Theo dữ liệu của statista.com, doanh thu của ngành nước giải khát tại Việt Nam trong năm 2023 ước đạt 8,25 tỉ USD và sẽ vượt mốc 10 tỉ USD vào năm 2027.
Sau nhiều năm cạnh tranh quyết liệt, thị trường nước giải khát Việt Nam đã định hình được nhóm doanh nghiệp thống lĩnh, trong đó có 3 cái tên là doanh nghiệp nước ngoài, gồm Coca-Cola, Suntory PepsiCo Vietnam và URC.
Ở nhóm doanh nghiệp nội, Tân Hiệp Phát xem là đại diện hiếm hoi có đủ sức cạnh tranh, ‘chia phần’ với các ông lớn nước ngoài.
Sự việc khởi tố, bắt tạm giam cha con ông chủ Tân Hiệp Phát Trần Quí Thanh được xem là cuộc khủng hoảng lớn nhất trong hơn 20 năm hình thành và phát triển của tập đoàn này.
Trong thông cáo phát đi chiều ngày 11/4, Tân Hiệp Phát cho biết sự việc liên quan tới nhà sáng lập ‘chắc chắn có ảnh hưởng đến hoạt động của công ty’. Tuy nhiên, với hệ thống quản lý và đội ngũ được xây dựng nhiều năm qua, Tân Hiệp Phát khẳng định sẽ nỗ lực hết sức để giảm tối đa các ảnh hưởng bất lợi từ sự việc này tới hoạt động của công ty và các đối tác.
Tân Hiệp Phát làm ăn ra sao?
Năm 2018, bà Trần Uyên Phương – con gái của ông Trần Quí Thanh – cho ra mắt cuốn sách “Competing with Giants" (tạm dịch: Vượt qua người khổng lồ), trong đó tiết lộ chi tiết gây xôn xao: Năm 2012, Coca-Cola đã đưa ra lời đề nghị lên tới 2,5 tỉ USD để mua lại Tân Hiệp Phát.
Ở thời điểm đó, theo bà Phương, Việt Nam chưa có tỉ phú đô la. Nếu đồng ý, ông Trần Quí Thanh có thể trở thành tỉ phú đô la đầu tiên của Việt Nam.
7 năm sau khi thẳng thừng từ chối lời đề nghị của Coca-Cola, năm 2019, một bài viết của Bloomberg hé lộ một thông tin gây chấn động khác: Tân Hiệp Phát – công ty nước giải khát lớn nhất Việt Nam – đang tìm một đối tác chiến lược mới mạnh về vốn, có thể đầu tư tới 3 tỉ USD đến biến doanh nghiệp này trở thành ‘Red Bull tiếp theo của Đông Nam Á’.
“Quan trọng là tìm đúng đối tác có chung tầm nhìn. Chúng tôi không cần tiền, mà cần một chuyên gia trong ngành để phát triển cùng nhau”, ông Thanh nói.
"Chúng tôi không cần tiền" - lời chia sẻ của nhà sáng lập Tân Hiệp Phát Trần Quí Thanh như ngầm khẳng định vị thế của tập đoàn khi ấy.
Ở thời điểm năm 2019, theo dữ liệu của VietTimes, lợi nhuận sau thuế cộng gộp của 3 nhà máy của Tân Hiệp Phát tại Bình Dương, Chu Lai và Hà Nam lên tới 2.827 tỉ đồng, gần bằng tổng lợi nhuận của Suntory PepsiCo Việt Nam và Coca-Cola Việt Nam cộng lại.
Lưu ý rằng, trong 3 cái tên vừa nêu, nhóm Tân Hiệp Phát có doanh thu thuần khiêm tốn hơn cả, đạt 9.243 tỉ đồng, chưa bằng một nửa so với Suntory PepsiCo Việt Nam.
Giai đoạn 2020 – 2021, dù ghi nhận doanh thu thuần có xu hướng giảm, song Tân Hiệp Phát vẫn đều đặn báo lãi trên 2.000 tỉ đồng, qua đó trở thành doanh nghiệp có hiệu quả kinh doanh vào loạt tốt nhất trong ngành.
Theo tính toán của VietTimes, năm 2021, với 100 đồng doanh thu, Tân Hiệp Phát thu về tới 28 đồng lợi nhuận, thì Suntory PepsiCo Việt Nam hay Coca-Cola Việt Nam chỉ thu về từ 8-12 đồng lợi nhuận.
Như VietTimes từng phân tích, trong khi nhiều doanh nghiệp thường giữ lại lợi nhuận để tái đầu tư thì gần như toàn bộ lợi nhuận được phân phối lại cho nhà chủ Tân Hiệp Phát Trần Quí Thanh.
Có ‘núi tiền’ trong tay, họ đã đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác, trong đó có bất động sản./.