Đây là thông tin được Tiểu ban điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống COVID-19 đưa ra tại buổi hội chẩn quốc gia các trường hợp bệnh nhân COVID-19 nặng của Bắc Giang và Bắc Ninh diễn ra vào chiều nay, ngày 28/5.
Tiểu ban điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống COVID-19 cho biết: Hiện cả nước có khoảng 97 bệnh nhân COVID-19 tiên lượng nặng; 22 bệnh nhân thở máy xâm nhập; 4 bệnh nhân phải chạy ECMO (hệ thống tim phổi nhân tạo).
Tại buổi hội chẩn, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh xin hội chẩn 2 bệnh nhân nặng. Bệnh nhân đầu tiên, 69 tuổi, đang thở máy không xâm nhập không hiệu quả. Các chuyên gia đề nghị nên đặt nội khí quản cho bệnh nhân và đổi kháng sinh.
Bệnh nhân thứ hai, 63 tuổi, đã được hội chẩn 2 lần. Theo các chuyên gia, bệnh viện nên đặt nội khí quản và sẵn sàng đặt ECMO cho bệnh nhân.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang xin hội chẩn 2 ca bệnh gồm: Bệnh nhân nữ 39 tuổi và bệnh nhân nam 63 tuổi. Với bệnh nhân nữ 39 tuổi, các chuyên gia khuyến cáo bác sĩ thay đổi liều dùng thuốc và các kháng sinh phối hợp. Còn đối với bệnh nhân 63 tuổi, các chuyên gia đánh giá bệnh nhân đang được điều trị đúng hướng.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn tham dự buổi hội chẩn (Ảnh - Ngọc Mai) |
Tính đến thời điểm hiện tại, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang đang điều trị cho 20 bệnh nhân mắc COVID-19 nặng, trong đó có 1 ca thở máy, 16 ca thở oxy, 3 ca thở không xâm nhập.
Theo GS.TS. Nguyễn Gia Bình những bệnh nhân đã phải thở oxy đều phải coi là bệnh nhân nặng. Bệnh viện phải củng cố và tăng cường hoạt động của đội ngũ cán bộ điều trị cho bệnh nhân COVID-19 để đảm bảo chất lượng và đảm bảo sức khỏe cho cán bộ y tế.
Trung tâm Y tế Hoa Lư, Ninh Bình xin ý kiến về 1 bệnh nhân nữ 47 tuổi hiện đang phải thở máy không xâm nhập. GS.TS. Nguyễn Gia Bình cho biết: Tình trạng bệnh nhân đang nặng lên nên cần lọc máu và cho bệnh nhân thở máy.
Bệnh viện Phổi Đà Nẵng xin hội chẩn 1 bệnh nhân là thuyền trưởng người Hàn Quốc. Bệnh nhân đã được hội chẩn nhiều lần. Hiện, bệnh nhân đã có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 một lần, các triệu chứng của bệnh COVID-19 đã giảm hơn, song bệnh nhân có dấu hiệu nhiễm trùng, nhiễm nấm. Vì thế, các chuyên gia đề nghị cần điều trị bệnh nhân theo hướng sốc nhiễm khuẩn, đồng thời bác sỹ điều trị cắt bớt thuốc an thần, cho bệnh nhân ngồi dậy thở máy để cải thiện cơ vận động, phục hồi chức năng.