Kỳ trước, VietTimes đã đề cập đến Công ty cổ phần Modern Tech (viết tắt: Modern Tech) – “hạt nhân” trong vụ tố cáo đường dây tiền ảo được cho là “lừa đảo đa cấp lớn nhất lịch sử”.
Theo tố cáo của các nạn nhân, thông qua danh nghĩa là công ty đại diện hợp pháp tại Việt Nam của hai đồng tiền kỹ thuật số (tiền ảo) IFan và Pincoin, Modern Tech đã kêu gọi được hơn 3 vạn nhà đầu tư, huy động, lừa đảo và chiếm đoạt số tiền lên đến hơn 15.000 tỷ đồng. Một quy mô, cần thiết phải nói rằng, là quá khủng khiếp!
Đáng lưu ý, đại diện hợp pháp của hai dự án tiền số ấy lại vừa mới chỉ được thành lập ít tháng (31/10/2017), với ngành nghề hoạt động chính là “Thiết kế website”.
Modern Tech đăng ký trụ sở chính tại tầng 9, Tòa nhà Vietcomreal, số 68 Nguyễn Huệ, phường Bến Nghé, Quận 1, Tp.HCM. Nhìn qua, có vẻ đây là một doanh nghiệp phải rất chuyên nghiệp và có tầm. Trụ sở ở tận tòa cao ốc hiện đại, trên con phố trung tâm và đắt đỏ nhất Tp. HCM cơ mà (?!).
Nhưng kỳ thực, cái mà Modern Tech trưng là trụ sở chính hóa ra chỉ là một văn phòng ảo, được thuê với giá 8 triệu đồng/tháng. “Modern Tech chỉ thuê để đặt bảng hiệu ở đó thôi chứ nó cũng không có ở đây luôn. Không có bàn ghế hay mặt mũi gì ở đây hết trơn”, một nguồn tin từ đơn vị sở hữu tòa nhà nơi Modern Tech đăng ký trụ sở nói với VietTimes.
Có lẽ đặc điểm hiếm hoi khiến Modern Tech có vẻ đạt tầm, đó là mức vốn điều lệ mà nó đăng ký: 100 tỷ đồng.
Nhưng vốn điều lệ đôi khi chỉ là một con số. Bạn có thể đăng ký tới cả nghìn tỷ, chục nghìn tỷ… nếu muốn!
Theo đăng ký kinh doanh lần đầu, mức vốn điều lệ 100 tỷ đồng của Modern Tech, gần như được chia đều cho 8 cá nhân đứng tên: Vũ Hữu Lợi – SN 1979 (15 tỷ đồng; tương ứng tỷ lệ sở hữu 15%); Hồ Phú Ty (12%); Lưu Trọng Tuấn – SN 1985 (12%); Lương Huỳnh Quốc Huy – SN 1985 (12%); Nguyễn Đức Trọng – SN 1986 (12%); Hồ Xuân Văn – SN 1988 (13%); Bùi Thị Ngọc Mỹ - SN 1985 (12%), Nguyễn Trung Hiếu (12%) – SN 1982.
Điểm đáng lưu ý là các cổ đông sáng lập nên Modern Tech thực tế còn khá trẻ - hầu hết đều sinh từ giữa thập niên 80 trở lại. Đáng nói, họ đến từ rất nhiều vùng quê: Tuyên Quang, Tây Ninh, Thừa Thiên Huế, Đồng Nai, Bình Dương, Lâm Đồng, Tp. HCM.
Và Modern Tech hiện đã… ngừng hoạt động – theo cập nhật gần nhất từ cơ quan thuế. Ngày thay đổi thông tin gần nhất mà cơ quan này nhận được từ Modern Tech là ngày 07/03/2018. Tuy nhiên, Modern Tech vẫn chưa hoàn thành thủ tục đóng mã số thuế.
Có nghĩa, Modern Tech đã xuất hiện và rồi biến mất chỉ trong vòng nửa năm. Và chỉ trong quãng thời gian nửa năm tồn tại ấy, nó đã kịp gọi hơn 3 vạn nhà đầu tư và cuốn mất 15.000 tỷ đồng – tức là vượt xa số thu ngân sách cả phần lớn các tỉnh thành, địa phương đã báo cáo trong năm 2017.
