Để có thêm thông tin khách quan về vấn đề này, chúng tôi đã cuộc trao đổi với anh Kiều Trường Lâm - đồng tác giả của công trình trên:
PV: Trước hết, xin hỏi anh: Vì lý do gì hai tác giả Trần Tư Bình và Kiều Trường Lâm lại sáng tạo ra Chữ Việt Nam song song 4.0 (CVNSS 4.0)?
Anh Kiều Trường Lâm: Cá nhân tôi đã tự nghiên cứu về vấn đề này từ rất nhiều năm trước. Tôi tình cờ quen thầy Trần Tư Bình trên mạng Internet qua những bài viết về Chữ Việt Nhanh của ông vào năm 2011. Sau đó, hai chúng tôi đã cùng thống nhất nghiên cứu để cho ra đời sản phẩm chung là CVNSS 4.0. Tôi xin trích lại cơ duyên ra đời CVNSS 4.0 do thầy Trần Tư Bình viết:
"Kiều Trường Lâm còn trẻ nhưng thích nghiên cứu ngôn ngữ. Năm 2012 đã gởi bài "Ký hiệu dấu cho Chữ Quốc ngữ" để nhờ tôi đăng trên website Chữ Việt Nhanh (CVN) của tôi http://chuvietnhanh.sourceforge.net/KyHieuDauChoChuQuocNgu.htm
CVN của tôi thì đi hướng rút gọn chữ Việt tối ưu nhưng vẫn còn dấu. Còn Ký hiệu dấu (KHD) của Lâm thì hướng về thay dấu cho Chữ Quốc ngữ (CQN) sao cho tối ưu.
Nhưng CQN còn nhiều từ quá dài nên Ký hiệu dấu của Lâm áp dụng vào cũng không gây hứng thú với tôi lúc đó.
Tháng 10 năm rồi (2019), công việc làm của Lâm thường làm việc ở nhà trên computer nhiều hơn. Lâm bèn học CVN và chat với tôi bằng CVN. Sau 1 tuần, Lâm nảy ra ý tưởng kết hợp 18 Kí hiệu dấu của Lâm vào CVN. Tự nhiên thấy ăn khớp và thế là Chữ VN Song Song 4.0 (CVNSS 4.0) ra đời một hai tuần sau đó, dù hai người đã biết công trình của nhau gần 10 năm.
Nói cách khác, CVNSS 4.0 là cách viết CVN không dấu. Ai đã biết CVN thì chỉ cần hiểu 18 quy ước Ký hiệu dấu là nhanh chóng hiểu CVNSS 4.0.
Nhận thấy nếu tích hợp CVNSS 4.0 vào phần mềm gõ để bung ra chữ Quốc ngữ ở điện thoại hay máy tính thì sẽ nhanh hơn nhanh hơn rất nhiều so với kiểu gõ Telex, VNI, v.v.. .
Vì vậy, Lâm và tôi xin bản quyền cho CVNSS 4.0.
Mà bản quyền vừa cấp xong thì báo chí thường tìm liên lạc để có đề tài viết báo, xem có gì hay, tựa như 3 năm trước Ts. Bùi Hiền được cấp bản quyền cho "Chữ Việt Cải tiến" của ông ấy. Báo chí đã tìm phỏng vấn Ts. Bùi Hiền và làm bức xúc dư luận thời đó.
Tương tự, từ khi CVNSS 4.0 được cấp bản quyền ngày 25/3/2020, hơn suốt tuần qua, báo chí đã tìm đến phỏng vấn Lâm rất nhiều vì Lâm là đồng tác giả chính của CVNSS 4.0. Tuy nhiên, vài tờ báo cũng phỏng vấn tôi để viết bài vì biết CVN là nền tảng của CVNSS 4.0”.
Đồng tác giả CVNSS 4.0 Kiều Trường Lâm tại Hội thảo do Viện Ngôn ngữ học tổ chức tháng 12/2020. Ảnh: NVCC |
PV: Về cơ bản, dư luận xã hội không đồng tình, tuy nhiên các tác giả CVNSS 4.0 lại rất quyết tâm và tích cực quảng bá. Xin anh cho biết một số kết quả đã đạt được trong thời gian qua?
