Theo Bloomberg, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak nói với một kênh truyền hình Nga: “Chúng tôi đã đồng ý rằng tất cả các cuộc thảo luận sẽ hoàn tất vào ngày 1.3 tới đây”. Các quốc gia công khai ủng hộ thỏa thuận cung cấp đến 3/4 lượng dầu thô thế giới, vì thế, đây sẽ là “một tín hiệu tích cực” cho thị trường, ông Novak cho biết.
Ả Rập Xê Út, Nga, Venezuela và Qatar đã đạt được thỏa thuận sơ bộ tại cuộc đàm phán ở Doha trong tuần này nhằm đóng băng hạn ngạch dầu thô ở mức của tháng 1, nếu các nước khác cũng làm điều tương tự.
Thành công đáng chú ý của thỏa thuận nằm ở thái độ của Iran, nước trước đó tuyên bố tăng sản lượng thêm 1 triệu thùng/ngày sau khi được dỡ bỏ các lệnh cấm vận quốc tế. Iran đã tỏ ra “có tính xây dựng” về kết quả đàm phán ở Doha, dù không đưa ra bất cứ tín hiệu nào về việc có tham gia thỏa thuận hay không, ông Novak cho hay.
Tham vấn ý kiến của các nước không phải là thành viên Tổ chức xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) như Na Uy và Mexico cũng đem lại kết quả tích cực.
Interfax đưa tin ông Vladimir Voronkov, phái viên của Nga đến đám phán với OPEC ở Vienna (Áo) cho biết các cuộc thảo luận giữa Nga và OPEC về chuyện cắt giảm sản lượng vẫn không đủ để loại trừ khả năng thị trường dầu mỏ tiếp tục xấu đi.
Thỏa thuận ở Doha là động thái phối hợp hành động đầu tiên giữa hai nhà sản xuất lớn nhất (Nga và Ả Rập Xê Út) trong hơn một thập niên. Chuyện nhất trí đóng băng sản lượng chỉ là khởi điểm của quá trình sẽ tiến thêm nhiều bước trong những tháng tới, Bộ trưởng Dầu mỏ Ả Rập Xê Út Ali al-Naimi tuyên bố. Mức giá 50 USD/thùng dầu là chấp nhận được đối với nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng trong dài hạn.
Theo Thanh Niên