Các cuộc đàm phán về chi phí quốc phòng Mỹ - Hàn Quốc tan vỡ, Mỹ đang xem xét rút 4.000 quân đồn trú tại Hàn Quốc

VietTimes -- Hàn Quốc và Mỹ đã tuyên bố cuộc đàm phán về chi phí năm 2020 cho quân đội Mỹ phòng thủ tại Hàn Quốc đã bị tan vỡ. Được biết, Nhà Trắng đang xem xét rút một lữ đoàn quân đội Mỹ đóng tại Hàn Quốc để tiếp tục gây áp lực lên Nhà Xanh.
Sau nhiều vòng đàm phán, Mỹ và Hàn Quốc vẫn không ký được Hiệp định về chia sẻ chi phí cho việc quân đội Mỹ có mặt tại Hàn Quốc.
Sau nhiều vòng đàm phán, Mỹ và Hàn Quốc vẫn không ký được Hiệp định về chia sẻ chi phí cho việc quân đội Mỹ có mặt tại Hàn Quốc.

Đàm phán tan vỡ, Nhà Trắng dọa rút một lữ đoàn quân khỏi Hàn Quốc

Theo báo Hàn Quốc Chosun Ilbo ngày 21 tháng 11, Hàn Quốc và Mỹ đã tổ chức phiên họp thứ ba tại Seoul vào ngày 19/11 để bàn việc ký kết thỏa thuận đặc biệt thứ 11 về chia sẻ chi phí quốc phòng cho việc quân đội Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc, nhưng cuộc đàm phán đã tan vỡ sau hơn 80 phút. Trước yêu cầu của phía Mỹ về sự gia tăng số tiền quá lớn, nhóm đàm phán Hàn Quốc đã phản đối với lập trường “không thể chấp nhận được”. Phía Mỹ ngay lập tức tuyên bố “tạm đình chỉ đàm phán” và các đại biểu đoàn Mỹ đã rời khỏi phòng họp trước.

Các cuộc đàm phán về phí quốc phòng trong quá khứ hầu như không mấy khi được thuận lợi; nhưng đây là lần đầu tiên kể từ khi bắt đầu đàm phán dự luật quốc phòng năm 1991 hội đàm kết thúc theo cách này: đàm phán bị bãi bỏ và hai bên công khai đổ trách nhiệm cho nhau. Giới ngoại giao nhận định: “Mâu thuẫn giữa hai bên Mỹ - Hàn về việc bãi bỏ thỏa thuận bảo vệ tình báo quân sự Hàn Quốc - Nhật Bản đang lan rộng sang quan hệ đồng minh”.

Vòng đàm phán thứ 3 Mỹ - Hàn Quốc tại Seoul về Hiệp định chia sẻ chi phí quốc phòng đã tan vỡ hôm 19/11.
Vòng đàm phán thứ 3 Mỹ - Hàn Quốc tại Seoul về Hiệp định chia sẻ chi phí quốc phòng  đã tan vỡ hôm 19/11.

Để đáp lại việc Hàn Quốc không đồng ý chịu trả khoản chi phí quốc phòng 5 tỷ USD theo Hiệp định đặc biệt về chia sẻ chi phí quốc phòng (SMA), ngày 19/11 theo giờ Washington, chính quyền của ông Trump đã thảo luận về phương án rút một lữ đoàn quân đội Mỹ đang đóng tại Hàn Quốc.

Mỹ đã bất ngờ tăng mức chi phí quốc phòng lên 5 lần và yêu cầu phía Hàn Quốc phải chi trả mức chi phí quốc phòng trị giá 5 tỷ USD và liên tục gây áp lực cho phía Hàn Quốc.

Một nguồn tin ngoại giao của Washington am hiểu quá trình đàm phán giữa Hàn Quốc và Mỹ đã tiết lộ “Chính phủ Mỹ đang chuẩn bị rút một lữ đoàn quân đóng tại Hàn Quốc để đáp trả việc chính phủ Hàn Quốc không thuận theo phương hướng của ông Donald Trump trong cuộc đàm phán giữa hai nước về việc phân bổ phí quốc phòng”. Tuy nhiên, hiện chưa có các thông tin cụ thể về tính chất và quy mô cụ thể của lữ đoàn mà Nhà Trắng đang xem xét rút.

