Giám đốc Công an cấp tỉnh hoặc cấp tương đương trở lên; người hy sinh thuộc cơ quan trung ương do Bộ trưởng hoặc cấp tương đương; người hy sinh thuộc cơ quan cấp tỉnh quản lý do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; người hy sinh thuộc cơ quan cấp huyện hoặc cấp xã và các trường hợp đóng trên địa bàn không thuộc quy định tại điểm a, b, c, d khoản này do Chủ tịch UBND cấp huyện.

Chính vì thế, Phòng Tổ chức cán bộ của các cơ sở y tế cần nghiên cứu các quy định pháp luật để lập hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ ngay cho cán bộ của cơ sở mình nếu không may vì chống dịch COVID-19 mà hy sinh.

Bộ Y tế, các Sở Y tế ở địa phương có trách nhiệm thế nào trong việc hướng dẫn xem xét công nhận liệt sĩ cho cán bộ y tế hy sinh vì làm nhiệm vụ chống dịch, chăm sóc, điều trị người bệnh COVID-19 thưa bà?

ThS. Trần Thị Trang: Chính phủ đang xây dựng Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định 31/2013/NĐ-CP quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng.

Liên quan đến việc xem xét công nhận liệt sĩ, Chính phủ đã có hướng dẫn chi tiết hơn. Từ đó, các Vụ, Cục của Bộ Y tế (Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Vụ Tổ chức cán bộ, Cục Y tế Dự phòng,…) sẽ hướng dẫn thực hiện quy định pháp luật việc xem xét công nhận liệt sĩ cho các cơ sở y tế.
Tại địa phương, các Sở Y tế phải nghiên cứu các văn bản để hướng dẫn cho các cơ sở y tế áp dụng các quy định của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Pháp lệnh ưu đãi người có công, các Nghị định hướng dẫn làm thủ tục để xác nhận cho cán bộ y tế hy sinh vì tham gia chống dịch, cứu người.

Bác sĩ trực cấp cứu ở bệnh viện (Ảnh - Minh Thuý)

Bác sĩ trực cấp cứu ở bệnh viện (Ảnh - Minh Thuý)

Tôi khẳng định các cán bộ y tế hy sinh vì làm nhiệm vụ chống dịch, chăm sóc, điều trị người bệnh COVID-19 hoàn toàn được xem xét công nhận là liệt sĩ. Khi các đơn vị xác định được những cán bộ y tế là người năng nổ trong hoạt động chống dịch cứu người, sẵn sàng chấp nhận mọi hiểm nguy để chống dịch và hy sinh thì xứng đáng được công nhận là liệt sĩ.

Trên thực tế, những trường hợp cán bộ y tế hy sinh khi đang làm nhiệm vụ chống dịch không có nhiều. Về cơ bản, ngành Y tế đã cung cấp các trang thiết bị y tế phòng hộ chống dịch COVID-19 cho nhân viên y tế nhưng họ vẫn nhiễm bệnh. Có thể thấy môi trường làm việc của các nhân viên y tế vô cùng nguy hiểm, thêm vào đó tình hình dịch rất phức tạp nên việc họ lăn xả cứu người, chấp nhận gian khổ, nguy cơ lây nhiễm là một hành động anh hùng.

Như vậy, các văn bản quy phạm pháp luật hiện đã quy định rõ việc xem xét công nhận liệt sĩ đối với các cán bộ y tế hy sinh vì làm nhiệm vụ chống dịch, chăm sóc, điều trị người bệnh COVID-19. Vì thế, chỉ còn khâu tổ chức thực hiện, áp dụng quy định pháp luật tại địa phương để đảm bảo quyền lợi cho các cán bộ y tế.

Cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!