|
Các tổ hợp quân sự Mỹ mới là những người chiến thắng trong cuộc xung đột Nga-Ukraine. Ảnh: tên lửa chống tăng Javelin được ùn ùn đưa tới Ukraine (Ảnh: QQ). |
Các hãng sản xuất vũ khí phương Tây đang phải tăng ca thêm kíp, đặc biệt các tập đoàn quân sự khổng lồ của Mỹ, đã trở thành những kẻ chiến thắng lớn nhất trong cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Tên lửa Stinger, Javelin được sản xuất gấp rút
Đài CNN ngày 29/3 tiết lộ rằng do Mỹ cung cấp lượng lớn tên lửa phòng không vác vai Stinger và tên lửa chống tăng Javelin cho Ukraine, bản thân quân đội Mỹ cũng đã lâm vào tình trạng đạn dược tồn kho quá ít; Lầu Năm Góc đã yêu cầu các nhà sản xuất tên lửa Raytheon và Lockheed Martin phải tăng tốc sản xuất.
Bản tin của CNN cho biết, ngay từ ngày 7/3, tức hai tuần sau khi bùng nổ xung đột Nga-Ukraine, Mỹ và các nước NATO đã cung cấp cho Ukraine tổng cộng 17.000 tên lửa chống tăng và 2.000 tên lửa phòng không vác vai. NATO kể từ đó tiếp tục cung cấp cho Ukraine loại vũ khí này, hầu hết trong số đó là tên lửa do Mỹ sản xuất như Stinger và Javelin. Khoản viện trợ bổ sung cho Ukraine được Nhà Trắng công bố ngày 16/3 còn có thêm 800 quả Stinger và 2,000 Javelin. Phía Ukraine cho biết, hai tên lửa này có hiệu quả rất tốt trong thực chiến, trong danh sách Ukraine yêu cầu hỗ trợ Mỹ có ghi rõ hy vọng Mỹ sẽ cung cấp 500 quả Stinger và 500 Javelin mỗi ngày.
|
Ukraine yêu cầu Mỹ cung cấp mỗi ngày 500 tên lửa chống tăng Javelin và số lượng tương tự tên lửa phòng không vác vai Stinger. |
Yêu cầu đó rõ ràng là vượt xa dự tính của Lầu Năm Góc. CNN thừa nhận rằng nhu cầu bức thiết của Ukraine đối với hai loại tên lửa này đã trực tiếp dẫn đến sự thiếu hụt nghiêm trọng các kho dự trữ liên quan của quân đội Mỹ. Mặc dù Lầu Năm Góc không tiết lộ số lượng dự trữ tên lửa trong kho hiện tại của Mỹ vì "lý do bí mật", nhưng họ đã yêu cầu các nhà sản xuất tên lửa đẩy nhanh tốc độ sản xuất để tăng lượng dự trữ, nhấn mạnh quân đội Mỹ cần duy trì một số lượng nhất định các tên lửa này để ứng phó trường hợp "xung đột có thể xảy ra".
Để ứng phó, quân đội Mỹ đang đẩy nhanh việc tăng số lượng hai loại tên lửa này trong kho. Trang web Forbes của Mỹ tiết lộ Nhà máy Đạn dược của Lầu Năm Góc ở Iowa chịu trách nhiệm tân trang và nâng cấp tên lửa Stinger và Javelin. Theo thông tin do quân đội Mỹ công bố, nhà máy đã lên kế hoạch nâng cấp 2.500 tên lửa trong hai năm, nhưng tốc độ chậm như vậy không thể đáp ứng được nhu cầu cấp thiết của Ukraine, nên nhà máy sản xuất vũ khí, đạn dược của Lục quân Mỹ bắt đầu thực hiện một loạt biện pháp, bao gồm điều chỉnh quy mô lớn đối với các dây chuyền, tuyển dụng công nhân mới và kích hoạt lại các thiết bị bảo quản.
