Reuters đưa tin Campuchia lần đầu tiên tập trận hải quân với Trung Quốc, dấu hiệu mới nhất cho thấy sự hiện diện ngày càng tăng của TQ ở Biển Đông.
Việc Campuchia lần đầu tiên tập trận hải quân với Trung Quốc, diễn ra ngày sau chuyến thăm Campuchia của tàu chiến Nhật Bản, kình địch của TQ, theo Reuters.
Ngày 22.2, 3 tàu chiến mang 737 thủy thủ TQ sẽ cập cảng ở tỉnh Preah Sihanouk, chỉ một ngày sau 3 tàu chiến hải quân Cục phòng vệ Nhật (MSDF) về nước sau chuyến giao lưu văn hóa với hải quân Campuchia.
Hải quân TQ sẽ tổ chức diễn tập cứu hộ trên biển trong chỉ vài giờ, gần nơi tàu chiến Nhật đang cập cảng.
Phó đô đốc Vann Bunneang, phó tư lệnh hải quân Campuchia, nói với Reuters: Đây sẽ là cuộc hợp tác lớn và là cuộc diễn tập cứu hộ chung. Đây là cách chuẩn bị sẵn sàng xử lý khi có tàu chìm và xảy ra thiên tai”.
Bắc Kinh đang gia tăng hoạt động ở Biển Đông và biển Hoa Đông, củng cố quan hệ quân sự-kinh tế với Campuchia, nơi mà TQ đang ngày càng được ủng hộ về chính trị, theo Reuters.
TQ hiện điều hành một học viện quân sự ở Campuchia, cung cấp trực thăng, súng phóng rocket vác vai và xe quân dụng cho quân đội nước này. Các sĩ quan Campuchia cũng được đưa đến TQ huấn luyện.
Chuyến thăm của tàu chiến TQ diễn ra trong lúc Đông Nam Á lo ngại, việc TQ vừa triển khai tên lửa đất đối không HQ-9 đến đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ngày 17.2, Bắc Kinh giải thích đấy là việc cần thiết để giúp phòng thủ ở hòn đảo mà TQ chiếm trái phép.
Các nhà phân tích nói Mỹ lo ngại Campuchia trở thành một “nước chư hầu”, có thể giúp Bắc Kinh tác động vào Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN). Phnom Penh bác bỏ nhận định này.
Mỹ hiện tìm cách kéo Campuchia về phía Mỹ, bằng các cuộc tập trận riêng. Hồi tháng 11..2015, Mỹ tổ chức cuộc diễn tập tìm kiếm-cứu hộ thứ sáu, với sự tham gia của 300 thủy thủ Campuchia và 200 thủy thủ Mỹ.
Khi được hỏi về cuộc diễn tập của TQ, Sứ quán Nhật tại Campuchia tuyên bố không bình luận về hoạt động của một nước thứ ba.
Ou Virak, một chuyên gia của tổ chức nghiên cứu Future Forum, nói: các chuyến thăm của tàu chiến Nhật và TQ cho thấy sự tranh giành tầm ảnh hưởng, Campuchia cần cần trọng trong việc điều hành các mối quan hệ trong tương lai.
Ông nói: “Vấn đề là thực sự làm sao đối xử, khi Nhật muốn có một tầm ảnh hưởng, TQ thì làm mọi việc có thể làm, cả về quân sự lẫn tài chính. Chúng tôi cần cẩn trọng, cần giữ cân bằng quan hệ với cả hai nước và chúng tôi cần tự chủ”.
Theo Reuters, Một thế giới