|
Gần 100 y, bác sĩ đang tiến hành phẫu thuật tách rời cặp song sinh Trúc Nhi – Diệu Nhi (Ảnh: Bệnh viện Nhi đồng Thành phố - TP. Hồ Chí Minh) |
Trường hợp song sinh đặc biệt
Theo Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, vào tháng 7/2019, Bệnh viện Nhi đồng TP đã tiếp nhận từ Bệnh viện Hùng Vương 1 trường hợp đặc biệt - sản phụ 25 tuổi mang thai lần đầu và vào tuần lễ thứ 16 của thai kỳ, các bác sĩ phát hiện mang thai đôi dính nhau vùng bụng chậu, 2 thai có chung 1 dây rốn.
Sản phụ được mổ lấy thai chủ động lúc thai 33 tuần, cân nặng lúc sinh cả 2 bé được 3,2 kg. Sau khi được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM, các bác sĩ hồi sức sơ sinh đã tích cực điều trị ổn định tình trạng suy hô hấp do bệnh màng trong của 2 bé cũng như các bệnh lý liên quan đến trẻ sinh non, nhẹ cân khác.
|
2 bé Trúc Nhi - Diệu Nhi chào đời với cân nặng 3,2 kg (Ảnh: Bệnh viện Nhi đồng Thành phố)
|
Qua thăm khám ban đầu, các bác sĩ nhận định đây là trường hợp song sinh dính nhau vùng bụng chậu với 4 chân tách rời theo kiểu ischiopagus tetrapus (quadripus) cực kì hiếm gặp. Ước tính trên thế giới, tỷ lệ song sinh dính nhau là 1 trên 200.000 trẻ sinh sống. Trong số đó, chỉ có 6% là dính nhau kiểu ischiopagus tetrapus.
Với các phương tiện chẩn đoán hiện đại dành cho Nhi khoa như chụp cộng hưởng từ (MRI), chụp vi tính cắt lớp mạch máu (CTA) các bác sĩ chẩn đoán hình ảnh của Bệnh viện đã phát hiện hàng loạt các bất thường tại vùng bụng chung.
|
2 bé song sinh khi mới chào đời (Ảnh: Bệnh viện Nhi đồng Thành phố)
|
Về hệ tiêu hóa, 2 bé có chung 1 phần hồi tràng, 1 khung đại tràng và chỉ có 1 lỗ hậu môn. Cùng với đó, 2 bé có 2 bàng quang nằm 2 bên của ổ bụng chung, mỗi bàng quang được 2 niệu quản xuất phát từ 2 bé khác nhau đổ vào thay vì của cùng 1 bé. Về cơ quan sinh dục 2 bé có tử cung âm đạo đôi. Ngoài ra, 2 bé còn có hở khớp mu, khung chậu 2 bé lại xếp thành 1 vòng tròn.
Sau quá trình chăm sóc điều trị liên tục hiện 2 bé nay đã được 13 tháng tuổi, nặng 15 kg với các chỉ số phát triển gần với những trẻ bình thường, đủ điều kiện sức khỏe cần thiết để được tách dính.
Để chuẩn bị nguồn nhân lực chuyên khoa cho cuộc phẫu thuật tách dính này, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh đã huy động 93 nhân viên gồm hơn 60 y, bác sĩ điều dưỡng và nhân viên Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM phối hợp hội chẩn nhiều lần cùng với gần 30 chuyên gia từ các bệnh viện và trung tâm lớn trên địa bàn như Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2; Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Xuyên Á và Bệnh viện Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh để lên kế hoạch phẫu thuật chi tiết.
|
Bé Trúc Nhi và Diệu Nhi chuẩn bị phẫu thuật (Ảnh: Bệnh viện Nhi đồng Thành phố)
|
Các chuyên gia đã lên phương án chi tiết cho cuộc mổ thuộc lĩnh vực được phân công phụ trách, bao gồm cả kế hoạch xử lý những rủi ro có thể xảy ra trong lúc mổ.
GS. BS. Trần Đông A - người từng phẫu thuật tách rời cho cặp song sinh nổi tiếng Việt - Đức cho biết: "2 bé Trúc Nhi – Diệu Nhi là trường hợp đặc biệt, thuộc loại dính nhau thuộc loại hiếm. Đây là ca dính bụng chậu vẫn sống cho đến khi phẫu thuật sau ca mổ cặp song sinh Việt - Đức cách đây 32 năm. Cả ngành Y tế đã chuẩn bị cho ca mổ này rất tốt."
|
Dự kiến ca phẫu thuật sẽ kết thúc vào 18h00 chiều tối nay (Ảnh: Bệnh viện Nhi đồng Thành phố)
|
Hiện, gần 100 y, bác sĩ đang nỗ lực từng giây, từng phút để phẫu thuật tách rời cho 2 bé Trúc Nhi và Diệu Nhi. Dự kiến, ca phẫu thuật kéo dài 12 giờ và kết thúc vào 18h00 chiều tối nay.