|
Các hãng sản xuất vũ khí của Mỹ phải tăng ca và khôi phục dây chuyền sản xuất để đáp ứng nhu cầu vũ khí phát sinh do cuộc chiến Nga-Ukraine. |
Nhà sản xuất tên lửa phòng không Stinger là công ty Raytheon của Mỹ, một trong những tổ hợp công nghiệp quân sự lớn nhất trên thế giới, và hoạt động kinh doanh chính của nó bao gồm nhiều loại tên lửa, radar và hệ thống vệ tinh. Theo giới thiệu, tên lửa Stinger đã được đưa vào thực chiến ngay từ thời Chiến tranh Lạnh, đã bắn hạ một số lượng lớn máy bay trực thăng của Liên Xô trong thời kỳ chiến tranh Afghanistan. Hiện nay nó đã phát triển một số mẫu cải tiến. Do quân đội Mỹ xác định rằng nhu cầu trong tương lai không cao nên tên lửa Stinger đã bị ngừng sản xuất. Trước khi nổ ra xung đột Nga-Ukraine, trong kho của Mỹ còn hàng chục nghìn tên lửa Stinger được kéo dài tuổi thọ. Theo kế hoạch dự kiến của Lầu Năm Góc, các tên lửa này sẽ không được thay thế cho đến những năm 2030.
Nhưng CNN cho biết, dây chuyền sản xuất tên lửa Stinger hiện đã được khởi động lại để đáp ứng nhu cầu mua của nước ngoài. Do chu kỳ sản xuất lô tên lửa Stinger phải mất 18-24 tháng, Lầu Năm Góc đã đề xuất với Raytheon nhiều phương án khác nhau để tăng sản lượng Stinger và cắt giảm thời gian sản xuất. Lầu Năm Góc cho biết kế hoạch này bao gồm việc bổ sung công nhân trên dây chuyền sản xuất, thay thế các bộ phận lỗi thời bằng những bộ phận mới, đồng thời bổ sung thêm các công cụ hỗ trợ và kiểm tra cho dây chuyền sản xuất.
|
Tên lửa Patriot đã được NATO triển khai ở Ba Lan và Slovakia. |
Tên lửa chống tăng Javelin do liên doanh giữa Raytheon và Lockheed Martin sản xuất. Nó được phát triển vào những năm 1990 với khả năng phát động các cuộc tấn công từ phía trên của xe tăng là nơi được bảo vệ yếu nhất. Tương tự như tình hình của tên lửa Stinger, việc mua sắm tên lửa Javelin của quân đội Mỹ đã bị cắt giảm đáng kể trong những năm gần đây: từ năm tài chính 1999 đến 2001, Lầu Năm Góc đã mua 9.848 tên lửa Javelin, trong khi từ các năm tài chính từ 2020 đến 2022, tổng số mua tên lửa này đã giảm xuống còn 2.037 quả. Nhưng nay mọi thứ đã thay đổi cơ bản, Lầu Năm Góc yêu cầu các nhà sản xuất phải sản xuất hết công suất, và sản lượng tên lửa Javelin hàng năm hiện nay đã vượt quá 6.000 quả. Nhưng Lầu Năm Góc vẫn đang tìm cách để tăng sản lượng hơn nữa. Lockheed Martin cho biết trong một tuyên bố rằng nó "có đầy đủ năng lực để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trong tương lai ."
Các đại gia công nghiệp quân sự liên tiếp nhận các đơn đặt hàng vũ khí siêu lớn
Mặc dù thế giới bên ngoài nhận thấy Mỹ đang gấp rút sản xuất các loại vũ khí cá nhân sử dụng như tên lửa chống tăng và tên lửa phòng không vác vai, nhưng chúng còn lâu mới làm hài lòng những gã khổng lồ công nghiệp quân sự Mỹ về số lượng xuất khẩu và tác động tiếp theo. Chẳng hạn, tổng giá trị hợp đồng xuất khẩu tên lửa Stinger mà Raytheon có được lần này là 320 triệu USD, chưa thể coi là hợp đồng xuất khẩu vũ khí lớn. Nhu cầu cấp thiết về vũ khí và thiết bị ở các nước châu Âu do xung đột Nga-Ukraine gây ra mới là "siêu bánh ga-tô bán vũ khí" mà tổ hợp công nghiệp quân sự Mỹ mong muốn. Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng nổ, giá cổ phiếu của các hãng buôn vũ khí Mỹ như Lockheed Martin, Raytheon và Northrop Grumman liên tục tăng, đó mới là bức tranh chân thực về lợi nhuận khổng lồ của họ.
