Các trận đấu tại EURO 2020 - lỗ hổng lớn trong công tác phòng chống COVID-19 của châu Âu?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Giải EURO 2020 là sự kiện thể thao quốc tế lớn nhất kể từ sau đại dịch, được tổ chức tại 11 thành phố 10 quốc gia châu Âu. Đã có các dấu hiệu cho thấy đây có thể là lỗ hổng lớn để dịch bệnh tái bùng phát.
WHO lo ngại giải EURO2020 sẽ là lỗ hổng lớn khiến dịch COVID-19 tái bùng phát ở châu Âu (Ảnh: Reuters).
WHO lo ngại giải EURO2020 sẽ là lỗ hổng lớn khiến dịch COVID-19 tái bùng phát ở châu Âu (Ảnh: Reuters).

Bộ Y tế Phần Lan hôm 29/6 chỉ ra rằng ít nhất 300 cổ động viên nước này đã được chẩn đoán nhiễm COVID-19 khi họ trở về nhà sau khi xem trận đấu ở St.Petersburg, Nga. Ngoài việc đánh thức sự chú ý của thế giới bên ngoài đối với sự nóng lên của dịch bệnh ở Nga, họ còn lo ngại rằng giải bóng đá châu Âu có thể trở thành một lỗ hổng lớn trong công tác phòng chống dịch bệnh ở châu Âu.

Tình hình dịch bệnh ở Nga gần đây đã trở nên tồi tệ, với 24.439 ca nhiễm mới được xác nhận trong ngày 3/7, lập mức cao mới. Số trường hợp được xác nhận ở thủ đô Moscow hôm 18/6 cũng tăng gấp ba lần chỉ trong vòng vài ngày, với hơn 9.000 ca/ngày, thành phố lớn thứ hai St.Petersburg có thêm 110 trường hợp tử vong vào ngày 28/6, thiết lập một kỷ lục mới. Thị trưởng Moscow Sergei Sobyanin cho rằng sự gia tăng số ca lây nhiễm có liên quan đến virus biến thể Delta lần đầu tiên xuất hiện ở Ấn Độ và quyết định đóng cửa khu vực dành cho người hâm mộ (Fanzone) giải EURO 2020.

Ít nhất 300 cổ động viên Phần Lan đã lây nhiễm COVID-19 sau khi xem trận cầu ở St. Peterburg (Nga) trở về (Ảnh: Reuters).

Ít nhất 300 cổ động viên Phần Lan đã lây nhiễm COVID-19 sau khi xem trận cầu ở St. Peterburg (Nga) trở về (Ảnh: Reuters).

Thành phố Moscow trong tuần qua đã ban hành một số hạn chế mới, bao gồm yêu cầu những người trong các ngành công nghiệp không thiết yếu làm việc ở nhà, đóng cửa một số lượng lớn các địa điểm công cộng và tiêm chủng bắt buộc cho nhân viên các ngành dịch vụ. Tuy nhiên, kể từ khi chương trình tiêm chủng vaccine COVID-19 bắt đầu vào tháng 12/2020, tỷ lệ tiêm phòng của người dân địa phương vẫn ở mức thấp. Trong số 12 triệu người ở Moscow, mới chỉ có khoảng 15% được tiêm liều vaccine đầu tiên, trong khi trên cả nước cũng chỉ có 13% trong số 146 triệu người dân đã tiêm liều vaccine thứ nhất.

Chính quyền thành phố St.Petersburg cũng đã công bố một đợt hạn chế mới để đối phó với dịch bệnh, bao gồm giảm số lượng người hâm mộ tại tất cả các Fanzone trong thành phố từ 5.000 xuống 3.000, đóng cửa một số điểm tham quan, và công chúng nếu họ muốn tham gia sự kiện trên 75 người phải trình giấy chứng nhận âm tính về xét nghiệm axit nucleic SARS-CoV-2 trong vòng 3 ngày, v.v.

Dịch COVID-19 đang tăng rất nhanh ở Nga (Ảnh: Reuters).

Dịch COVID-19 đang tăng rất nhanh ở Nga (Ảnh: Reuters).

Anh, một quốc gia đăng cai tổ chức EURO 2020 khác, dịch bệnh đã tái bùng phát liên tục trong những ngày gần đây với mức trên 20.000 người được chẩn đoán nhiễm mới mỗi ngày (ngày 2/7: 26.979 ca, ngày 3/7: 24.885 ca) và hầu hết các ca mới nhiễm đều là virus biến thể Delta. Trước thực tế là các trận bán kết và chung kết EURO 2020 sẽ được tổ chức ở Anh, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi các thành phố đăng cai tổ chức, nơi dịch đang nóng lên nên cần nhanh chóng hành động. WHO cũng bày tỏ quan ngại về việc nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch tại các thành phố đăng cai tổ chức giải, đồng thời chỉ ra rằng WHO đã nhận thấy xu hướng gia tăng dịch bệnh trong khu vực.

