Cách Garena vào Việt Nam

VietTimes – Về mặt giấy tờ, Sea Limited mới chỉ bắt đầu tham gia sở hữu Esport., JSC và  CTCP Giải trí và Thể thao Điện tử Việt Nam từ ngày 20/4/2017; Tỷ lệ sở hữu cũng mới chỉ giới hạn ở 30%. Nhưng…
Hầu như game thủ Việt nào cũng sẽ biết Garena. (Ảnh: Techasia)
Hầu như game thủ Việt nào cũng sẽ biết Garena. (Ảnh: Techasia)

Hẳn không nhiều game thủ Việt biết đến Sea. Nhưng nói đến Garena, hầu như ai cũng biết.

Thực tế, Sea hay Garena cũng chỉ là một. Trước ngày 8/4/2017, nó là Garena; Còn từ ngày 8/4/2017, Garena Interactive Holding Limited đã chính thức đổi tên thành Sea Limited.

Sea Limited được sáng lập bởi một chàng trai nghiện game và nhút nhát người Thiên Tân - Trung Quốc. Nhưng nó chẳng phải là công ty của Trung Quốc và thị trường của nó cũng chẳng phải đại lục.

Li Xiaodong, “cha đẻ” của Garena, đã chọn Singapore – một trung tâm khởi nghiệp của thế giới – để bắt đầu giấc mơ. Doanh nhân 39 tuổi này đăng ký quốc tịch và trở thành công dân Singapore, anh mang cái tên mới Forrest Xiaodong Li – “Forrest” ở đây được lấy cảm hứng từ Forrest Gump, thần tượng của Li.

Garena vì thế được coi như một start-up của Singapore – nơi nó đặt trụ sở chính. Nhưng giống với nhiều tập đoàn công nghệ khác (như Tencent Holdings Limited chẳng hạn), trên giấy tờ, Sea Limited (và kể cả Garena Interactive Holding Limited trước đây) lại được đăng ký pháp nhân tại Cayman Islands – một “thiên đường thuế”.

Garena hướng đến thị trường gần 600 triệu dân, mà nó gọi là GSEA (Greater Southeast Asia) – bao gồm 7 nước và vùng lãnh thổ: Indonesia, Đài Loan, Việt Nam, Thái Lan, Philippines, Malaysia và Singapore.

Cách Garena vào Việt Nam ảnh 1Sea là start-up “khủng” nhất Đông Nam Á. Hãy nhớ như vậy! (Ảnh: Sea)

Khởi nghiệp với các sản phẩm và ứng dụng game online, nhưng Sea giờ đây không chỉ có game. Garena platform chỉ là một trong 3 trụ của start-up 7 năm tuổi.

Bên cạnh mảng giải trí số và game online (Digital Entertainment) với trụ Garena, Sea còn phát triển mảng thương mại điện tử (e-commerce) với trụ Shopee e-commerce platform; và dịch vụ thanh toán số (digital financial services) với trụ AirPay platform.

Ấn tượng là cả 3 trụ - Garena, Shopee, AirPay – của Sea đều đang đứng đầu trong các lĩnh vực của mình tại GSEA (theo các kết quả công bố của Newzoo and Niko Partner, Frost & Sullivan, IDC).

Sea là start-up “khủng” nhất Đông Nam Á. Hãy nhớ như vậy!

Ngày 20/10/2017 vừa rồi, Sea Limited đã hoàn tất đợt IPO trên sàn chứng khoán New York. Phiên đấu giá đã thành công ngoài mong đợi. Toàn bộ 58,96 triệu ADSs (American depositary shares) – mỗi ADS đại diện cho một cổ phiếu phổ thông loại A (Class A) mệnh giá 0.0005 USD/cổ phiếu của Sea Limited - đã được IPO với giá lên đến 15 USD/ADSs - cao hơn đáng kể so với dự tính ban đầu là từ 12 - 14 USD/ADSs.

Thương vụ đã đem về cho Sea tới 884 triệu USD. Nhưng tổng lượng tiền thu được thực tế có thể lên tới hơn 1 tỷ USD, khi Sea đã cấp thêm cho các nhà bảo lãnh phát hành quyền chọn mua 8,844 triệu ADSs khác.

Như vậy, với hơn 268 triệu cổ phiếu phổ thông (ordinary shares) lưu hành, giá trị của Sea Limited đã được định giá ở mức hơn 4 tỷ USD.

(Tổng hợp và biểu đồ: N.G)(Tổng hợp và biểu đồ: N.G)

Cách Garena vào Việt Nam

Garena Interactive Holding Limited (Garena) được thành lập ngày 08/05/2009. Và gần như ngay lập tức, “cánh tay nối dài” của nó đã được hình thành ở Việt Nam. Đó là CTCP Phát triển Thể thao Điện tử Việt Nam (Esport., JSC).

Esport., JSC thành lập ngày 09/06/2009 – tức là chỉ sau Garena Interactive Holding Limited khoảng một tháng.