Kiên trì “vá lỗi của tạo hóa”
Sinh ra với một hình hài không nguyên vẹn, nương tựa nhau bằng những cơ quan, nội tạng duy nhất cho cả hai cá thể. Trúc Nhi và Diệu Nhi đã gắn bó với Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM từ khi còn trong bụng mẹ.
Mặc dù các bác sĩ đã phát hiện việc 2 bé dính nhau vùng bụng chậu, có chung 1 dây rốn nhưng cha mẹ của Trúc Nhi – Diệu Nhi đã quyết tâm nuôi dưỡng 2 con cho tới ngày chào đời. May mắn, cả 2 bé đã chào đời khỏe mạnh dưới sự chăm sóc tận tình của các y, bác sĩ.
Khi được 6 tháng, cặp song sinh dã biết ngồi đậy, bò chồm, học cách thay nhau bước lùi để tập di chuyển. Cha mẹ đã cùng các chuyên gia vật lý trị liệu, các y bác sĩ phối hợp từ những việc nhỏ nhặt nhất trong sinh hoạt thường ngày như thay tã chung, mớm sữa qua lại, hay vệ sinh đặc biệt phần thân dính liền,… cho đến những việc phức tạp hơn đòi hỏi sự phối hợp nhuần nhuyễn và dứt khoát vì hai chị em đều hiếu động, tinh nghịch và không thể cùng nhau ngồi dậy cùng lúc.
|
Cặp song sinh được chăm sóc tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (Ảnh: Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM)
|
Thế nhưng việc này không phải lúc nào cũng dễ dàng. Trong những lần cùng nhau di chuyển không ăn ý, 2 chị em đã vô tình cụng đầu và va chạm liên tục trong chiếc nôi được thiết kế riêng cho hai bé.
Hơn 1 năm kể từ khi Trúc Nhi – Diệu Nhi chào đời cũng là quãng thời gian cha mẹ 2 bé cố gắng tìm mọi cách để chữa trị cho con. Cha mẹ 2 bé đã gần kiệt quệ về tài chính, ông bà già yếu cũng chỉ chắt góp vài đồng lương hưu hỗ trợ. Do không có thu nhập nên 2 vợ chồng đã phải đi mượn người thân quen một ít vốn để mở shop bán giầy online. Tuy nhiên, mới mở cửa được 2 tháng thì phải tạm đóng cửa để tiếp tục chăm lo cho 2 bé tới ngày quyết định phẫu thuật.
|
Cha mẹ cặp song sinh xúc động trước giờ 2 bé chuẩn bị phẫu thuật (Ảnh: Bệnh viện Nhi đồng Thành phố)
|
Hôm nay, sau bao khó khăn, vất vả, tâm nguyện của cha mẹ bé Trúc Nhi – Diệu Nhi sắp được hoàn thành. “Em chỉ mong 2 bé được bình an khỏe mạnh vượt qua ca phẫu thuật lần này. Còn về tương lai đến đâu tính đến đó chứ em cũng chưa biết phải làm sao.” - Mẹ của Trúc Nhi – Diệu Nhi nghẹ ngào nói.