Anh Kiều Trường Lâm: Với CVNSS 4.0 là sản phẩm chữ không dấu. Ngay chính các bạn và thế giới cũng phải thừa nhận rằng chữ không dấu sử dụng 26 chữ cái la tinh có hiệu quả như thế nào trong mọi ứng dụng thực tiễn của đời sống. Tại sao dư luận xã hội không đồng tình là vì: cái gì đã hình thành thói quen thì sẽ rất khó thay đổi hoặc ngại thay đổi. Đa số phản đối thay đổi thì sẽ đánh đổi hệ lụy như mù chữ, phát sinh nhiều chi phí hàng tỷ dollar, những giá trị về văn hóa lịch sử/tài liệu văn bản thì thế hệ tương lai sẽ không đọc được...
Tất nhiên tác giả hiểu hết điều đó trước khi công bố. Bản lĩnh của người Việt Nam dám nghĩ dám làm thì bạn phải chấp nhận dư luận xã hội. Cho dù dư luận xã hội phản ứng như thế nào thì chúng tôi cũng quyết tâm thực hiện tham vọng chinh phục toàn bộ người dân Việt Nam. Nếu thành công thì đó là một niềm tự hào Quốc gia và là niềm tự hào của dân tộc rằng Việt Nam chúng ta đã có bộ chữ viết không dấu sử dụng 26 chữ cái la tinh do chính người Việt Nam sáng tạo ra, mà nó có thể có nhiều ứng dụng trong đời sống thực tiễn. Tôi tin rằng Đảng và Chính phủ sẽ ủng hộ sản phẩm sáng tạo của người Việt.
Sau khi công bố khoảng 2 tuần thì tôi đã nhận được hơn 100 bạn độc giả nhắn riêng cho tôi ở facebook messenger xin học chữ CVNSS 4.0, sau đó vào tháng 6 chúng tôi đã tổ chức cuộc thi có thưởng "Chữ Việt Nhanh & Chữ VN Song Song 4.0" cách nhau 2 tháng mỗi đợt, mỗi cuộc thi có khoảng 50-60 bạn hưởng ứng tham gia. Có bạn đã thắng giải và nhận thưởng. Hiện tại chúng tôi đã tổ chức cuộc thi có thưởng đã bước sang cuộc thi lần thứ 5. Có bạn đã tham gia cuộc thi với hy vọng kiếm tiền để ủng hộ đồng bào miền Trung lũ lụt. Đây là điều đáng được trân trọng với tấm lòng cao cả của bạn ấy. Tôi hy vọng rằng sẽ có nhiều bạn tham gia hưởng ứng để cuộc thi ngày càng hấp dẫn và sôi nổi.
Với kết quả đạt được tuy là có chút khiêm tốn nhưng nó cũng nói lên vài điều rằng dù cả xã hội đang phản đối thì ở đâu có cũng có những bạn nhìn thấy được giá trị của CVNSS 4.0 thì họ lại muốn học thử. 100% sau khi học thử , các bạn đánh giá CVNSS 4.0 rất tuyệt vời. Có những bạn đã liên lạc cho tôi rất muốn học CVNSS 4.0 nhưng lại không có trường lớp để học, đa số các bạn không thể tham gia bình luận CVNSS 4.0 trên facebook vì e ngại bị người khác công kích.
PV: Chữ quốc ngữ hiện hành hiện đã rất thông dụng và dường như là không thể thay đổi. Vì sao các tác giả CVNSS 4.0 lại đặt mục tiêu cạnh tranh?
Anh Kiều Trường Lâm: Trước khi công bố CVNSS 4.0, tôi đã hiểu rằng cái gì đã ăn sâu vào thói quen của người dân thì rất khó có thể thay đổi. Vì giá trị thực tiễn của CVNSS 4.0 đã thôi thúc tôi muốn công bố nó ra công chúng để khảo sát xem CVNSS 4.0 có được chấp thuận hay là phản đối. Ít ra CVNSS 4.0 hiện tại đa phần là phản đối nhưng lại có vài trăm độc giả lại hứng thú học CVNSS 4.0 trong đó đã có độc giả làm thơ tặng tác giả Trần Tư Bình bằng CVNSS 4.0. Tính cạnh tranh chỉ có thể đạt được nếu CVNSS 4.0 có lượng lớn hàng chục triệu người sử dụng CVNSS 4.0.
Hiện tại tôi chỉ có thể đưa ra những công dụng, giá trị thực tiễn cũng như ứng dụng cho CNTT điều mà kỹ sư ở Nhật Bản đã nhận xét rằng CVNSS 4.0 có ứng dụng xử lý ngôn ngữ tự nhiên sẽ dễ dàng hơn rất nhiều so với Chữ Quốc ngữ (CQN). Những giá trị hiệu quả mà CVNSS 4.0 mang lại có thể điểm mạnh vô đối khắc phục điểm yếu của CQN trong trường hợp Chính phủ cho phép sử dụng song song như:
- Tên miền website: hiện tại tất cả tên miền website ở Việt Nam đều sử dụng không dấu. Khi bạn đã từng nghe về nó thì bạn mới đọc được đúng chính xác tên miền đó và cũng có lúc đọc hiểu lầm sang nghĩa xấu. Giả sử sử dụng tên miền bằng CVNSS 4.0 thì sẽ khắc phục hoàn toàn chữ và nghĩa trong tên miền.
Ví dụ:
CQN: quacau.net bạn sẽ phân vân quả cầu, qua cầu, quả cau. Sự lựa chọn của bạn sẽ là quả cầu nếu tác giả Website giới thiệu website có tên là quả cầu
CVNSS 4.0: qazcaud.net bạn sẽ không còn phân vân tên miền website có sự thay đổi khác biệt về chữ & nghĩa vì CVNSS 4.0: qaz = quả, caud = cầu.
Nhiều lúc tên miền website bằng CQN có những lúc không thể chọn được bằng những từ không dấu dễ gây hiểu lầm sang nghĩa đen như trong chữ Đảm Đang, Hiệp Đàm...thì bạn viết tên miền như thế nào mà không gây hiểu lầm sang nghĩa đen. Giả sử sang CVNSS 4.0: damzdagp.net, hiffdaml.net chúng ta đọc rõ ràng sẽ là đảm đang, hiệp đàm mà không có bất cứ khác biệt ngữ nghĩa nào.
- Nếu có một phiên bản CVNSS 4.0 sử dụng song song cho phiên bản Quốc tế thì tuyệt vời biết bao như tên trong thẻ ATM, Hộ chiếu, tên cầu thủ thể thao trên các kênh truyền hình Quốc tế, vv... giả sử viết bằng Chữ CVNSS 4.0 thì cho phép chúng ta đọc đúng chính xác.
Một bài thơ được viết bằng CVNSS 4.0 để tặng đồng tác giả Trần Tư Bình |
Thiết nghĩ chúng ta nên có một phiên bản Quốc tế để sử dụng trong một số nền tảng mà CQN chưa xử lý được hay xử lý còn hạn chế. Một độc giả là Lý Vĩ ở Bến Tre đã nhận xét và cho tôi ý kiến về CVNSS 4.0 ở phiên bản Quốc tế này:
"Hết sức trân trọng ý tưởng này. Phiên bản này nên dành riêng cho Quốc tế, người nước ngoài học viết Tiếng Việt và phát âm tiếng Việt là gần chuẩn nhất, dễ học, dễ viết và dễ phát âm nhất đối với người nước ngoài khi học ngôn ngữ tiếng Việt. Một phiên bản nên dành riêng cho Quốc Tế có thể trò chuyện với người Việt Nam ta! Vậy là đã gỡ bỏ rào cản ngôn ngữ. Họ cần ta, họ phải học ngôn ngữ của ta trong phiên bản này. Ta cũng nên tự hào khi cả Quốc tế sẽ học ngôn ngữ của ta. Tự hào chứ! Ngôn ngữ truyền thống của ta vẫn giữ nguyên, không thay đổi. Nhưng khi cần giao tiếp với thế giới, họ phải học ngôn ngữ của ta trong phiên bản Quốc tế này! Gỡ bỏ được rào cản ngôn ngữ, tức là sẽ kết nối. Có kết nối mới phát triển. Vậy tội tình gì không tạo điều kiện cho người nước ngoài học ngôn ngữ ta trong phiên bản dễ học, dễ học nhất đối với họ. Tóm gọn, phiên bản này sẽ phát huy tối đa ứng dụng của nó nếu sử dụng đúng vị trí và chức năng của nó. Không nên bắt người Việt Nam từ bỏ tiếng Việt truyền thống.. .Vì sao vậy? Vì tiếng Việt truyền thống ta là những câu từ sâu sắc nhất, tinh hoa nhất...cho nên chính người Việt Nam ta còn chưa hiểu hết ý nghĩa cơ mà, sao phải bỏ, sao phải nói là tiếng Việt truyền thống ta bị khiếm khuyết!? Lời nói tác giả ngôn ngữ VN 4.0 chưa chính xác chổ đó, còn phiên bản tiếng VN 4.0 này sẽ là hợp lý nhất nếu dành riêng cho Quốc tế muốn giao lưu, kết nối với đất nước Việt Nam ta.