|
Tên lửa phòng không vác vai Stinger hiện sản xuất không đủ nhu cầu. |
Sau khi xung đột Nga-Ukraine bùng nổ, nhiều nước NATO đã ngay lập tức đẩy nhanh tốc độ mua vũ khí. Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố sẽ chi 100 tỷ euro "tài sản đặc biệt" để hiện đại hóa quân đội Đức. Một trong những nội dung được nhắc đến nhiều nhất là việc Không quân Đức hoàn tất việc mua 35 máy bay chiến đấu tàng hình F-35 do Mỹ sản xuất. Tiêm kích tàng hình F-35 là sản phẩm chủ lực của Lockheed Martin, với giá xuất khẩu trung bình hơn 100 triệu USD/chiếc. Tổng giá trị đơn đặt hàng của Đức có thể vượt quá 4 tỷ USD.
Ngoài Đức, Canada, một thành viên nặng ký khác của NATO, đang phải đối phó với Nga ở Bắc Cực, ngày 28/3 cũng xác nhận rằng họ đã chọn F-35 làm mẫu máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo của mình, và sẽ chi 15 tỷ USD để mua thêm 88 chiếc F-35. Rõ ràng, những siêu hợp đồng mua bán vũ khí cho máy bay chiến đấu tàng hình này lớn hơn rất nhiều so với “trò chơi nhỏ” bán vũ khí riêng lẻ.
Trong dự án mua sắm quy mô lớn nhằm tăng cường vũ khí, Đức cũng khẳng định sẽ chi 2 tỷ euro để nhập khẩu hệ thống phòng thủ tên lửa diện tích phòng vệ không chỉ bao gồm toàn bộ lãnh thổ Đức, thậm chí còn bao trùm cả Ba Lan, Romania và các nước vùng Baltic. Mặc dù Đức không xem xét mua hệ thống chống tên lửa Patriot do Mỹ sản xuất mà là hệ thống chống tên lửa Arrow-3 của Israel, nhưng hệ thống này thực sự do Israel và Công ty Boeing của Mỹ cùng phát triển. Đối với gã khổng lồ quân sự Mỹ, việc Đức mua hệ thống chống tên lửa này vẫn là “thịt hầm trong nồi của mình".
|
Súng chống tăng M72 tồn kho nay được các nước NATO dọn kho viện trợ cho Ukraine. |
Tờ Defense News của Mỹ tiết lộ rằng nước láng giềng của Ukraine là Ba Lan đã quyết định khởi động một "chương trình tăng tốc đặc biệt" để mua máy bay không người lái vũ trang MQ-9 Reaper từ Mỹ, khiến Ba Lan trở thành nước đầu tiên ở phía đông NATO có loại UAV bay cao, bay lâu này. Trung tá Krzysztof Artek, người phát ngôn Cục Trang bị của Bộ Quốc phòng Ba Lan, cho biết: "Chúng tôi muốn nhanh chóng có được những chiếc máy bay không người lái này và hiện đang đàm phán với Mỹ. Việc mua bán này có liên quan đến những căng thẳng hiện nay ở biên giới Ba Lan - Ukraine”. Máy bay không người lái MQ-9 được General Atomics Aeronautical Systems của Mỹ phát triển và giá bán của nó từ 20 triệu đến 30 triệu USD/chiếc, tùy thuộc vào cấu hình.
Ngoài ra, sau khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, Ba Lan và Slovakia đã lần lượt chấp thuận để NATO triển khai hệ thống chống tên lửa Patriot tới lãnh thổ của mình. Hệ thống chống tên lửa Patriot hiện được triển khai ở châu Âu được chia thành hai loại, một loại được nâng cấp từ hệ thống chống tên lửa ban đầu Patriot-2 và nhà thầu hệ thống chính là Raytheon; loại còn lại được sản xuất mới Patriot- 3, nhà thầu hệ thống chính là Lockheed Martin. Các chuyên gia cho rằng do lo ngại về các cuộc tập kích tên lửa của Nga, không thể loại trừ khả năng hai nước đưa hệ thống phòng thủ tên lửa do Mỹ sản xuất trực tiếp vào giữa hai nước trong tương lai. Một đại gia quân sự khác của Mỹ là Northrop Grumman, vốn nổi tiếng với công nghệ radar và điện tử, đã tham gia sâu vào việc chế tạo hệ thống chống tên lửa của Ba Lan. Công ty chịu trách nhiệm sản xuất thiết bị phần cứng và phần mềm cho hệ thống chỉ huy tác chiến phòng không và tên lửa của Ba Lan, hệ thống này sẽ trở thành trung tâm chỉ huy và điều khiển hệ thống chống tên lửa Patriot của Ba Lan.
