Theo thứ tự luân phiên SEA Games 2017 được tổ chức tại Brunei, SEA Games 2019 Malaysia, SEA Games 2021 Campuchia và SEA Games 2023 mới lần thứ 2 trở lại Việt Nam. Tuy nhiên, sau đó Brunei xin chuyển sang tổ chức năm 2019 rồi rút luôn nên Malaysia và Philippines được đôn lên, đứng ra đảm nhận SEA Games 2017, 2019. Do chưa đủ điều kiện nên Campuchia đề nghị lùi vẫn giữ nguyên kế hoạch tổ chức SEA Games 2023 còn Việt Nam chúng ta đứng ra thay thế tổ chức SEA Games 2021.
Trung Quốc viện trợ 170 triệu USD
Mới đây, Chủ tịch Ủy ban Olympic Campuchia - Thong Khon đã chào đón một phái đoàn từ Trung Quốc đến thăm khu liên hợp thể thao Morodok Techo tại thủ đô Phnôm Pênh. Trung Quốc đã viện trợ 170 triệu USD cho Campuchia xây dựng khu liên hợp thể thao Morodok Techo từ năm 2017 và dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay.
Trung Quốc đã viện trợ 170 triệu USD cho Campuchia xây dựng khu liên hợp thể thao Morodok Techo từ năm 2017 và dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay. Ảnh VOV
|
Khu thể thao Morodok Decho nằm ở quận Russey Keo, cách thủ đô Phnôm Pênh khoảng 20 cây số. Tổ hợp công trình nằm trên khu đất rộng 94 hecta, đến nay đã hoàn thành 70%, bao gồm 1 sân vận động có sức chứa 75.000 chỗ ngồi để tổ chức bóng đá, điền kinh; 1 nhà thi đấu có sức chứa 15.000 người và 1 khu phức hợp bơi lội.
Ngoài khối văn phòng 6 tầng, 4 khu nhà vận động viên 8 tầng gồm 400 phòng ở, 2 phòng ăn lớn, 6 sân nhỏ phục vụ cho vận động viên thì điểm nhấn đáng chú ý nhất của khu liên hợp thể thao quốc gia của Campuchia nằm ở sân vận động trung tâm. Sau khi khánh thành, sân Morodok Techo sẽ lớn thứ 2 khu vực Đồng Nam Á, chỉ sau sân Bukit Jalil (Malaysia - 110.000 chỗ) và gần gấp đôi sân Mỹ Đình của Việt Nam.
Cùng với đó, Chính phủ Campuchia đã đầu tư khoảng 40 triệu USD để xây dựng một Trung tâm thể thao dưới nước và nhà thi đấu thể dục. Những hạ tầng cơ sở mới này sẽ là địa điểm chính tổ chức SEA Games 32 từ ngày 5-15/5/2023.
Bên cạnh đó, để phục vụ các môn thi đấu tại SEA Games 32, Campuchia cũng sẽ tiến hành sửa chữa và nâng cấp các địa điểm thể thao hiện có cũng như xây dựng một khu thi đấu ven biển cho các môn thể thao như: Đua thuyền buồm, Đua thuyền và 3 môn phối hợp. Theo kế hoạch, Campuchia sẽ tổ chức thi đấu từ 30 đến 35 môn tại SEA Games 2023.
Mô hình du lịch-thể thao
Đây là lần đầu tiên Campuchia đăng cai đại hội thể thao lớn nhất khu vực Đông Nam Á với sự tham dự của 11 quốc gia. Tại SEA Games 30, Campuchia xếp hạng 8 toàn đoàn với 4 HCV, 3 HCB, 6 HCĐ. Đặc biệt bóng đá nước này đã làm nên kỳ tích khi vượt qua vòng bảng để góp mặt ở bán kết. Trong khi đó, Việt Nam sẽ là chủ nhà tại SEA Games 31 diễn ra vào năm 2021, với nội dung được tập trung ở các bộ môn nằm trong hệ thống Olympic,
Bóng đá CPC đang học tập mô hình Việt Nam để có đội tuyển mạnh. Ảnh CPC
|
Khác với Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Olympic Campuchia là Tiến sĩ Thong, Bộ trưởng Bộ Du lịch chứ không phải Bộ trưởng Bộ Giáo dục,Thanh niên và Thể thao Hang Chuon Naron. Dường như trong tính toán của quốc gia này thì họ muốn thúc đẩy phát triển du lịch thông qua các hoạt động thể thao.
Tiến sĩ Thong cho biết: “Các sự kiện thể thao cũng là một sự kiện du lịch và chúng ta có thể gọi chung là thể thao du lịch. Sự kết hợp giữa thể thao và du lịch sẽ mang lại nguồn doanh thu cao hơn bởi mỗi vận động viên cũng là một khách du lịch và họ sẽ mang lại nguồn doanh thu cũng như giúp quảng bá đất nước Campuchia”.
Cách làm khá mới mẻ của Campuchia cũng khiến nhiều nước Đông Nam Á quan tâm. Nhưng quan trong nhất là các môn thể thao của nước chủ nhà phải có thành tích tại SEA Games.