|
Luật Các tổ chức tín dụng 2024 quy định cấm bán bảo hiểm không bắt buộc đi kèm khoản vay. |
Quốc hội đã thông qua Luật Các tổ chức tín dụng 2024 và có quy định cấm việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, người quản lý, người điều hành, nhân viên của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức. Điểm nổi bật trong Luật Các tổ chức tín dụng 2024 là quy định cấm bán bảo hiểm không bắt buộc đi kèm khoản vay.
Bên cạnh đó, Luật cũng giao Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định phạm vi hoạt động đại lý bảo hiểm của tổ chức tín dụng để phù hợp với tính chất và hoạt động của lĩnh vực ngân hàng.
Luật Các tổ chức tín dụng 2024 vẫn cho phép các ngân hàng thương mại được thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, phù hợp với phạm vi hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Ngoài ra, các công ty tài chính tổng hợp, công ty tài chính chuyên ngành, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô đều được làm đại lý bảo hiểm theo quy định của pháp luật kinh doanh bảo hiểm và phù hợp với phạm vi hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Quy định ngân hàng bán bảo hiểm không bắt buộc kèm khoản vay nhằm giải quyết tình trạng nhiều khách hàng phản ánh tới Cục Quản lý giám sát Bảo hiểm (Bộ Tài chính) bị nhân viên ngân hàng mời chào mua bảo hiểm mới được vay vốn với lãi suất ưu đãi tới. Trường hợp khách không mua bảo hiểm đi kèm, lãi suất của khoản vay sẽ cao hơn 1-2%/năm so với việc đồng ý mua bảo hiểm.
Sau nhiều đợt thanh tra ngành bảo hiểm trong 2023 – 2024, các doanh nghiệp trong ngành đã ghi nhận doanh thu giảm sút. Trong năm 2023, theo ước tính từ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), tổng doanh thu phí bảo hiểm đạt 227.596 tỷ đồng. So với kết quả thống kê của Bộ Tài chính cho năm 2022, tổng doanh thu phí bảo hiểm đã sụt giảm 8,1%, chủ yếu đến từ lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ.
Trong 4 tháng đầu năm 2024, doanh thu từ phí bảo hiểm nhân thọ khai thác mới giảm 31,6%, với tổng doanh thu phí ước đạt 7.290 tỷ đồng, giảm 31,6% so với cùng kỳ năm trước.
Nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư doanh thu khai thác mới giảm 42,1% so với cùng kỳ. Trong đó, dẫn đầu là Bảo Việt chiếm đến 17,9% thị phần, tiếp theo sau là Dai-ichi có mức 15,3% và Prudential mức 14,6%, Manulife chiếm 10,3% thị phần. Mức doanh thu dưới 10% có các công ty bảo hiểm AIA, FWD, Sun Life, Generali, Chubb, Cathay, MB Ageas…
Trong năm 2023, dịch vụ bảo hiểm liên kết ngân hàng đã chứng kiến sự giảm mạnh đồng loạt. Tiêu biểu, thu nhập từ hoa hồng bảo hiểm của VIB cả năm 2023 chỉ đạt 879 tỷ đồng, giảm 32,5% so với mức hơn 1.300 tỷ đồng năm 2022, sau khi Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) công bố kết luận thanh tra, chỉ ra hàng loạt sai phạm của Bảo hiểm nhân thọ Prudential.
Techcombank cũng ghi nhận doanh thu từ dịch vụ hợp tác bảo hiểm giảm mạnh trong năm 2023, đạt hơn 667 tỷ đồng giảm tới 62% so với mức 1.750 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Doanh thu từ dịch vụ đại lý bảo hiểm của SeABank giảm tới 73% so với năm 2022, chỉ đạt 144,7 tỷ đồng. TPBank cũng giảm gần 57% từ hoạt động dịch vụ kinh doanh, dịch vụ bảo hiểm và tư vấn. Cả năm 2023, mảng này mang về cho TPBank hơn 377 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ hơn 876 tỷ đồng. Tương tự, MBBank có thu nhập từ hoạt động dịch vụ liên kết phân phối bảo hiểm giảm gần 20%, đạt 8.228 tỷ đồng năm 2023.
Năm 2023, tổng tài sản của ngành bảo hiểm ước đạt 913.336 tỷ đồng, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 126.837 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 786.499 tỷ đồng. Toàn ngành bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 757.652 tỷ đồng, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước.