Mức thù lao 0 đồng cho các sếp VPI được thể hiện rõ trong Bảng quyết toán thù lao HĐQT, BKS năm 2017 đính kèm tờ trình.
“Tháng 10/2017, Công ty mới được công nhận là công ty đại chúng, tháng 11/2017, công ty mới niêm yết trên sàn giao dịch HNX nên không trích các khoản thù lao trên”, VPI lý giải.
Tuy nhiên, theo phương án thù lao HĐQT, BKS năm 2018 đính kèm tờ trình, thì trong năm 2018 này, các lãnh đạo chủ chốt của VPI sẽ không còn làm “không công”.
Cụ thể, VPI đã dự chi 1.032 triệu đồng để chi trả thù lao trong năm 2018, gồm 840 triệu đồng cho HĐQT và 192 triệu đồng cho Ban Kiểm soát.
Trong đó, 240 triệu đồng được dành chi cho Thù lao Chủ tịch HĐQT, 600 triệu đồng chi thù lao cho 5 thành viên HĐQT còn lại.
120 triệu đồng dành chi thù lao Trưởng Ban kiểm soát, 72 triệu đồng chi thù lao cho 2 thành viên Ban kiểm soát còn lại.
Cần thiết phải nói rằng, việc các sếp HĐQT và BKS chủ động nhận mức thù lao 0 đồng cho năm hoạt động 2017 là một điều nên ghi nhận – dù thời gian đảm trách nhiệm vụ của họ chỉ tính trong vài ba tháng.
Đặt biệt là đặt trong bối cảnh, VPI vừa trải qua kỳ kinh doanh 2017 nhiều thành công.
Theo Báo cáo của Hội đồng quản trị VPI, năm 2017, công ty ghi nhận tổng doanh thu 875,45 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 522,77 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 418,88 tỷ đồng; trong đó lợi nhuận sau thuế riêng công ty mẹ là 421,72 tỷ đồng.
Có một điểm cần nhấn mạnh đối với kết quả nêu trên, đó là tỷ lệ lợi nhuận trước thuế/tổng doanh thu (ROS) của VPI đã đạt tới 60%. Có nghĩa là cứ 10 đồng doanh thu của VPI trong năm 2017 sẽ mang về tới 6 đồng lợi nhuận trước thuế.
Một mức biên lợi nhuận quá đỗi ấn tượng! Nhất là khi kết quả lợi nhuận ấy chủ yếu được tạo lập từ doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (chứ không phải thu nhập đột biến từ hoạt động tài chính hay hoạt động khác).
Đáng nói hơn là giá trị lợi nhuận trước thuế ấy đã vượt đáng kể tổng chi phí của tập đoàn trong cùng kỳ (418,69 tỷ đồng).
Kể cả sau khi trừ thuế thu nhập doanh nghiệp, với mức lợi nhuận sau thuế hợp nhất 418,88 tỷ đồng – giá trị này vẫn lớn hơn tổng chi phí hoạt động.
Tỷ suất lợi nhuận ròng/doanh thu (hợp nhất) ở mức 47,8% đã đưa VPI trở thành mã có chỉ số ROS cao bậc nhất trong dòng cổ phiếu bất động sản trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Thực tế là rất khó để tìm ra mã địa ốc nào khác có ROS lớn hơn VPI.
Tuy nhiên, sang năm nay, mức ROS này sẽ được điều chỉnh đáng kể. Bởi theo kế hoạch kinh doanh đã được ĐHĐCĐ VPI đề ra cho năm 2018, chỉ tiêu doanh thu hợp nhất được kỳ vọng tăng trưởng 2,7 lần lên mức 2.333,76 tỷ đồng; trong khi chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế chỉ là 603,59 tỷ đồng. Song khách quan mà nói, kể cả với mức ROS dự kiến được điều chỉnh về ở 25,8% như thế - kết quả của VPI sẽ vẫn rất tích cực với các doanh nghiệp cùng ngành.
Tương tự, xét trên hiệu suất sử dụng vốn ROE (net income/shareholder equity), kết quả dự kiến của VPI cũng là rất ấn tượng.
Với mức vốn điều lệ đã được lãnh đạo VPI xác nhận là giữ nguyên ở mức 1.600 tỷ đồng trong năm 2018, cùng chỉ tiêu lợi nhuận ròng 603,59 tỷ đồng mà ĐHĐCĐ VPI vừa thông qua, tạm tính ROE của VPI sẽ đạt 37,7%. Có nghĩa mỗi 100 đồng vốn cổ phần ở VPI dự kiến sẽ sinh ra 37,7 đồng lợi nhuận trong năm 2018.
Mà đấy mới là tính theo các giá trị chỉ tiêu dự kiến. Còn thông thường, kết quả thực hiện của những công ty có nền tảng tốt như VPI thường sẽ đạt cao hơn kế hoạch.
Tại ĐHĐCĐ thường niên sáng 10/4, một cổ đông đã chất vấn lãnh đạo VPI về kế hoạch tăng vốn trong năm 2018. “Năm 2017, VPI đã tăng mạnh vốn điều lệ từ mức 262,2 tỷ đồng lên 1.600 tỷ đồng”, nữ cổ đông nhắc lại.
Giải đáp thắc mắc này, Phó Tổng Giám đốc VPI Phạm Hồng Châu khẳng định, VPI chưa có kế hoạch tăng thêm vốn trong năm 2018.
Theo vị lãnh đạo VPI, tất cả các nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm tài chính này, thực tế đã được VPI thu xếp trong nhiều năm. Do đó, VPI không có nhu cầu phát hành thêm cổ phần để gọi vốn.
Ông Châu cũng nhấn mạnh việc, VPI xác định quan điểm tăng trưởng bền vững, không lạm dụng việc sử dụng đòn bẩy. Thực tế, là một doanh nghiệp bất động sản – lĩnh vực vốn rất thâm dụng vốn – nhưng hệ số nợ/vốn chủ sở hữu của VPI đạt chưa đến 1 lần, trong đó giá trị nợ vay – cả dài hạn và ngắn hạn – chỉ khoảng 600 tỷ đồng.
Vị lãnh đạo phụ trách tài chính của VPI cũng giải thích rõ về hiện tượng tăng vốn được cho là “nóng” của công ty trong năm 2017. Rằng bản chất của việc tăng vốn này chủ yếu đến từ việc cấu trúc lại tập đoàn, trong đó có việc vốn hóa một số khoản nợ và mua lại một số dự án. Theo PTGĐ VPI, thực tế năm 2015, VPI có vốn điều lệ hơn 500 tỷ đồng đã đề ra mục tiêu tăng vốn lên 1.000 tỷ đồng vào năm 2016 và 1.600 tỷ đồng vào năm 2017. “Nhưng sau đó, vì hoạt động chia tách, công ty giảm vốn về còn 262.2 tỷ đồng vào cuối năm 2016”.
“Hoạt động tăng vốn trong năm 2017 thực chất là kết quả của một quá trình đã được chuẩn bị từ nhiều năm trước”, ông Châu nói.
Vừa lên HNX ít tháng, sao đã muốn chuyển sang HoSE?
Theo Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc VPI Tô Như Toàn, ngay từ đầu VPI đã xác định sẽ niêm yết cổ phiếu trên HoSE.
Tuy nhiên, vì chưa đáp ứng được một số tiêu chí về mặt kỹ thuật cho việc niêm yết trên sàn này, nên cuối năm 2017, VPI gửi hồ sơ niêm yết trước trên HNX.
Hiện tại, khi đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, VPI sẽ tiến hành các thủ tục để chuyển sang sàn mong muốn.
Ông Tô Như Toàn kỳ vọng việc chuyển niêm yết sang HoSE – sàn chứng khoán chuyên nghiệp và đòi hỏi những tiêu chuẩn niêm yết cao nhất Việt Nam – sẽ vừa tạo áp lực vừa là động lực thúc đẩy quá trình chuyên nghiệp hóa, minh bạch hóa, nâng cao trình độ quản trị, điều hành cho VPI.
Chủ tịch VPI cũng kỳ vọng việc chuyển niêm yết sang HOSE sẽ giúp quảng bá tốt hơn cho thương hiệu Văn Phú, đưa VPI đến với nhiều hơn nhà đầu tư và khách hàng, nhất là khi VPI đang triển khai kế hoạch mở rộng hoạt động sang khu vực phía Nam mà trước hết là Tp. HCM.
“Văn Phú là một thương hiệu có tiếng trong làng bất động sản Hà Nội từ nhiều năm nay. Nhưng sự thực, thương hiệu này vẫn chưa được nhiều khách hàng phía Nam và Tp. HCM biết đến. Cũng như VPI vẫn còn khá mới trên thị trường chứng khoán Việt Nam”, ông Toàn đánh giá./.