Cam Ranh: Cả Mỹ, Nga cùng muốn quay lại

Phát biểu với tư cách cá nhân, một số quan chức Mỹ đã nói về khả năng tàu hải quân Mỹ một lần nữa sẽ hoạt động tại Vịnh Cam Ranh, nơi từng là căn cứ của Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam, Chicago Tribune cho biết.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Leon Panetta từng đến thăm Cam Ranh
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Leon Panetta từng đến thăm Cam Ranh

Theo Chicago Tribune, bất chấp những nghi ngại của một số nghị sĩ và nhà ủng hộ nhân quyền, Nhà Trắng có khả năng sẽ chấm dứt lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam nhân chuyến công du của Tổng thống Barack Obama tới Hà Nội vào cuối tháng này.

Động thái này sẽ có ý nghĩa mang tính biểu tượng quan trọng trong bối cảnh Trung Quốc và Mỹ đang ngày càng cạnh tranh ảnh hưởng tại vùng Tây Thái Bình Dương. Lo lắng trước những hành động quyết đoán của Trung Quốc nhằm khẳng định các yêu sách chủ quyền tại Biển Đông, Chính phủ Việt Nam đã liên tục hối thúc Mỹ chấm dứt lệnh cấm xuất khẩu vũ khí, để cho phép Hà Nội mua những thiết bị quân sự cao cấp như rađa hiện đại hay máy bay do thám. Hai năm trước, Washington đã bãi bỏ một phần lệnh cấm, cho phép bán những vũ khí liên quan đến "an ninh biển" cho Việt Nam.

Tuy nhiên, trong khi Bộ Ngoại giao Mỹ coi việc bãi bỏ lệnh cấm bán vũ khí là một động thái chiến lược quan trọng để đối phó với Trung Quốc vẫn còn những ý kiến băn khoăn về vấn đề nhân quyền. Một số quan chức chính quyền và nghị sĩ quốc hội yêu cầu giấu tên cho biết trong mấy tuần gần đây, Nhà Trắng đã tranh cãi về vấn đề này. Và trong bài phát biểu tại một cuộc điều trần ở Thượng viện, Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter đã ủng hộ động thái dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí hoàn toàn với Việt Nam.

Quyết định cuối cùng phụ thuộc vào kết quả các cuộc đàm phán tại Việt Nam do hai nhà ngoại giao cao cấp đảm nhiệm: Trợ lý Ngoại trưởng Tom Malinowski, người chuyên phụ trách các vấn đề dân chủ, nhân quyền và lao động, và Trợ lý Ngoại trưởng Daniel Russel, người phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương.

Những người ủng hộ việc chấm dứt lệnh cấm bán vũ khí cho rằng trong thời gian qua, Việt Nam đã đạt nhiều tiến bộ trong các vấn đề nhân quyền và hồ sơ của nước này tốt hơn so với một số đối tác khác của Mỹ vốn đang bị cáo buộc vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, như Saudi Arabia hay Ai Cập.

Gregory Poling, thành viên Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế cho rằng, nhân quyền không phải là vấn đề tuyệt đối và Hà Nội đang có xu hướng cải thiện. Theo ông Poling, Việt Nam công nhận rằng họ phải cùng chung sống với Trung Quốc, nước láng giềng chung biên giới phía bắc. Ông Poling nhận định: "Song họ đang rất cần mở rộng không gian chiến lược càng nhiều càng tốt để phát triển và Mỹ là chìa khóa để làm điều đó".

Ông Carl Thayer, chuyên gia về an ninh Đông Nam Á tại trường Đại học New South Wales của Úc, cho rằng yêu cầu của Việt Nam muốn bãi bỏ những hạn chế về vũ khí mang động cơ chính trị nhiều hơn là quân sự. Hà Nội cho rằng việc duy trì chính sách bán vũ khí "phân biệt đối xử", cùng với cách thức Mỹ giải quyết vấn đề nạn nhân chất độc Da cam, chứng tỏ Mỹ vẫn duy trì chính sách trừng phạt Việt Nam.