Mỗi lữ đoàn quân đội Mỹ đóng tại Hàn Quốc có khoảng 3.000 đến 4.000 quân. Nếu với quy mô này, sẽ nằm trong việc cắt giảm quy mô quân đội của Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng 2019 đã được Quốc hội Mỹ thông qua.

Hàn Quốc hiện đang phải chi trả gần 1 tỷ USD/ năm cho sự có mặt của quân đội Mỹ ở nước này.
Hàn Quốc hiện đang phải chi trả gần 1 tỷ USD/ năm cho sự có mặt của quân đội Mỹ ở nước này.

Quốc hội Mỹ đã thông qua Đạo luật ủy quyền quốc phòng năm 2019, trong đó có quy định cấm giảm quy mô 28.500 lính Mỹ hiện đang đóng quân tại Hàn Quốc xuống dưới 22.000 người. Tuy nhiên, quy định này mặt khác cũng ngụ ý rằng quy mô hiện tại của quân đội Hoa Kỳ tại Hàn Quốc có thể cắt giảm bớt nhiều nhất 6.500 người.

Vì sao Hàn Quốc phải trả tiền cho quân Mỹ?

Hàn Quốc và Nhật Bản đều là đồng minh quân sự của Mỹ ở Đông Bắc Á. Kể từ khi các lực lượng Liên Hợp Quốc do quân đội Mỹ đứng đầu tham gia cuộc chiến tranh Triều Tiên đầu những năm 1950, quân đội Mỹ đã chưa hề rút khỏi Hàn Quốc. Lúc nhiều nhất, tổng lực lượng của quân đội Mỹ đóng tại Hàn Quốc lên tới 320.000 quân. Tuy nhiên, kể từ những năm 1990, với sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh và Mỹ điều chỉnh lại việc triển khai quân đồn trú trên toàn cầu, quy mô lực lượng quân đồn trú của Mỹ tại Hàn Quốc đã bị giảm đi rất nhiều. Theo số liệu từ Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, quân đội Mỹ hiện đang đóng quân tại Hàn Quốc có khoảng 28.500 người.

Năm 1991, Mỹ và Hàn Quốc đã ký Hiệp định đặc biệt đầu tiên về việc chia sẻ phí quốc phòng, bao gồm các chi phí của quân đội Mỹ đóng quân tại Hàn Quốc. Sau đó, hai bên đã đàm phán lại theo thời gian và ký một hiệp định mới về phí quốc phòng để xác định số tiền chi phí mỗi bên phải chịu. Năm 2014, Hoa Kỳ và Hàn Quốc đã đạt được “Hiệp định đặc biệt về chia sẻ phí quốc phòng” lần thứ 9 có thời hạn 4 năm. Tổng số tiền Hàn Quốc phải chi trả là 920 tỷ won, tăng mức khá lớn so với giai đoạn trước.

Ông Donald Trump đột ngột tăng mức tiền Hàn Quốc phải trả cho việc Mỹ đóng quân ở nước này lên tới 5 tỷ USD/ năm.
Ông Donald Trump đột ngột tăng mức tiền Hàn Quốc phải trả cho việc Mỹ đóng quân ở nước này lên tới 5 tỷ USD/ năm.

Sau khi ông Trump nhậm chức vào đầu năm 2017, Mỹ đã phàn nàn về việc họ bị thiệt thòi và thúc giục mạnh mẽ Hàn Quốc phải tăng thêm mức gánh vác chi phí phòng vệ. Sau nhiều lần thương lượng, hai bên đã ký thỏa thuận quốc phòng lần thứ 10 vào tháng 3 năm 2019 và chi phí quốc phòng mà phía Hàn Quốc phải trả năm 2019 đã tăng lên 10,4 tỷ won (khoảng 900 triệu USD), tức tăng 8.2% so với năm 2018. Nhưng, bản hiệp định này không có giá trị vài năm như trước, mà chỉ có hiệu lực trong một năm. Trong tình hình không nhất trí đạt được thỏa thuận tiếp theo, Hàn Quốc và Mỹ có thể đàm phán xem có nên gia hạn bản hiệp định hiện có hay không.

