Apple chi 450 triệu USD kích hoạt dịch vụ tin nhắn khẩn cấp của iPhone 14

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ngày 10/11, Apple trong một tuyên bố cho biết sẽ chi 450 triệu USD cho các công ty Mỹ để kích hoạt tính năng nhắn tin vệ tinh cứu hộ khẩn cấp mới trong điện thoại iPhone.
Dịch vụ nhắn tin khẩn cấp vệ tinh iPhone 14. Ảnh CNBC
Dịch vụ nhắn tin khẩn cấp vệ tinh iPhone 14. Ảnh CNBC

Theo Apple phần lớn trong số 450 triệu USD sẽ được chuyển đến Globalstar, một công ty có trụ sở tại Louisiana chuyên vận hành các vệ tinh, giúp tính năng đặc biệt này trở thành khả thi.

Apple không nhận cổ phần trong công ty nhưng doanh nghiệp cam kết cung cấp kinh phí cho thiết bị và hoạt động của dịch vụ. Số tiền này sẽ chi trả cho các vệ tinh, cũng như trang bị cho các trạm mặt đất một loại ăng-ten mới do Apple thiết kế.

Tháng 9/2022, Apple đã công bố phát tín hiệu SOS khẩn cấp thông qua vệ tinh như một tính năng đại biểu trên các mẫu iPhone 14 mới . Nếu người dùng bên ngoài phạm vi của tháp phát sóng di động, như ở khu vực hẻo lánh trong khi cắm trại, trong tình huống đặc biệt vẫn có thể kết nối với các dịch vụ khẩn cấp bằng cách hướng điện thoại lên bầu trời và kết nối với 1 trong 24 vệ tinh Globalstar trên quỹ đạo Trái đất thấp. Dịch vụ sẽ ra mắt cuối tháng 11 thông qua bản cập nhật phần mềm iPhone.

Thông báo của Apple ngày 10/11 cũng nhấn mạnh chi phí đáng kể của việc vận hành dịch vụ.

Tính năng này miễn phí trong 2 năm nhưng Apple vẫn để ngỏ khả năng tính phí cho dịch vụ sau đó. Dịch vụ này không hoàn toàn tự động và yêu cầu các trung tâm tổng đài có nhân viên, hơn 300 nhân viên Globalstar sẽ phục vụ cho dịch vụ này, Apple cho biết.

Đây là một ví dụ về việc Apple chi tiêu cho các nhà cung cấp ở Mỹ. Apple đã chỉ ra rằng, nhiều bộ phận được sử dụng trong những thiết bị điện tử của doanh nghiệp có nguồn gốc sản xuất từ Mỹ, nhưng lắp ráp cuối cùng được thực hiện hầu như hoàn toàn ở Trung Quốc.

Khoản thanh toán của Apple cho Globalstar sẽ được rút từ Quỹ Sản xuất Tiên tiến của Apple, đây là nguồn tiền mà công ty sử dụng để chi trả cho các nhà cung cấp tại Mỹ.

Kể từ khi Quỹ Sản xuất Tiên tiến được thành lập năm 2017, Quỹ đã giải ngân 450 triệu USD cho Corning để sản xuất kính iPhone , 390 triệu USD cho Finisar để trang bị một nhà máy sản xuất những thành phần laser cần thiết cho FaceID, 100 triệu USD cho XPO Logistics và 10 triệu USD cho Copan Diagnostics sản xuất các bộ phận của bộ test thử nghiệm Covid-19.

Theo CNBC