Trong bối cảnh căng thẳng tại Biển Đông leo thang, Mỹ đang tìm cách giúp các đồng minh và đối tác tăng cường khả năng tuần tra trên những vùng biển của họ, nhất là khi phải đương đầu với lực lượng hải quân ngày càng mạnh của Trung Quốc. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết cho tới nay Việt Nam vẫn chưa trao cho Washington danh mục lớn nào liên quan đến những vũ khí mà họ muốn mua sắm trong tương lai, do đó việc chấm dứt lệnh cấm trên không chắc sẽ dẫn đến một loạt thỏa thuận quốc phòng lớn.

Cho tới nay, viện trợ quân sự của Mỹ cho Việt Nam - được hạn chế chỉ dành cho lực lượng Cảnh sát biển  bao gồm vài tàu tuần tra nhỏ và cũ. Thiết bị quân sự chính của Việt Nam, dù là tàu ngầm tiên tiến hay máy bay chiến đấu, đều do Nga sản xuất và gần như chắc chắn sẽ không thay đổi. Chuyển sang vũ khí do Mỹ sản xuất sẽ rất tốn kém đối với Việt Nam vào thời điểm này.

Tuy nhiên, giữa hai nước có một lĩnh vực hợp tác tiềm tàng, tương tự như giữa Mỹ và Ấn Độ - có thể là tiếp cận các công nghệ quốc phòng tiên tiến hơn. Trong tuyên bố chung về tầm nhìn chung đạt được sau chuyến thăm của ông Carter tới Việt Nam hồi tháng 6/2015, hai chính phủ đã kêu gọi hợp tác trong lĩnh vực công nghệ quốc phòng. Các chuyên gia cho biết Việt Nam, giống như các quốc gia khác trong khu vực, muốn nâng cấp các hệ thống vũ khí cũ kỹ và mua radar, máy bay do thám để theo dõi chiến hạm và tàu ngầm của Trung Quốc.

Phát biểu với tư cách cá nhân, một số quan chức Mỹ đã nói về khả năng tàu hải quân Mỹ một lần nữa sẽ hoạt động tại Vịnh Cam Ranh, nơi từng là căn cứ của Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam. Song Hà Nội chưa công khai tán thành ý tưởng này. Chuyên gia Thayer cho rằng Việt Nam không ngại phản ứng của Trung Quốc khi xem xét quyết định mua vũ khí của Mỹ, song nếu cho phép Mỹ hiện diện tại Cam Ranh có thể khiến Trung Quốc bất an.

Cam Ranh, cảng nước sâu chiến lược gần quần đảo Trường Sa, được đánh giá có vai trò then chốt trên bàn cờ Biển Đông. Hãng tin RIA Novosti (Nga) ngày 17/5 dẫn lời đại sứ Việt Nam tại Nga, Nguyễn Thanh Sơn, tuyên bố ‘Chính sách đối ngoại nhất quán của Việt Nam là không gia nhập vào liên minh quân sự hoặc liên minh với một quốc gia khác nhằm chống lại nước thứ ba.’

Bình luận về triển vọng Nga trở lại Cam Ranh, ông Sơn nói trong bối cảnh hiện nay, thực hiện hợp tác tại cảng Cam Ranh nhằm đảm bảo hợp tác quốc tế đa phương, cung cấp dịch vụ vận tải biển, sửa chữa tàu thuyền và phát triển kỹ thuật quân sự để đảm bảo hòa bình-ổn định khu vực là đường hướng phù hợp.

Về các vấn đề cần giải quyết tại Biển Đông hiện nay, đại sứ Nguyễn Thanh Sơn nhắc lại rằng các nước trong khối ASEAN đã nhất trí tránh sử dụng võ lực hay đe dọa trong tranh chấp, đa dạng hóa các mối quan hệ, và giải quyết tranh chấp dựa trên luật quốc tế, đặc biệt là Công ước liên hiệp quốc về Luật Biển 1982, Tuyên bố về cách hành xử của các bên ở Biển Đông, và Bộ quy tắc Ứng xử Biển Đông.

Cam Ranh là căn cứ quan trọng của hải quân Mỹ trong thời chiến tranh Việt Nam. Sau 1975, cảng Cam Ranh được dùng làm căn cứ hải quân quan trọng cho Hạm đội Thái Bình Dương của Liên Xô trong bối cảnh cuộc Chiến tranh lạnh giữa khối Liên Xô và Mỹ. Hiện cả Mỹ và Nga đều muốn quay trở lại Cam Ranh.