Vào lúc dịch bệnh ngày càng nóng lên, nhưng phía Anh lại thông báo sẽ cho phép tăng số cổ động viên vào sân từ 40.000 lên 60.000, tức là 75% sức chứa của sân vận động Wembley. Tất cả những người vào sân sẽ phải có giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính hoặc là người đã tiêm hai liều vaccine trong vòng14 ngày trước đó.

Thành phố Budapest cho phép người hâm mộ vào kín sân trong tất cả các trận cầu (Ảnh: Reuters).

Thành phố Budapest cho phép người hâm mộ vào kín sân trong tất cả các trận cầu (Ảnh: Reuters).

Mặc dù các nhà lãnh đạo nhiều quốc gia châu Âu yêu cầu các nhà chức trách thể thao xem xét lại việc chọn London, Anh là địa điểm tổ chức các trận bán kết và chung kết, nhưng UEFA không có ý định thay đổi địa điểm và nhắc lại: "UEFA, Liên đoàn bóng đá Anh và nhà chức trách Anh đang hợp tác chặt chẽ để các trận bán kết và trận chung kết sẽ được tổ chức tại sân vận động Wembley”. Không chỉ vậy, UEFA cũng đang thảo luận với chính phủ Anh để miễn trừ cho khoảng 2.500 khách VIP, bao gồm các quan chức UEFA, FIFA, các chính trị gia và các nhà tài trợ quảng cáo, không phải áp dụng các biện pháp kiểm dịch khi tới dự khán trận chung kết.

Các nước phòng dịch rất khác nhau

Khác với những lần trước đây thường chỉ do một hoặc hai quốc gia chính tổ chức, Giải vô địch châu Âu EURO 2020 năm nay được tổ chức tại 11 thành phố của 10 quốc gia, bao gồm Baku ở Azerbaijan, Copenhagen ở Đan Mạch, London và Glasgow ở Vương quốc Anh, Munich ở Đức, Budapest ở Hungary, Rome ở Italy, Amsterdam ở Hà Lan, Bucharest ở Romania, St. Petersburg ở Nga và Seville ở Tây Ban Nha.

Tỷ lệ tiêm phòng vaccine COVID-19 thấp ở châu Âu khiến WHO lo ngại (Ảnh: Reuters).

Tỷ lệ tiêm phòng vaccine COVID-19 thấp ở châu Âu khiến WHO lo ngại (Ảnh: Reuters).

Các biện pháp phòng chống dịch của mỗi quốc gia rất khác nhau và số lượng cổ động viên được phép vào sân vận động cũng khác nhau. Ví dụ, tại Amsterdam ở Hà Lan, Bucharest ở Romania, Copenhagen ở Đan Mạch và Glasgow ở Vương quốc Anh sẽ chỉ cho phép người hâm mộ vào sân ở mức từ 25% đến 33% sức chứa của sân vận động. Ngoài ra, hầu hết các quốc gia đăng cai đều áp đặt những hạn chế nghiêm ngặt đối với người hâm mộ nước ngoài. Ví dụ, Azerbaijan cấm công dân các nước không phải là quốc gia có đội tuyển thi đấu nhập cảnh để giảm nguy cơ lây nhiễm chéo. Đối với một số trận, người hâm mộ cần phải có giấy chứng nhận kiểm tra âm tính trước khi vào sân vận động.

Trong khi đó, Hungary và Nga lại miễn trừ các hạn chế nhập cảnh hoặc phòng chống dịch bệnh, chỉ cần người hâm mộ cầm vé Euro Cup, họ có thể vào các nước này mà không bị cản trở và chỉ cần xét nghiệm virus trước khi vào sân vận động. Thành phố Budapest, Hungary còn cho phép khán giả vào chật kín sân; thành phố St.Petersburg, Nga cũng cho phép người vào sân ít nhất 50% sức chứa, mức thoải mái hơn nhiều quốc gia khác.

Các hoạt động của người hâm mộ bên ngoài sân cỏ cũng làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 (Ảnh: Reuters).

Các hoạt động của người hâm mộ bên ngoài sân cỏ cũng làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 (Ảnh: Reuters).

Với việc thực hiện rộng rãi kế hoạch tiêm chủng, tình hình dịch bệnh ở châu Âu đã được cải thiện trong hai tháng qua, nhưng WHO nhắc nhở vẫn phải cảnh giác. Ông Hans Kluge, Giám đốc khu vực châu Âu của WHO, đầu tháng 6 đã cảnh báo: “Mặc dù chúng ta đã đi được một chặng đường dài, nhưng vẫn chưa đủ.” Ông cho rằng tỷ lệ tiêm vaccine ở châu Âu vẫn còn rất thấp và không thể ngăn chặn được sự bùng phát trở lại của bệnh dịch.

