|
Rác thải nhựa tiêu dùng. Ảnh E&T |
Nhóm chuyên gia đưa ra Lời kêu gọi Liên Hợp Quốc thiết lập mục tiêu chấm dứt ô nhiễm nhựa khi các nhà lãnh đạo toàn thế giới thảo luận về những thách thức của biến đổi khí hậu tại hội nghị thượng đỉnh COP27 ở Ai Cập.
Nhóm nghiên cứu từ Đại học Hampshire tư vấn cho Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc, G20 và Ngân hàng Thế giới về chính sách nhựa, bao gồm cấu trúc và nội dung có thể có trong một Hiệp ước toàn cầu về giải quyết ô nhiễm nhựa.
Giáo sư Steve Fletcher, giám đốc Trung tâm Chính sách Nhựa Toàn cầu tại Đại học Portsmouth, đã đưa ra lời kêu gọi Liên Hợp Quốc thực hiện “cam kết dũng cảm” trong Bộ luật sắp tới về ô nhiễm nhựa.
Tháng 3/2022, các quốc gia thành viên LHQ nhất trí thông qua ủy quyền cho Ủy ban Đàm phán Quốc tế (INC) xây dựng Hiệp ước ràng buộc pháp lý của LHQ về ô nhiễm nhựa. INC sẽ bắt đầu thực hiện thỏa thuận trong nửa cuối năm 2022, với tham vọng hoàn thành vào cuối năm 2024.
Inger Andersen, giám đốc điều hành Chương trình Môi trường LHQ cho biết, thỏa thuận này là thỏa thuận môi trường đa phương quốc tế quan trọng nhất kể từ Hiệp định khí hậu Paris. Nhưng các chuyên gia thuộc Đại học Hampshire kêu gọi hiệp ước phải bao gồm những mục tiêu đầy tham vọng liên quan đến vấn đề ô nhiễm nhựa trên hành tinh.
“Mục tiêu của hiệp ước phải đầy đủ tham vọng và có ý nghĩa, chúng tôi đang kêu gọi Liên Hợp Quốc hướng tới mục tiêu tối thiểu là 0% ô nhiễm nhựa mới vào năm 2040,” ông viết trên tạp chí Nature Reviews Earth And Environment.
“Để đạt được điều này, các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp, nhà nghiên cứu và toàn bộ xã hội phải vượt ra ngoài khuôn khổ công nghệ và thực tiễn tốt nhất hiện có, phải quyết liệt trong trong tư duy và hành động để phát triển một chiến lược toàn cầu, phối hợp giải quyết ô nhiễm nhựa.”
Bản chất tồn tại lâu bền của những sản phẩm nhựa, thường được thiết kế để sử dụng một lần, dẫn đến sự lãng phí vô cùng lớn, đặc biệt liên quan đến bao bì nhựa cho hàng tiêu dùng và công nghiệp đồng thời gây tác động nguy hiểm cho môi trường.
Theo số liệu của LHQ, từ năm 1950 đến năm 2017, ô nhiễm nhựa tăng từ 2 triệu tấn lên 348 triệu tấn. Tình hình phát triển hiện nay biến nhựa trở thành ngành công nghiệp rộng lớn toàn cầu có trị giá 522,6 tỷ USD (456,1 tỷ bảng Anh), dự kiến sẽ tăng gấp đôi công suất vào năm 2040 .
Một trong những thách thức chính đi kèm với sứ mệnh chấm dứt ô nhiễm nhựa là sự mơ hồ xung quanh những gì mà nhiệm vụ quyết định sự sinh tồn này thực sự đòi hỏi. Theo nhóm nghiên cứu, mặc dù 200 quốc gia cam kết xây dựng hiệp ước, nhưng mỗi quốc gia có những ưu tiên và trở ngại về tài chính, xã hội và chính trị khác nhau.
Vì nguyên nhân này, các chuyên gia thuộc Đại học Hampshire nhấn mạnh sự cần thiết phải có “một mục tiêu duy nhất và một chiến lược đã được thống nhất”.
