Các công ty điện mặt trời của Tập đoàn Xuân Thiện kinh doanh ra sao trong năm đầu tiên vận hành?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Tập đoàn Xuân Thiện có kế hoạch phát triển 3.000 MWp công suất điện mặt trời với sản lượng 5,5 tỷ kWh, đã đi vào vận hành 1.136 MWp từ 2020.

Tham vọng có 5,5 tỷ kWh sản lượng với 2 cụm dự án điện mặt trời

Tham gia đầu tư điện mặt trời từ sớm, Tập đoàn Xuân Thiện của ông Nguyễn Văn Thiện được xem là “ông lớn” trong lĩnh vực này với các dự án hàng chục nghìn tỷ đồng. Theo thống kê của Người Đồng Hành, tổng công suất dự án điện mặt trời mà tập đoàn đã và đang đầu tư đạt đến hơn 3.070 MWp, sản lượng khoảng 5,5 tỷ kWh, tổng đầu tư 57.000 tỷ đồng.

Nguồn: tổng hợp
Nguồn: tổng hợp

Cụ thể, tập đoàn có 2 cụm dự án điện mặt trời gồm Xuân Thiện Ninh Thuận và Xuân Thiện Đắk Lắk. Trong đó, nổi bật là cụm điện mặt trời Xuân Thiện Đắk Lắk với tổng đầu tư 50.000 tỷ đồng chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 gồm 5 nhà máy từ Ea Súp 1 – 5, công suất 830 MWp, sản lượng 1,5 tỷ kWh, tổng đầu tư 16.500 tỷ đồng. Giai đoạn 2 gồm 10 nhà máy, công suất 1.936 MWp, sản lượng 3,5 tỷ kWh, tổng đầu tư 33.500 tỷ đồng.

Cụm dự án Xuân Thiện Ninh Thuận và Xuân Thiện Đắk Lắk giai đoạn 1 với tổng sản lượng 2 tỷ kWh đã đi vào vận hành từ năm 2020, kịp thời hưởng quy chế giá điện ưu đãi theo Quyết định số 13/2020/ QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam. Cụ thể, giá mua điện với dự án điện mặt trời nổi là 1.783 đồng/kWh, điện mặt trời mặt đất 1.644 đồng/kWh và điện mặt trời trên mái nhà là 1.943 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Giá mua điện này được áp dụng 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại.

Đối với Xuân Thiện Đắk Lắk giai đoạn 2, tập đoàn có kế hoạch đưa vào vận hành từ cuối 2021 và đầu năm 2022 nhưng đến nay chưa có thông tin. Được biết, sau khi Quyết định số 13 hết hiệu lực từ ngày 31/12/2020 và Chính phủ vẫn chưa ban hành chính sách mới thì ngành điện mặt trời hầu như không ghi nhận sự tăng trưởng.

Trong năm 2021, năng lượng mặt trời cung cấp cho toàn hệ thống khoảng 27,8 triệu kWh, gấp 2,6 lần 2020. Như vậy, năng lực cung cấp của Tập đoàn Xuân Thiện tương đương 7% sản lượng cả nước.

Tương tự như nhiều tập đoàn lớn khác, Tập đoàn Xuân Thiện cũng đã huy động nguồn vốn lớn từ phát hành trái phiếu trong năm 2020 cho các dự án điện mặt trời. Theo thống kê của Người Đồng Hành, trong vòng 3 tháng từ 6 đến 8/2020, nhóm công ty thuộc sở hữu của ông Nguyễn Văn Thiện như Công ty cổ phần Ea Súp 1, 2, 3, 5, Xuân Thiện Thuận Bắc, Xuân Thiện Đắk Lắk đã huy động được 12.800 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ.

Biên lợi nhuận sau thuế từ 6 – 24%

Sau năm đầu tiên đi vào vận hành, các doanh nghiệp năng lượng mặt trời thuộc tập đoàn đều ghi nhận kinh doanh có lãi với biên lợi nhuận sau thuế từ 6 – 24%. Trong đó, Xuân Thiện Thuận Bắc và Xuân Thiện Ninh Thuận là đơn vị có biên lợi nhuận sau thuế lớn nhất lần lượt 23,6% và 17,7%. Hai doanh nghiệp này là chủ đầu tư dự án cụm điện mặt trời Xuân Thiện Thuận Bắc tổng công suất 306 MWp, đi vào vận hành từ tháng 4 và 8 năm 2020. Tổng lợi nhuận dự án tạo ra trong năm 2020 đạt 97 tỷ đồng và sang năm 2021 tăng lên 179 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp còn lại là chủ đầu tư dự án cụm điện mặt trời Xuân Thiện Đắk Lắk giai đoạn 1, đi vào vận hành từ tháng 11/2020 nên doanh thu và lợi nhuận năm này không đáng kể. Sang năm 2021, doanh thu đạt từ 340 - 500 tỷ đồng và lợi nhuận từ 30 - 43 tỷ đồng, biên lợi nhuận sau thuế từ 6 – 13%.

Đơn vị: tỷ đồng
Đơn vị: tỷ đồng

Các doanh nghiệp trên đều do Công ty TNHH Xuân Thiện Ninh Bình là cổ đông sáng lập và công ty mẹ với tỷ lệ sở hữu từ 51% đến 89%, ngoài ra ông Nguyễn Xuân Thiện cũng xuất hiện với vai trò cổ đông sáng lập.

Tuy nhiên, vào đầu tháng 7 vừa qua, tập đoàn công bố đã bán 2 dự án điện mặt trời tại Ninh Thuận cho EDP Renewables (EDPR) – tập đoàn năng lượng tái tạo lớn trên thế giới với giá 284 triệu USD (~ 6.600 tỷ đồng). Thông tin chi tiết về tỷ lệ bán không được công bố.

Tập đoàn Xuân Thiện là tập đoàn đa ngành hoạt động trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; dịch vụ khách sạn-nghỉ dưỡng, vật liệu xây dựng, logistics.... Ngoài năng lượng mặt trời, tập đoàn cũng đầu tư thủy điện từ sớm, tính đến nay đã phát triển được 20 dự án với tổng công suất 400 MW.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk vào tháng 3, ông Nguyễn Văn Thiện – Chủ tịch tập đoàn cho biết đơn vị có hơn 80 công ty thành viên trong và ngoài nước với tổng vốn điều lệ hơn 100.000 tỷ đồng, chuyên đầu tư vào lĩnh vực sản xuất năng lượng, nông nghiệp công nghệ cao, vật liệu xây dựng, tài chính ngân hàng và một số ngành dịch vụ khác. Các công ty thành viên của tập đoàn tạo ra doanh thu hàng năm 20.000 tỷ đồng.

Theo NDH