Thân ái! Lý Vĩ”
PV: Các tác giả CVNSS 4.0 kỳ vọng gì về tương lai cho chính mình và có mong muốn gì về chính sách của Nhà nước?
Anh Kiều Trường Lâm: Với ý chí và bản lĩnh, chúng tôi có niềm tin rằng một ngày nào đó CVNSS 4.0 sẽ chinh phục thành công hàng chục triệu người dùng để từ đó người dùng có tầm ảnh hưởng tác động đến Đảng và Chính phủ cho phép CVNSS 4.0 được lưu hành song song.
Các tác giả sáng tạo ra bộ chữ 4.0 không nhằm mục đích thay thế CQN mà chỉ là để sử dụng song song hay có mục đích có ứng dụng nào đó cho CNTT. Cho dù như thế nào CVNSS 4.0 là sản phẩm của người Việt sáng tạo ra, dám nghĩ, dám làm và sẵn sàng chi tiền túi của mình để tổ chức cuộc thi có thưởng. Một vài người học chữ 4.0 và nhận thưởng để ủng hộ đồng bào miền Trung lũ lụt. Đây là hành động tuyệt vời của độc giả. Nếu một vài chuyên gia CNTT nói CVNSS 4.0 là què quặt, thì họ hãy chứng minh nó què quặt ở chỗ nào? Một tiến trình lịch sử CQN vào Việt Nam, các bạn thấy như thế nào?
Tại sao Alexandre De Rhodes là người sáng tạo ra CQN nhưng lại không được chấp thuận có tên đường ở Đà Nẵng? Tại sao CQN mới chỉ được thừa nhận chữ để ghi quốc ngữ. Tại sao CQN chưa được thừa nhận chữ viết hay Quốc tự của Việt Nam? (đây là quan điểm của các tác giả CVNSS 4.0). Tại sao chúng ta vẫn chưa thể gọi là chữ Việt? Có lẽ các chuyên gia đã hiểu được nguyên nhân vì sao? Với CVNSS 4.0 là sản phẩm sáng tạo của người Việt, các tác giả có quyền theo đuổi ước mơ sản phẩm của người Việt.
Bản chất của CVNSS 4.0 là sản phẩm với mục đích song song. Các bạn độc giả và chuyên gia hãy xem CQN ban đầu vào Việt Nam đã gặp nhiều chướng ngại thế nào? Có bị dân tình phản đối không? Cho đến khi thực dân Pháp xâm lược thì CQN mới có bước đi của nó. CQN là sản phẩm của một Chính phủ thì mới có được như ngày hôm nay. Còn CVNSS 4.0 là sản phẩm của cá nhân, một người dân trong nước kết hợp với người Việt yêu nước ở nước ngoài. Cho dù như thế nào CVNSS 4.0 xuất phát từ yếu tố người Việt làm ra nó và mong muốn chinh phục người dân Việt Nam dùng song song. Giả sử trong tương lai có thay thế CQN hay không, nó phải phụ thuộc vào tác giả chinh phục được bao nhiêu người dùng, người dùng có thích CVNSS 4.0 hay không? Người dùng có đề xuất Chính phủ cho phép thay thế hay không? Chính phủ có chấp thuận hay không?
Chẳng phải trước đây thời kỳ thực dân Pháp có 3 loại chữ song song sử dụng chung trong văn bản ở Việt Nam sao? CVNSS 4.0 đang trong quá trình quảng bá rộng rãi đến mọi đối tượng. Giả sử đến một giai đoạn nào đó đạt được hàng triệu độc giả thì chính độc giả mới chính là những người có tầm ảnh hưởng tác động đến Chính phủ có thay thế CQN hay không mà thôi. Chứ chúng tôi không nhằm mục đích thay thế CQN.
PV: Xin cám ơn anh đã trao đổi!