Kinh tế ngày càng phát triển, chất lượng sống của người dân theo đó cũng ngày càng được cải thiện, trước hết từ những bữa ăn. Việc sử dụng các loại thực phẩm có hại cho sức khỏe dần được hạn chế, trong đó có thể kể đến xu hướng chuyển từ dầu gốc động vật sang các dầu ăn từ thực vật.
Theo dự báo của Bộ Công thương, năm 2020, người Việt sẽ tiêu thụ dầu ăn bình quân từ 16,2 – 17,4 kg/người/năm và đến năm 2025 sẽ là 18,6 – 19,9 kg/người/năm.
Nhu cầu lớn khiến thị trường dầu ăn thu hút được nhiều "tay chơi" lớn, cả trong và ngoài nước.
Hiện, 3 doanh nghiệp nội dẫn đầu ngành dầu ăn là Công ty TNHH Dầu thực vật Cái Lân (Calofic), CTCP Dầu thực vật Tường An (Tường An) và CTCP TNHH Kido – Nhà Bè (Kido – Nhà Bè, tên cũ là CTCP Golden Hope Nhà Bè).
Vị thế dẫn đầu của Calofic
Theo tìm hiểu của VietTimes, Calofic chiếm tới gần 40% thị phần với các nhãn hiệu dầu thực vật nổi tiếng như Neptune 1:1:1, Simply, Meizan,… Đứng thứ 2 là Tường An với 20%, thứ 3 là Kido – Nhà Bè với 11%.
Trong đó, nhãn hiệu Neptune 1:1:1 từng giành được nhiều danh hiệu như “Hàng Việt Nam Chất lượng cao”, “Top Ten Thương hiệu Việt”, “Thương hiệu vàng Thực phẩm Việt Nam”, chứng nhận “Tin & Dùng”, …
Theo công bố mới đây, Calofic còn lọt vào danh sách 30 doanh nghiệp có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong việc chấp hành pháp luật Thuế và thực hiện tốt nghĩa vụ nộp thuế vào ngân sách nhà nước (NSNN), với tổng số tiền nộp NSNN trong giai đoạn 2015 - 2019 là 1.687 tỷ đồng.
Biểu đồ 1: Doanh thu thuần của Calofic vượt trội hơn hẳn so với Tường An và Kido Nhà Bè
|
Xứng đáng với “ngôi vương” về thị phần, dữ liệu của VietTimes cho thấy, trong 4 năm trở lại đây, doanh thu của Calofic luôn đạt hàng nghìn tỷ đồng, áp đảo hơn hẳn so với 2 doanh nghiệp theo sau. Song song đó là mức lãi thuần cũng rất ấn tượng.
Cụ thể, năm 2016 và 2017, doanh thu thuần của Calofic lần lượt đạt 6.493 tỷ đồng và 6.742 tỷ đồng, lãi thuần lần lượt ở mức 551 tỷ đồng và 475 tỷ đồng.
Năm 2019, doanh thu thuần của Calofic đạt 7.489 tỷ đồng, tăng 1,7% so với năm trước; lãi thuần ở mức 577 tỷ đồng, trong khi năm 2018 lãi 731 tỷ đồng.
Biều đồ 2: Lợi nhuận thuần của Calofic giai đoạn 2016 - 2019. |
Kết quả kinh doanh áp đảo của Calofic với phần còn lại (Biểu đồ 1) cho thấy vị thế vững chắc của “ông lớn” này trong ngành dầu ăn Việt.
Calofic của ai?
Theo tìm hiểu của VietTimes, Calofic được thành lập từ năm 1996 với số vốn ban đầu 22 triệu USD, là một trong những công ty liên doanh hàng đầu đã đặt nền móng cho ngành công nghiệp sản xuất và chế biến dầu thực vật tại Việt Nam.
Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của Calofic đạt 3.723 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 3.253 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 13,9% và 18,5% so với thời điểm đầu năm.
Cập nhật đến ngày 1/9/2020, Colofic có vốn điều lệ hơn 2.677 tỷ đồng, gồm 2 thành viên góp vốn là Tổng Công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam – CTCP (Vocarimex, nắm giữ 24% VĐL) và Công ty Siteki Investment (thành viên của Tập đoàn Wilmar có trụ sở tại Singapore, nắm giữ 76% VĐL). Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật là ông Vũ Văn Phú (SN 1974).
Trong đó, Vocarimex là thành viên được CTCP Tập đoàn Kido (Kido Group) sở hữu 51% vốn. Vocarimex hiện cũng đang sở hữu cổ phần tại hầu hết các doanh nghiệp lớn trong ngành dầu ăn như Kido – Nhà Bè, Tường An, …
Như vậy, thông qua Vocarimex, Kido Group đang trực tiếp hoặc gián tiếp nắm giữ cổ phần chi phối tại tất cả các doanh nghiệp dầu ăn lớn nhất trên thị trường Việt Nam. Cụ thể, Kido Group đang sở hữu 75,99% vốn cổ phần tại Kido – Nhà Bè và 75,44% vốn cổ phần tại Tường An.
Sau 9 tháng đầu năm 2020, Kido Group thu về 5.960 tỷ đồng, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận trước thuế đạt gần 338 tỷ đồng, tăng 59,4%, hoàn thành kế hoạch cả năm 2020. Ngành dầu, đặc biệt là dầu Tường An góp công lớn trong thành quả này./.