Người phát ngôn Không quân Ukraine Yuri Ignat cũng nói rõ rằng Ukraine cần các máy bay chiến đấu F-15 và F-16 do Mỹ sản xuất. Các máy bay này được Boeing và General Dynamics sản xuất, nhưng nhiều vũ khí quan trọng và hệ thống phụ được các công ty quân sự khổng lồ khác của Mỹ phát triển. Nếu Mỹ đồng ý với yêu cầu của Ukraine, bất kể ai trả hóa đơn cuối cùng, gã khổng lồ quân sự của Mỹ cũng kiếm được rất nhiều tiền từ đó.
|
Đức viện trợ cho Ukraine 2.700 tên lửa phòng không Iagla của Quân đội CHDC Đức trước đây, nhiều quả đã hỏng không sử dụng được. |
Châu Âu gấp rút dọn cũ thay mới kho vũ khí
Trong số các khoản viện trợ quân sự khác nhau mà phương Tây cung cấp cho Ukraine gần đây xuất hiện một hiện tượng lạ - các nước NATO đã nhân cơ hội này “giải quyết” các loại vũ khí lỗi thời. Các chuyên gia quân sự cho rằng xung đột Nga-Ukraine đã tác động rất lớn đến một số quốc gia châu Âu; đồng thời với việc dọn kho các vũ khí lỗi thời, họ cũng đang gấp rút bổ sung các vũ khí, thiết bị tiên tiến. Tất cả những điều này đã tạo cơ hội tuyệt vời cho gã khổng lồ công nghiệp quân sự Mỹ kiếm tiền từ chiến tranh.
Trang web The Drive của Mỹ đã thống kê chi tiết về tình trạng này. Tin cho biết, vụ điển hình nhất là việc Đức tuyên bố cung cấp cho Ukraine 2.700 tên lửa phòng không vác vai Iagla trang bị cho quân đội Đông Đức trước đây. "Chúng đã quá cũ và có thể không còn sử dụng được nữa." Điều đáng chú ý là Bộ trưởng Quốc phòng Đức Lambrecht cho biết sau khi cung cấp hàng nghìn tên lửa riêng lẻ cho Ukraine, kho vũ khí liên quan của Đức đã được "dọn sạch".
Ngoài ra, Canada và Na Uy tuyên bố cung cấp cho Ukraine "Vũ khí chống giáp hạng nhẹ (LAW) M72", là loại súng bazooka hạng nhẹ do Mỹ phát triển trong những năm 1950 và 1960. Nhìn chung, tính năng của nó đã rất lạc hậu và chỉ thích hợp cho tấn công các điểm hỏa lực cố định. Tây Ban Nha có kế hoạch cung cấp cho Ukraine các ống phóng hỏa tiễn C90, đây cũng là loại vũ khí đã lỗi thời.
Các kho dự trữ vũ khí liên quan của Anh cũng đã chạm đáy. Sau khi Vương quốc Anh cung cấp cho Ukraine 4.000 tên lửa, bao gồm cả tên lửa chống tăng NLAW và Javelin, kho tên lửa công nghệ cao của nước này đang ít dần, và với tốc độ viện trợ quân sự hiện tại cho Ukraine, "có thể chỉ kéo dài thêm một tuần nữa."
Các chuyên gia cho rằng mặc dù NATO là khối quân sự lớn nhất thế giới, nhưng nhiều quốc gia thành viên có mức đầu tư quân sự rất hạn chế. Theo thống kê, có tới 15 nước NATO số lượng máy bay quân sự chỉ là hai con số hoặc thậm chí ít hơn, và 9 nước NATO số lượng xe tăng dưới 100 chiếc. Vì vậy, sau khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, nhiều nước NATO đã tiến hành dọn hàng tồn kho dưới danh nghĩa viện trợ quân sự cho Ukraine, mở đường cho bước tiếp theo là mua vào các loại vũ khí tiên tiến. Theo thông lệ của NATO, hầu hết các hợp đồng mua bán vũ khí béo bở này sẽ rơi vào tay những kẻ lái buôn vũ khí Mỹ.