Lâu nay, nhiều người quan niệm đàn ông là “phái mạnh”, nên khi có vấn đề sức khỏe tình dục, họ không muốn người khác biết và không muốn hoặc không biết tìm gặp ai để được tư vấn, do đó, thường cảm thấy cô đơn khi gặp vấn đề về sức khỏe. Vì thế, việc giải đáp cho nhiều căn bệnh “khó nói” phổ biến của “quý ông” được các chuyên gia hàng đầu đưa ra tại hội nghị về các bệnh nam học tổ chức vào hôm nay, 6/11, cùng những giải pháp điều trị tiên tiến nhất, sẽ là “cứu cánh” cho nhiều bệnh nhân.
Những “bệnh của đàn ông”
Mang đến những kiến thức mới về vai trò của Testosterone trong cơ thể nam giới, PGS.TS. Lê Đình Tùng (Trưởng phòng Đào tạo, Đại học Y Hà Nội) cho biết: Nhiều bệnh nhân có nồng độ Testosterone thấp đã không được điều trị, do ngại ngùng khi đề cập đến các triệu chứng rối loạn chức năng tình dục, giảm ham muốn tình dục, hay cảm giác giảm sức lực và tâm trạng chán nản. Nếu không được điều trị, bệnh nhân sẽ có chất lượng cuộc sống thấp, mệt mỏi, thiếu tập trung, giảm ham muốn tình dục, giảm sức mạnh cơ bắp, loãng xương.
Ths. Đinh Thị Thu Thủy thông tin về những vấn đề liên quan đến người chuyển giới |
Các chuyên gia khẳng định tất cả nam giới suy giảm Testosterone cần được xét nghiệm và điều trị bằng cách bổ sung Testosterone qua đường tiêm, uống và bôi, để cải thiện chất lượng cuộc sống, giúp bệnh nhân tăng ham muốn tình dục, không mắc các bệnh gây rối loạn cương và dây thần kinh. Nhiều bệnh nhân nam lớn tuổi có triệu chứng chán nản, mệt mỏi, bối rối đã được cải thiện sau khi điều trị.
Cập nhật chẩn đoán và điều trị hội chứng suy giảm Testosterone, giáo sư Michael Zitzmann dựa trên các bằng chứng khoa học để phân tích và kết luận: “Không có chứng cứ Testosterone làm gia tăng nguy cơ ung thư tiền liệt tuyến”. Điều này rất quan trọng để giúp các bác sĩ trong việc điều trị cho bệnh nhân.
Chuyên gia về sức khỏe tình dục trao đổi tại hội nghị |
“Rối loạn cương dương ở những bệnh nhân mắc bệnh tim mạch” của BS. Sriram Nayaranan chỉ ra: Những bệnh nhân cần điều trị suy giảm hoạt động tình dục có tỷ lệ mắc bệnh tim mạch cao hơn. Rối loạn cương dương có thể làm tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh tim mạch, mạch vàng, đột quỵ và hầu hết nguyên nhân gây tử vong khác.
Cũng theo BS. Sriram Nayaranan: Các số liệu về dịch tễ mới đây cũng nhấn mạnh các yếu tố nguy cơ không ngờ tới có khả năng liên quan tới tình trạng rối loạn cương dương như vẩy nến, viêm khớp do gout và viêm cột sống dính khớp, gan nhiễm mỡ không do rượu và các bệnh gan mạn tính khác, viêm quanh chân răng mạn tính, viêm ruột, mệt mỏi mạn tính hoặc dị ứng phấn hoa.
Các đại biểu dự hội nghị |
GS. BS. Emmanuele A. Jannini - Chủ tịch Viện Hàn lâm Sức khỏe Cặp đôi ở Ý, chuyên gia về nội tiết, nam khoa và y học giới tính của Đại học Rome Tor Vergata, Rome - mang đến những thông tin khoa học mới nhất “Liên quan giữa xuất tinh sớm thứ phát với bệnh lý rối loạn lo âu, trầm cảm”, giúp các bác sĩ cũng như các bệnh nhân có thêm hiểu biết quan trọng trong điều trị căn bệnh này.
Đạp xe và … rối loạn cương dương
Báo cáo “Rối loạn cương dương ở những bệnh nhân đái tháo đường” của TS. Nguyễn Hoài Bắc - Trưởng Khoa Nam học và Y học Giới tính - Bệnh viện Đại Học Y Hà Nội, giảng viên Trường Đại học Y Hà Nội – cho thấy tỷ lệ rối loạn cương dương ở bệnh nhân tiểu đường cao, cơ chế rối loạn cương dương ở bệnh nhân tiểu đường phức tạp, việc điều trị khó khăn, tỷ lệ thành công thấp. Nhưng LI-ESWT là biện pháp triển vọng do làm tăng sinh mạch tân tạo, cải thiện chức năng tế bào nội mô.
TS. Nguyễn Hoài Bắc chia sẻ về “Rối loạn cương dương ở những bệnh nhân đái tháo đường” |
Trao đổi thêm về những vấn đề của các bệnh nhân nam học, TS. Nguyễn Hoài Bắc cho biết: Nhiều người tự ti về “cậu nhỏ” nên tập hay dùng các loại thuốc theo “hướng dẫn” trên mạng chứ không phải của bác sĩ chuyên khoa. “Khi đã bước qua tuổi dậy thì, không có một loại thuốc nào, hay biện pháp nào có thể kéo dài “cậu nhỏ”. Vì thế không nên sử dụng các loại thuốc hay phương tiện được giới thiệu trên mạng để làm to dương vật, vì rất nguy hiểm” – TS. Bắc lưu ý.
TS. Bắc cũng cho hay: Nguyên nhân của một số chấn thương và tổn thương vùng sinh dục, dẫn đến rối loạn cương, là do đạp xe. Ở nam giới, tập luyện môn đạp xe có thể tăng nguy cơ mắc rối loạn cương lên 2 lần so với những người không có thói quen đạp xe hoặc chơi các môn thể thao khác. Vì vậy, nên chọn loại xe có yên đủ rộng, không có mũi yên xe để giảm thiểu áp lực đè ép lên vùng đáy chậu. Để yên xe ở tư thế chúc xuống, không nên đặt ở vị trí quá cao so với khung xe; tư thế khi đạp xe vuông góc với trục xe hoặc hơi ngả về phía sau sẽ làm giảm áp lực lên vùng đáy chậu. Tăng trở lực của xe (bằng việc tăng đĩa xích) có thể làm giảm áp lực lên vùng đáy chậu.
Các chuyên gia hàng đầu thế giới ngành trong lĩnh vực Nam học và Y học giới tính đã tham gia hội nghị, như GS Michael Zitzmann của Bệnh viện Đại học Munster (Đức), GS Jean-Paul Deslypere thuộc Trung tâm Lâm sàng Aesculape CRO Pte (Bỉ), GS. Emmanuele A. Jannini, Chủ tịch Viện Hàn lâm Sức khỏe Cặp đôi (Italia) và GS. Lim Huat Chye Peter của Bệnh viện Gleneagles (Singapore) cùng các chuyên gia của Việt Nam như PGS.TS Hoàng Long, PGS.TS Lê Đình Tùng (Đại học Y Hà Nội), TS. Nguyễn Quang Bảy (Bệnh viện Bạch Mai), TS. Nguyễn Hoài Bắc, TS.DS. Đậu Thùy Dương (Đại học Y Hà Nội), TS. Mai Tiến Dũng (Bệnh viện Bình Dân TP HCM).