Trước cặp song sinh Trúc Nhi – Diệu Nhi, đã có 6 cặp song sinh khác được phẫu thuật tách rời thành công tại Việt Nam và đó là hy vọng lớn cho sự thành công của ca mổ này, nhất là những năm quan, y tế Việt Nam liên tục có các bước phát triển về cả nhi khoa lẫn ngoại khoa. Cặp song sinh Việt – Đức Nguyễn Việt và Nguyễn Đức sinh ngày 25-2-1981 tại Kon Tum trong hình dạng dính liền vào nhau ở phần bụng, có chung hậu môn và bộ phận sinh dục, có hai chân và một chân cụt. Hai bé được đưa ra Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức để chăm sóc, chữa trị. Tên Bệnh viện Việt - Đức sau đó được sử dụng để đặt cho cả hai anh em. Một năm sau, hai anh em được chuyển vào Bệnh viện Từ Dũ TP. Hồ Chí Minh để theo dõi. Năm lên 6 tuổi, Việt gặp hội chứng não cấp rơi vào hôn mê, có thể đột tử bất cứ lúc nào và được đưa qua Nhật Bản chữa trị nhưng không thành công. Trước nguy cơ Đức sẽ chết nếu chẳng may Việt qua đời, Bệnh viện Từ Dũ quyết định tách rời cặp song sinh dính liền nhau. Ngày 4/10/1988, Việt và Đức đã được êkíp mổ với sự tham gia của 70 y, bác sĩ Việt Nam, Nhật Bản và một số quốc gia khác do GS. BS. Trần Đông A làm trưởng kíp mổ phẫu thuật tách rời thành công. Ca mổ đã đi vào lịch sử y học Việt Nam và cả thế giới. Việt đã hy sinh nhiều phần cơ thể cho em, nhường lại cho Đức tất cả bộ phận có chung. Sau mổ, Việt sống bằng hậu môn nhân tạo, thông tiểu bằng ống. Được sự chăm sóc tận tình ở Làng hòa bình Từ Dũ, Việt sống được thêm 19 năm. Còn anh Nguyễn Đức đã được nhận vào Bệnh viện Từ Dũ làm nhân viên hành chính và lấy vợ sinh hai người con khỏe mạnh. Anh đã đặt tên hai đứa con mình là Phú Sĩ và Anh Đào như một sự tri ân các bác sĩ Nhật Bản đã góp phần đưa cuộc sống của anh sang trang mới. Cặp song sinh Long - Phụng Vào ngày 26/11/2013, Y học Việt Nam đã ghi nhận thêm một ca phẫu thuật tách rời thành công cặp song sinh tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM). Ca phẫu thuật tương đối phức tạp khi hai bé Phi Long – Phi Phụng bị dính liền ở tim và gan. Ca phẫu thuật kéo dài liên tục trong vòng 12 giờ đồng hồ. Bé Long có sức khỏe tốt hơn nên quá trình phẫu thuật tiến hành rất suôn sẻ, riêng bé Phụng vì không có phần xương ức và mất rất nhiều da nên bác sĩ đã tạo phần xương nhân tạo và kéo da cho bé. Tuy nhiên, 3 tháng sau ca mổ, bé Phi Phụng chuyển nặng và tử vong. Cặp song sinh Cu – Cò Hai bé Cu và Cò chào đời vào ngày 2/12/2008 tại Nghệ An, dính nhau phần bụng còn các bộ phận khác thì khá nguyên vẹn. Ca phẫu thuật của hai bé được thực hiện bởi Bệnh viện Nhi Trung ương vào ngày 17/12/2008, lúc này mới được 15 ngày tuổi. Các bác sĩ đã thực hiện thông đường tiêu hóa bị tắc của bé Cò rồi vài ngày sau đó lại phẫu thuật chuyển lại động mạch cho bé Cu. Hiện tại, hai bé vẫn đang sống khỏe mạnh với gia đình tại Nghệ An. Cặp song sinh Cúc – An Tháng 12/2002, hai bé gái Thu Cúc – Thúy An (ở Thanh Hóa) vừa sinh ra đã bị dính nhau phần bụng, ngực, ức, chung khoang màng tim, chung nhau 1 gan, chung tá tràng và ruột non. Một năm sau, hơn 50 y, bác sĩ của Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) và chuyên gia ghép gan của Mỹ lên phương án cho ca mổ kéo dài suốt 10 tiếng đồng hồ này. Gần 17h chiều 17/10/2003, lần đầu tiên sau hơn 10 tháng luôn dính chặt nhau, hai bé được ẵm ra hai giường, chính thức bắt đầu một cuộc đời mới, riêng rẽ, độc lập. Tách rời cặp song sinh dính liền gan nhỏ nhất Ngày 2/10, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP. Hồ Chí Minh đã phẫu thuật tách rời thành công 2 bé song sinh dính liền nhau phần gan. Trước đó, khi mang thai, chị N.T.H.H. (40 tuổi, ngụ Quảng Nam) đã đi chẩn đoán, xét nghiệm, hội chẩn liên viện giữa Bệnh viện (BV) Từ Dũ và BV Nhi đồng 1 (TP.HCM). Các bác sĩ cho biết sản phụ mang song thai, dính nhau phần gan. Ngày 13/8, khi thai nhi được 36 tuần tuổi, ê kíp bác sĩ BV Từ Dũ đã tiến hành mổ đẻ cho sản phụ, rồi đưa hai bé về BV Nhi đồng 1 để nuôi dưỡng và phẫu thuật tách rời. 2 bé gái sinh đôi quê Hà Giang dính nhau phần ngực, bụng Năm 2012, 2 bé gái sinh đôi quê Hà Giang dính nhau phần ngực, bụng, có chung một bộ phận sinh dục được giáo sư Nguyễn Thanh Liêm - Giám đốc Viện Nhi Trung ương- trực tiếp mổ tách rời. (Tổng hợp) |