Để ký một Hiệp định về chia sẻ chi phí quốc phòng mới, Mỹ và Hàn Quốc đã thảo luận rất gấp gáp kể từ tháng 9 năm nay, từ Seoul chuyển đến Hawaii rồi từ Hawaii về lại Seoul. Theo tiết lộ, hai bên có sự khác biệt rất lớn trong việc chia sẻ chi phí và không thể thống nhất được. Trong tình hình các nhóm làm việc của hai bên không thể nhất trí với nhau, họ đã nâng cấp độ đàm phán, nhưng vẫn không tìm được sự nhất trí. Ngày 15 tháng 11, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Jeong Kyeong Doo và Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Mark Esper đã dẫn đầu hai phái đoàn tham dự đàm phán. Tuy nhiên, hai bên vẫn chưa đạt được sự đồng thuận về việc phân bổ phí quốc phòng mà vẫn tiếp tục bất đồng.

Tin cho biết, Hàn Quốc đã cố gắng lấy việc Mỹ và Hàn Quốc là đồng minh quân sự lâu dài và Hàn Quốc đã tăng đáng kể tỷ lệ chi phí quốc phòng để thuyết phục Mỹ dừng lại, không nên tiếp tục tăng và hét giá trên trời. Ông Esper thừa nhận rằng “liên minh Hàn Quốc - Hoa Kỳ là không thể phá vỡ”, nhưng ông nhấn mạnh rằng “Hàn Quốc là một quốc gia giàu có, có đủ khả năng và nên chi phí quốc phòng nhiều hơn nữa”.

Sau khi đàm phán tan vỡ, Mỹ đang xem xét rút một lữ đoàn quân ra khỏi Hàn Quốc.
Sau khi đàm phán tan vỡ, Mỹ đang xem xét rút một lữ đoàn quân ra khỏi Hàn Quốc.

Mặc dù ông Mark Esper không trực tiếp “chào” giá trong cuộc hội đàm, nhưng được biết cựu Trợ lý An ninh Quốc gia của Tổng thống Donald Trump, ông John Bolton đã chuyển mức giá yêu cầu của ông Trump tới Hàn Quốc hồi tháng 7 năm nay và đe dọa rằng nếu Hàn Quốc từ chối chấp nhận, Mỹ sẽ xem xét rút quân khỏi Hàn Quốc để cho người Hàn Quốc tự bảo vệ mình.

Theo tin của CNN và truyền thông Hàn Quốc, ông Trump đã tăng rất lớn mức phân bổ chi phí của quân đội Mỹ ở Hàn Quốc, yêu cầu Hàn Quốc phải chịu khoảng 5 tỷ USD chi phí. Yêu cầu này có nghĩa là Hoa Kỳ đã thay đổi phạm vi của thỏa thuận quốc phòng ban đầu giữa Mỹ và Hàn Quốc, đưa vào phân bổ gần như tất cả các khoản chi phí mà quân đội Mỹ phải gánh chịu trong việc đồn trú ở Hàn Quốc; ngoài “xây dựng căn cứ, cống rãnh và các dự án thông thường”, còn phải chịu các chi phí của “chi tiêu chuẩn bị phòng vệ” và các cuộc tập trận quân sự chung giữa Mỹ và Hàn Quốc, thậm chí chịu các chi phí của lực lượng quân đội Mỹ không đóng quân tại Hàn Quốc nhưng cần phải đến Hàn Quốc luân chuyển.

Giá “chào” mới 5 tỷ USD của Mỹ đã gây sốc cho người Hàn Quốc. Thông tin truyền đi khiến dư luận Hàn Quốc sôi sục, cáo buộc Mỹ công khai tống tiền Hàn Quốc. Gần đây, hơn 40 nghị sĩ Hàn Quốc đã cùng đưa ra tuyên bố bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ. Họ cho rằng cách tiếp cận của Mỹ là không hợp lý và kêu gọi chính quyền Trump ngừng đe dọa Hàn Quốc. Dư luận ở Hàn Quốc chỉ ra rằng Mỹ đã đóng quân lâu dài ở Hàn Quốc thực ra không chỉ vì lợi ích an ninh của Hàn Quốc, mà còn vì kiềm chế chiến lược và quân sự đối với các nước láng giềng. Nhiều năm qua Hàn Quốc đã phải chịu rất nhiều chi phí; nay lại bắt Hàn Quốc gánh chịu thêm số tiền rất lớn thì Hàn Quốc không thể chịu nổi. Các nhà lập pháp Hàn Quốc cảnh báo chính phủ của Tổng thống Moon Jae In không thể khuất phục trước mối đe dọa tống tiền của Mỹ.

Theo Đa Chiều, New.qq.