Giá dầu thô đã “lao dốc” hơn 70% trong 18 tháng qua, trong bối cảnh OPEC, mà chủ yếu là “ông lớn” Saudi Arabia, kiên quyết từ chối cắt giảm sản lượng nhằm đánh bật các đối thủ khác ra khỏi “cuộc đua” giành thị phần dầu mỏ bất chấp nguồn cung dôi dư.
Hiện giá dầu chỉ còn giao dịch ở mức 30 USD/thùng, thay vì khoảng 50 USD/thùng năm 2015 và khoảng 100 USD/thùng hồi giữa năm 2014.
Khủng hoảng giá dầu đã gây thiệt hại nặng nề tới các nền kinh tế vốn phụ thuộc nhiều vào nguồn thu từ xuất khẩu “vàng đen” như Nigeria và Venezuela. Ngay cả Saudi Arabia cũng đang phải huy động mọi nguồn lực nhằm chống đỡ với việc nguồn thu từ dầu mỏ giảm mạnh.
Trong một thông tin khác, Bộ trưởng Năng lượng Algeria Salah Khebri cho biết Algeria đang đàm phán với các nước trong và ngoài OPEC nhằm tìm ra một thỏa thuận giúp ổn định thị trường dầu mỏ và vực dậy giá dầu.
Theo ông Khebri, các cuộc tiếp xúc đang diễn ra nhằm mục tiêu ổn định thị trường dư cung, trong lúc nhu cầu thấp và tốc độ hồi phục kinh tế thế giới còn “mong manh”. Những cuộc đàm phán này nhằm tạo ra sự đồng thuận giữa các nước sản xuất nhằm giảm sản lượng.
Ông Khebri nói các cuộc đàm phán này không chỉ giới hạn trong khuôn khổ với các nước thuộc OPEC, mà còn được thực hiện với các nước sản xuất dầu lớn khác ngoài OPEC như Nga.
Ông Khebri cho rằng OPEC đang bị mất thị phần, giảm từ 44% trong những năm 1990 xuống còn 31% hiện nay và điều quan trọng là cần phải thuyết phục các nước ngoài OPEC tham gia vào tiến trình giảm sản lượng.
Nga, Saudi Arabia quyết không tăng sản lượng khai thác dầu
Nga và Saudi Arabia đã nhất trì giữ nguyên sản lượng khai thác dầu thô ở mức như tháng 1 vừa qua nhằm ổn định thị trường dầu mỏ thế giới.
Cơ sở khai thác dầu của Công ty Aramco ở Khouris, Saudi Arabia. Ảnh: AFP/TTXVN.
Quyết định này được đưa ra sau cuộc họp ngày 16/2 tại Doha giữa Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak và người đồng cấp Saudi Arabia, Ali al-Naimi, cùng với sự tham gia của các người đồng cấp của Qatar và Venezuela.
Bộ trưởng Dầu mỏ Qatar, Mohammed bin Saleh al-Sada - người hiện giữ chức quyền Chủ tịch Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), xác nhận rằng các Bộ trưởng dầu mỏ của Nga và Saudi Arabia cùng những người đồng cấp của Venezuela và Qatar “đã nhất trí duy trì mức sản xuất dầu mỏ của tháng 1 với điều kiện các nhà sản xuất lớn khác cũng phải tuân theo quyết định này”.
Ông al-Sada nhận định: “Bước đi này đồng nghĩa với việc ổn định thị trường dầu mỏ”, đồng thời cho biết các bộ trưởng đã xem xét lại tình hình thị trường dầu mỏ, cũng như triển vọng cung - cầu của mặt hàng này.
Ngay sau thông tin về quyết định trên, tại London (Anh), giá dầu Brent Biển Bắc đã tăng 81 cent Mỹ lên mức 34,2USD/thùng. Trước đó vài giờ, giá dầu Brent tại thị trường Singapore đã tăng 1,30 USD, tương đương 3,89%, lên mức 34,69 USD/thùng.
Kể từ tháng 6/2014, giá dầu đã lao dốc khoảng 70% do tình trạng cung vượt cầu cũng như những quan ngại về viễn cảnh kinh tế toàn cầu. Giá dầu giảm mạnh trong năm ngoái chủ yếu do sản lượng dầu của Mỹ “bùng nổ” và OPEC muốn đẩy mạnh xuất khẩu để bảo vệ thị phần.
Theo TTXVN