Lo sợ trở thành điểm nóng bùng phát biến thể Delta

Trên thực tế, các trận đấu giải EURO 2020 được tổ chức tại nhiều quốc gia, mục đích ban đầu là để các quốc gia cùng chia sẻ chi phí cho giải đấu dưới thời dịch bệnh. Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh, giải đấu diễn ra trên diện rộng như vậy cũng sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra dịch. Trên thực tế, kể từ khi giải bắt đầu diễn ra vào ngày 11/6, nhiều quốc gia đã ghi nhận các trường hợp người hâm mộ bị lây nhiễm COVID-19 sau khi xem trận đấu, cho thấy nguy cơ bùng nổ dịch vẫn tồn tại và các loại virus biến thể như Delta càng làm tăng thêm các rủi ro liên quan.

Ví dụ, chính phủ Đan Mạch đã phát hiện 29 trường hợp nhiễm COVID-19 liên quan đến trận cầu ở Copenhagen, có người đã bị bệnh khi xem trận đấu hoặc bị nhiễm sau trận đấu. Ngoài ra, tại Hungary, một gia đình người Pháp cũng được chẩn đoán nhiễm COVID-19 sau khi xem trận Pháp – Hungary; sau trận đấu, cũng có các cầu thủ các đội Tây Ban Nha và Thụy Điển đã được chẩn đoán lây bệnh.

Những người hâm hộ di chuyển qua nhiều quốc gia cũng là nguyên nhân làm dịch lây lan (Ảnh: Reuters).

Những người hâm hộ di chuyển qua nhiều quốc gia cũng là nguyên nhân làm dịch lây lan (Ảnh: Reuters).

Trong số các thành phố chủ nhà, thành phố St. Peterburg của Nga được coi là tình hình dịch bệnh nghiêm trọng nhất. Các nhà chức trách Phần Lan vẫn chưa rõ liệu những người hâm mộ nước này được xác nhận mắc COVID-19 đã bị lây nhiễm trong sân vận động hay ở những nơi khác, chẳng hạn như trong hành trình hay trong thời gian đến và về từ sân vận động.

Trong khi đó, dịch bệnh ở Seville, Tây Ban Nha và Rome, Italy đã dịu đi, và không có trường hợp bị COVID-19 nào liên quan đến giải EURO 2020 được ghi nhận.

Điều hiển nhiên là giải châu Âu liên quan đến nhiều quốc gia, việc người hâm mộ đi qua nhiều quốc gia cũng sẽ tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm bệnh cao hơn. Các hoạt động ăn uống, hò hét cổ vũ và không đeo khẩu trang trong khi xem cũng sẽ làm gia tăng nguy cơ. Mặc dù các chuyên gia nói chung cho rằng nguy cơ mắc bệnh COVID-19 trong các hoạt động ngoài trời là tương đối thấp, bởi vì hầu hết họ đều giữ giãn cách xã hội và không khí trong lành sẽ làm loãng giọt bắn. Tuy nhiên, học giả nghiên cứu về khí dung người Đức Gerhard Scheuch chỉ ra rằng có nhiều nguy cơ thực sự đang tiềm ẩn trong sân vận động, đặc biệt là trong các khoang thuê bao riêng, thang máy và nhà vệ sinh là những nơi thông gió kém. Ông nói: "Nếu một người nhiễm bệnh phát tán SARS-CoV-2 ở đó, các giọt bắn nhỏ có thể lưu lại trong một thời gian dài hơn".

Việc sân Wembley (London) cho phép 60 ngàn khán giả vào xem các trận bán kết và chung kết khiến WHO lo lắng (Ảnh: Reuters).

Việc sân Wembley (London) cho phép 60 ngàn khán giả vào xem các trận bán kết và chung kết khiến WHO lo lắng (Ảnh: Reuters).

Một vấn đề khác lớn hơn có thể xảy ra trước và sau mỗi trận đấu. Hàng chục nghìn người hâm mộ sẽ đi xe buýt, tàu hỏa, máy bay và các phương tiện giao thông khác đến sân vận động, và họ cũng sẽ qua đêm trong các khách sạn hoặc la cà các quán bar.

Về việc Giải bóng đá châu Âu trở thành cái nôi của dịch bệnh, ông Gerhard Scheuch phân tích rằng ngay cả khi số lượng người tham dự các trận bán kết và chung kết ở London đã được nới lỏng, dự tính số người bị nhiễm bệnh là không thật lớn, vì đối tượng chủ yếu là người dân địa phương nên nguy cơ virus lây lan sang các khu vực khác của châu Âu không cao. Hơn nữa, một số chuyên gia cho rằng ngay cả khi không có giải EORO 2020 thì virus biến thể Delta cũng sẽ nhanh chóng trở thành virus chính ở các quốc gia khác.

(Theo Dwnews).