|
Người dân được lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 (Ảnh - Minh Thuý) |
Ba BV sẽ tiếp nhận bệnh nhân ở BV Hữu nghị Việt Đức
Hiện những ca F0 của chùm ca bệnh ở BV Hữu nghị Việt Đức trên địa bàn Hà Nội đã chuyển sang BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương điều trị, khoảng 150 F1 tại BV này cũng đã di chuyển đến địa điểm cách ly tập trung của thành phố Hà Nội từ rạng sáng 3/10.
Hôm nay, 4/10, BV còn 1.054 bệnh nhân, 1.018 người nhà, hơn 1.000 nhân viên y tế đang có mặt trong khuôn viên BV và tất cả những trường hợp này đã lấy mẫu xét nghiệm hai lần. Trong ngày mai, 5/10, Bệnh viện sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức lấy mẫu xét nghiệm lần ba.
Trao đổi với PV VietTimes sáng nay, 4/10, GS. TS. Trần Bình Giang - Giám đốc BV Hữu nghị Việt Đức cho biết: “BV sẽ lo toàn bộ công tác chăm sóc cho tất cả các bệnh nhân đang điều trị ở BV có người nhà đã đi cách ly để phòng dịch COVID-19”.
Lãnh đạo BV Hữu nghị Việt Đức đề nghị Bộ Y tế và Sở Y tế Hà Nội, các đơn vị chức năng hỗ trợ BV trong việc di chuyển người bệnh, người nhà nhằm giãn cách để làm sạch BV dần dần.
Ba BV đã đồng ý tiếp nhận bệnh nhân ở BV Hữu nghị Việt Đức nên tới đây, BV Việt Đức sẽ chuyển đến BV Đại học Y Hà Nội khoảng 200 bệnh nhân và người nhà họ để điều trị tiếp tục; chuyển khoảng 450 người đến BV Thanh Nhàn và khoảng 350 người đến BV Đức Giang.
Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh Lương Ngọc Khuê chỉ đạo: Việc chuyển bệnh nhân, người nhà bệnh nhân ra khỏi BV Hữu nghị Việt Đức để nhanh chóng giãn cách, làm sạch bệnh viện là yêu cầu cấp thiết. Tuy nhiên bệnh nhân, người nhà chuyển đi phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch và Giám đốc BV Hữu nghị Việt Đức phải rà soát chặt chẽ. Quá trình di chuyển đề nghị Sở Y tế Hà Nội, quận Hoàn Kiếm chỉ đạo các đơn vị liên quan hỗ trợ BV.
Ông Khuê cũng đồng ý với đề xuất của BV Hữu nghị Việt Đức là giải tỏa nhân viên y tế đã tiêm đủ hai mũi vaccine và ba lần xét nghiệm nếu âm tính có thể giãn cách ra khách sạn lưu trú, sau đó vào chăm sóc người bệnh hằng ngày, hoặc giãn cách theo hình thức phù hợp. "Tuy nhiên, cách làm phải đảm bảo an toàn"- Ông Khuê nhấn mạnh.
|
GS. TS. Trần Bình Giang – Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Ảnh - BVCC) |
Cơ bản đã khoanh vùng được chuỗi lây nhiễm trong BV
Thông tin thêm về công tác phòng, chống dịch COVID-19 sau khi xuất hiện chùm ca bệnh ở BV Hữu nghị Việt Đức, ông Trương Quang Việt - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội (CDC Hà Nội) - cho biết: CDC Hà Nội đã phối hợp với BV và quận Hoàn Kiếm để lấy mẫu đợt 2 cho khoảng 4.000 người, gồm bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, nhân viên y tế và người dân sống xung quanh khu vực.
CDC Hà Nội sẽ điều tra, truy vết dịch tễ và đánh giá chùm ca bệnh tại BV Việt Đức một cách chính xác sau đợt lấy mẫu, không bỏ sót F0, F1 hay những ca nghi ngờ. "Chúng tôi đánh giá cơ bản đã khoanh vùng được chuỗi lây nhiễm bên trong BV, kể cả những bệnh nhân đã xuất viện từ ngày 15/9 đến nay, các địa phương đều đã nắm danh sách và kiểm soát. Dựa vào kết quả xét nghiệm 4.000 mẫu lần này, chúng tôi sẽ tham mưu phương án phòng, chống dịch tiếp theo cho BV và quận Hoàn Kiếm" - ông Việt nói.
|
Người lao động ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức được lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 (Ảnh - BVCC) |
Ông Việt cho hay: "Việc đưa người nhà bệnh nhân đi cách ly tập trung là điều đã được tính đến từ trước nhằm giãn cách, hạn chế lây nhiễm chéo. Từ đêm 2/10, BV đã bắt đầu đưa hơn 100 người đến khu cách ly tập trung tại huyện Chương Mỹ. Tuy nhiên, việc bệnh nhân di chuyển nhiều giữa các khoa, phòng khác nhau trong BV đã làm tăng độ tiếp xúc và nguy cơ. Còn người nhà bệnh nhân chỉ có một không gian hạn chế để sinh hoạt, vào giờ bác sĩ thăm khám, họ buộc phải ra khỏi phòng bệnh, đi các vùng khác nhau trong BV".
Khoảng 1.100 người nhà bệnh nhân là áp lực rất lớn cho BV trong việc đảm bảo giãn cách và phòng chống dịch. Vì thế, BV cần đảm bảo tối đa nguồn nhân lực và nguồn lực y tế, để chăm sóc bệnh nhân, giúp người nhà bệnh nhân yên tâm đi cách ly tập trung.
Hiện BV Hữu nghị Việt Đức đã thành lập tổ công tác phòng chống dịch, có sự chỉ đạo của Bộ Y tế, