Ca nhiễm tăng cao trên cả nước, trẻ đi học trực tiếp có thực sự nguy hiểm?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Nhiều ngày gần đây, số ca nhiễm trên cả nước tiếp tục tăng cao, ở mức gấp đôi so với trước Tết nguyên đán nhưng nhiều tỉnh thành phố vẫn lựa chọn phương án cho trẻ đi học trực tiếp tại trường.
Học sinh nhiều tỉnh, thành phố tiếp tục đến trường học trực tiếp, dù số ca nhiễm tăng cao. Ảnh: HCDC
Học sinh nhiều tỉnh, thành phố tiếp tục đến trường học trực tiếp, dù số ca nhiễm tăng cao. Ảnh: HCDC

Ca nhiễm tăng cao chóng mặt trên cả nước

Thống kê của Bộ Y tế cho biết, số mắc COVID-19 mới trung bình 7 ngày qua vượt 30.321 ca/ngày; ngày hôm qua số F0 trong ngày đã vượt trên 36.000 ca nhiễm mới; hàng loạt tỉnh, thành phố ghi nhận mỗi ngày trên 1.000 trường hợp trở thành F0. Hà Nội thường xuyên đứng đầu cả nước với số ca nhiễm xấp xỉ 4.000 F0 mỗi ngày.

Mặc dù nhiều phụ huynh bày tỏ nỗi lo lắng về tình hình dịch bệnh tiếp tục bùng phát mạnh mẽ theo các trường học và lây trở lại cộng đồng với số ca nhiễm mỗi lúc một tăng cao nhưng giai đoạn này nhiều tỉnh, thành phố vẫn lựa chọn phương án “sống chung với dịch”, cho phép học sinh đến trường học trực tiếp.

Tại TP.HCM, trước Tết nguyên đán, số ca mắc mới đã giảm tối thiểu, về mức chỉ còn khoảng hơn 100 ca nhiễm mỗi ngày, nhiều ngày liên tiếp không có ca tử vong vì COVID-19. Nhưng mấy ngày gần đây, số F0 được phát hiện mắc mới tại TP.HCM cũng đang bắt đầu tăng nhẹ, lên mức 600 F0 một ngày.

Thông tin về hoạt động dạy và học trên địa bàn TP.HCM những ngày qua, ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD&ĐT TP.HCM), cho biết, tính đến nay có 66,33% trẻ mầm non, 95,99% học sinh tiểu học, 96,98% học sinh trung học cơ sở và 98,93% học sinh trung học phổ thông đến trường học trực tiếp.

Thống kê riêng số ca nhiễm là học sinh, ông Trọng cho hay, toàn thành phố có 163 học sinh là F0 khi trở lại trường, HCDC cho hay, các em đều được xử lý điều trị kịp thời. Cụ thể ngày 14-2 có 27 ca, 15-2 có 50 ca và 16-2 có 86 ca F0 là học sinh được phát hiện.

Toàn bộ các trường đều được tập huấn về công tác phòng, chống dịch trước khi đón học sinh trở lại học trực tiếp. Ảnh: Phạm Nguyễn

Toàn bộ các trường đều được tập huấn về công tác phòng, chống dịch trước khi đón học sinh trở lại học trực tiếp. Ảnh: Phạm Nguyễn

Trả lời VietTimes, bác sĩ Nguyễn Thanh Phong (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM – HCDC) khẳng định đây không phải là con số đáng lo ngại nếu tính theo số dân. Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Phong, vì trẻ ở TP.HCM cũng mới đi học lại toàn bộ trong vòng 1 tuần trở lại đây, nên cần theo dõi thêm một thời gian nữa mới xác định được chính xác mức tăng của ca nhiễm mới và mức độ nguy hiểm của dịch bệnh.

PGS.TS.BS Đỗ Văn Dũng (Trưởng Khoa Y tế Công cộng - Đại học Y Dược TP.HCM) trả lời VietTimes cũng khẳng định: “Chắc chắn chúng ta không ai mong sân bay Tân Sơn Nhất lại vắng vẻ, đường phố TP.HCM lại không bóng người qua như thời gian đỉnh dịch hồi trước. Hiện nay, với số người di chuyển đông về nhiều vùng miền khác nhau, đúng là số ca mắc mới COVID-19 ở TP.HCM thời gian tới sẽ tăng. Nhưng điều rất quan trọng là toàn bộ người dân TP.HCM đã được tiêm đủ mũi vaccine và cả mũi bổ sung. Trải qua đỉnh dịch đợt trước, TP.HCM đã có kháng thể cộng đồng. Nên hiện giờ, theo tôi, nếu người dân TP.HCM vẫn hoạt động bình thường, đi lại, di chuyển nhưng giữ vững 5K, hạn chế tiếp xúc thì chắc chắn sẽ không có cảnh tăng đến cấp số nhân, không tạo thành làn sóng dịch gây quá tải ngành y tế như thời gian trước”.

“Sau thời gian này, khi hiệu lực của vaccine và miễn dịch đã giảm dần đi, hoặc nếu TP.HCM phải đối mặt với sự lây nhiễm mạnh của biến chủng Omicron và các biến chủng mới hơn nữa, thì tới lúc đó, TP.HCM cần tính lại về sức chống chịu với dịch bệnh COVID-19”, PGS.TS.BS Đỗ Văn Dũng nhấn mạnh.

Mặc dù các chuyên gia đều chưa lên tiếng cảnh báo về tình hình lây nhiễm COVID-19 trong nhà trường, nhưng tại cuộc họp về phòng, chống dịch COVID-19 ngày hôm qua 17/2, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý việc đưa trẻ trở lại trường cần đảm bảo an toàn, linh hoạt, tránh cực đoan. “Trong thời gian tới, cần tiếp tục triển khai kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế; kiểm soát tốc độ lây nhiễm trong trường học; có phương án xử lý khi có F0, F1 hợp lý, nhất là liên tục cập nhật hướng dẫn điều trị” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tổ chức, kiện toàn các phương thức dạy học trực tuyến, qua truyền hình, như một phần của chương trình cải cách giáo dục, thay vì chỉ triển khai trong thời gian dịch bệnh.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp (Ảnh- Văn Điệp:TTXVN)
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp (Ảnh- Văn Điệp:TTXVN)

Chính thức cấp phép sản xuất thuốc đặc trị Molnupiravir

Tin vui là ngày 17/2, Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa ký quyết định ban hành danh mục 3 loại thuốc chứa Molnupiravir sản xuất trong nước, được cấp giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam. Loại thuốc điều trị COVID-19 đặc chủng này được kỳ vọng là cứu cánh cho giai đoạn bùng phát dịch lần này trên cả nước.

Cụ thể, Cục Quản lý Dược cấp phép cho 3 loại thuốc gồm: Molravir 400: hàm lượng Molnupiravir 400 mg, dạng viên nang cứng, tuổi thọ 6 tháng, do Công ty Cổ phần dược phẩm Boston Việt Nam sản xuất. Movinavir: hàm lượng 200 mg Molnupiravir, dạng viên nang cứng, tuổi thọ 6 tháng, do Công ty cổ phần hóa dược phẩm Mekophar sản xuất. Molnuporavir Stella 400: hàm lượng 400 mg Molnupiravir, dạng viên nang cứng, tuổi thọ 8 tháng, do Công ty TNHH Liên doanh Stellapharm – chi nhánh 1 sản xuất. Thời hạn của việc cấp phép cho các loại thuốc này có hiệu lực 3 năm kể từ ngày có quyết định.