Nhưng sự đến và đi, sự xuất hiện và biến mất ấy có thể là điều không lạ với những người đã lập nên Modern Tech. Nhiều pháp nhân trong quá khứ của họ từng xảy ra tình trạnh tương tự.
Việc giải thể này có thể chỉ đơn thuần đến từ việc thay đổi định hướng kinh doanh, chuyển đổi công việc nhưng cũng có thể hàm chứa những tính toán khác.
Các pháp nhân ngoài Modern Tech
Trước tiên, với trường hợp của ông Hồ Xuân Văn, được biết bên cạnh vai trò Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Modern Tech, vị doanh nhân sinh năm 1988 quê A Lưới (Thừa Thiên Huế) này còn giữ vai trò tương tự tại Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu và Chế biến thực phẩm Bin Vina (Bin Vina).
Bin Vina được thành lập đầu năm 2010 tại ấp Thanh Tân - Xã Thanh Lương - Thị xã Bình Long - Bình Phước. Nhưng chỉ tồn tại ít năm rồi giải thể. Cơ quan thuế hiện ghi nhận tình trạng của Bin Vina tương tự với Modern Tech, là “người nộp thuế ngừng hoạt động nhưng chưa hoàn thành thủ tục đóng mã số thuế”, với ngày thay đổi thông tin gần nhất là 17/07/2013.
Thứ hai, với trường hợp của ông Lương Huỳnh Quốc Huy – cổ đông sáng lập sở hữu 12% vốn điều lệ Modern Tech, vị doanh nhân sinh năm 1985 quê Đức Hòa (Long An) này từng được biết đến trên vai trò Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH MTV Lương Kim Phát (Lương Kim Phát).
Lương Kim Phát thành lập tháng 10/2012, đăng ký trụ sở cùng địa chỉ thường trú của ông Huy tại ấp An Định – xã An Ninh Đông – huyện Đức Hòa – Long An. Cơ quan thuế hiện cũng ghi nhận tình trạng của Lương Kim Phát là “người nộp thuế ngừng hoạt động nhưng chưa hoàn thành thủ tục đóng mã số thuế”, với ngày thay đổi thông tin gần nhất là 15/07/2015.
Nhấn mạnh rằng, ông Huy là một nhà đào tạo bán hàng đa cấp chuyên nghiệp. Theo công bố của Cục quản lý cạnh tranh Bộ Công thương, ông Huy đã được cấp Chứng chỉ Đào tạo viên về bán hàng đa cấp số BHĐC – 1033/2015, sau khi tham gia khóa học kéo dài 2 ngày từ 15 – 16/01/2015, tại Trường Đào tạo Bồi dưỡng cán bộ công thương trung ương.
Thứ ba, với trường hợp của ông Nguyễn Đức Trọng – cũng là cổ đông sáng lập sở hữu 12% vốn điều lệ Modern Tech, vị doanh nhân sinh năm 1986 quê Xuân Lộc (Đồng Nai) từng được biết đến trên vai trò Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của Công ty TNHH Nông sản Thực phẩm đồng xanh (Thực phẩm đồng xanh).
Thực phẩm đồng xanh thành lập tháng 02/2010, đăng ký trụ sở chính tai phường 14 – quận Gò Vấp – Tp. HCM. Nhưng hiện công ty này đang được cơ quan thuế ghi nhận tình trạng “người nộp thuế tạm nghỉ kinh doanh có thời hạn”. Ngày thay đổi thông tin gần nhất của Thực phẩm đồng xanh là 02/01/2018.
Cuối cùng, với trường hợp của bà Bùi Thị Ngọc Mỹ – cũng là cổ đông sáng lập sở hữu 12% vốn điều lệ Modern Tech, vị doanh nhân sinh năm 1985 quê Dĩ An (Bình Dương) này còn được biết đến trên vai trò người đại diện pháp luật của thương hiệu Thực phẩm sạch Bảo Lộc, thành lập tháng 10/2010, tại TX. Dĩ An.
Khác với Modern Tech, Bin Vina, Lương Kim Phát, Thực phẩm đồng xanh, theo cập nhật của cơ quan thuế, Thực phẩm sạch Bảo Lộc hiện vẫn đang hoạt động./.