Nhìn đơn thuần vào đăng ký kinh doanh, sẽ chẳng dấu hiệu nào cho thấy đây là một thành viên của startup đình đám bên Singapore. Mãi đến trung tuần tháng 4/2017, Esport., JSC vẫn là một pháp nhân thuần Việt: Đăng ký trụ sở trong một con ngách nhỏ trên đường Văn Cao (Hà Nội); Toàn bộ 80 tỷ đồng vốn điều lệ do 3 công dân Việt Nam – cùng họ Mai - đứng tên (Mai Thanh Bình (99%); Mai Thị Hòa (0,5%); Mai Minh Huy (0,5%)); do ông Phùng Đắc Quang làm Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật.

Sau Esport., JSC, Garena tiếp tục có thêm một “cánh tay nối dài” nữa ở Việt Nam, là CTCP Tin học Hòa Bình (Hòa Bình) – thành lập ngày 10/05/2011; Trụ sở lại trên một con ngách nhỏ, nhưng lần này là ở phố Đội Cấn. 

Hòa Bình vốn cũng là một pháp nhân thuần Việt. Cái tên “Hòa Bình” rất có thể được ghép từ bộ đôi cổ đông họ Mai của công ty, là bà Mai Thị Hòa và ông Mai Thanh Bình – cũng là những người đã lập nên Esport., JSC. Tuy sau này Hòa Bình có đổi sang tên mới CTCP Giải trí và Thể thao Điện tử Việt Nam, thì mãi đến trung tuần tháng 4/2017, bà Hòa (99%) và ông Bình (0,5%) vẫn sở hữu tổng cộng đến 99,5% số vốn điều lệ 9 tỷ đồng của công ty. 0,5% còn lại thuộc sở hữu của ông Lê Quang Trà. Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của CTCP Giải trí và Thể thao Điện tử Việt Nam hiện cũng là ông Phùng Đắc Quang (SN: 1980) – người nắm cương vị tương tự tại Esport., JSC. Trước đó, bạn của ông Quang – ông Mai Thanh Bình (SN: 1981) – cũng từng có thời gian làm người đại diện cho hai pháp nhân này.

Cách Garena vào Việt Nam ảnh 3Văn phòng Vietnam Esport tại Tp. HCM. (Ảnh: Internet)

Theo các thông tin đã công bố, Esport., JSC và  CTCP Giải trí và Thể thao Điện tử Việt Nam là hai đơn vị phân phối độc quyền các sản phẩm, dịch vụ, nền tảng công nghệ của Garena trên lãnh thổ Việt Nam. Và với xuất phát điểm thuần Việt như đã nêu, nhiều người sẽ cho rằng, Esport., JSC và  CTCP Giải trí và Thể thao Điện tử Việt Nam chỉ đơn thuần là những đối tác kinh doanh – nguyên nghĩa - của Garena tại Việt Nam.

Vấn đề có thể không đơn giản như thế!

Bắt đầu từ ngày 20/04/2017, cả Esport., JSC và  CTCP Giải trí và Thể thao Điện tử Việt Nam đều không còn tính thuần Việt trong cơ cấu sở hữu. Cả hai cùng xuất hiện cổ đông ngoai - cùng là những tổ chức đến từ Singapore, cùng có tỷ lệ 30% vốn nước ngoài và 70% vốn tư nhân trong nước.

Cụ thể, với Esport., JSC là cổ đông ngoại Airpay Private Limited (nắm 2,4 triệu cổ phần, chiếm 30% vốn điều lệ Esport., JSC). Còn với CTCP Giải trí và Thể thao Điện tử Việt Nam là cổ đông ngoại Garena Vietnam Private Limited (nắm 270 nghìn cổ phần, chiếm 30% vốn điều lệ). Theo tìm hiểu của VietTimes, Airpay Private Limited và Garena Vietnam Private Limited đều có chung một “gốc” – cùng là các công ty con tại Singapore do Sea Limited sáng lập và sở hữu 100% vốn điều lệ. Hay nói cách khác, Sea Limited đã trực tiếp sở hữu 30% cổ phần của Esport., JSC và CTCP Giải trí và Thể thao Điện tử Việt Nam. 70% còn lại vẫn được đứng tên sở hữu bởi các các cá nhân, tổ chức Việt Nam.

Đồng thời với sự xuất hiện của Sea, bộ đôi cổ đông họ Mai – Mai Thị Hòa và Mai Thanh Bình - lại bất ngờ rút lui và chấm dứt hoàn toàn quan hệ sở hữu đối với Esport., JSC và CTCP Giải trí và Thể thao Điện tử Việt Nam – hai doanh nghiệp do họ đứng tên sáng lập và sở hữu gần như tuyệt đối.

30% cổ phần mà Sea Limited sở hữu tại Esport., JSC và CTCP Giải trí và Thể thao Điện tử Việt Nam chính là có nguồn gốc từ bộ đôi cổ đông họ Mai này.

Đến đây, sẽ có người băn khoăn, rằng liệu ông Mai Thanh Bình và bà Mai Thị Hòa đã được Sea Limited trả bao nhiêu cho thương vụ, nhất là khi giao dịch lại được thực hiện ngay trước thềm IPO (?). Đây sẽ là một câu chuyện rất thú vị mà VietTimes sẽ kể trong kỳ tiếp theo./.

Đón đọc: “VIEs và “Key Employee” Mai Thanh Bình