Antaya March, tác giả chính của lời kêu gọi nhấn mạnh: “Nhựa cực kỳ hữu ích, nhưng quá trình quản lý yếu kém của các quốc gia dẫn đến cuộc khủng hoảng ô nhiễm toàn cầu, làm trầm trọng thêm tình trạng biến đổi khí hậu. Cần phải chuyển đổi hoàn toàn sang nền kinh tế nhựa vòng tròn để giảm thiểu hoặc loại bỏ hoàn toàn ô nhiễm nhựa trong khi vẫn đáp ứng được nhu cầu sử dụng thường xuyên cần thiết”.
March giải thích, các chuỗi giá trị nhựa thường vượt qua nhiều khung pháp lý với những luật pháp, quy tắc và chuẩn mực khác nhau.
Bà nói: “Trong tình huống tốt nhất, các chính sách cụ thể của từng quốc gia như lệnh cấm đối với các sản phẩm nhựa cụ thể, không có khả năng ảnh hưởng có ý nghĩa đến những tác nhân gây ô nhiễm nhựa trên toàn cầu. Trong tình huống tồi tệ, những khung pháp lý của các quốc gia tạo ra sự mâu thuẫn về luật pháp và chính sách quốc tế khiến rác thải nhựa bị đẩy đến những khu vực ít có khả năng xử lý an toàn nhất”.
Các nhà khoa học ước tính rằng những cam kết của các chính phủ hiện tại nhằm giải quyết ô nhiễm nhựa sẽ chỉ làm giảm khoảng 7% nhựa xâm nhập vào môi trường vào năm 2040 so với hoạt động kinh doanh thông thường, một con số rất xa so với mức 0% nhựa mà các nhà khoa học yêu cầu.
Theo thống kê của WWF, chi phí xã hội, môi trường và kinh tế của nhựa, sản xuất trong năm 2019 ước tính ít nhất là 3,7 nghìn tỷ USD (2,7 nghìn tỷ bảng Anh) trong suốt thời gian tồn tại của vật liệu.
Ngược lại, việc chuyển đổi sang nền kinh tế vòng tròn có thể làm giảm hơn 80% lượng rác thải nhựa đi vào các đại dương năm 2040, giảm sản xuất nhựa nguyên sinh 55%, giảm 25% lượng khí thải nhà kính và tạo thêm 700,000 việc làm, theo Dữ liệu của LHQ.
Ông Fletcher nói: “Việc LHQ xây dựng một hiệp ước ràng buộc mang tính pháp lý toàn cầu về chấm dứt ô nhiễm nhựa đang được tiến hành là một thành tựu to lớn. Nhưng để mang lại hiệu quả, hiệp ước toàn cầu đòi hỏi mức độ minh bạch, công khai và hợp tác mới để hỗ trợ hoạch định chính sách dựa trên các bằng chứng, tránh các chính sách manh mún và phản lại những nỗ lực quốc tế trong quá khứ. Một sự thay đổi mang tính hệ thống cần phải được thiết lập trên toàn cầu để thay đổi cơ bản cách chúng ta hành xử và tương tác với nhựa."
Tháng 2/2022, một cuộc thăm dò do WWF ủy quyền cho thấy, mục tiêu của LHQ trong việc phát triển một hiệp ước toàn cầu nhằm hạn chế ô nhiễm nhựa có được sự ủng hộ của gần 99% số người được khảo sát .
Hiện tại, Anh xuất khẩu khoảng 60% trong tổng số hơn 2,5 triệu tấn rác thải bao bì nhựa mà nước này tạo ra, Thổ Nhĩ Kỳ là điểm đến chính của những rác thải này. Để giải quyết vấn đề chống ô nhiễm lan rộng, các nghị sĩ trong Ủy ban Môi trường, Thực phẩm và Các vấn đề Nông thôn khuyến nghị chính phủ cấm xuất khẩu tất cả rác thải nhựa từ năm 2027.
Tuần trước, một nghiên cứu trên phạm vi toàn nước Anh cho thấy, khoảng 60% nhựa có thể ủ tại nhà không phân hủy hoàn toàn và bị chôn vùi trong các bãi rác thải.
Theo E&T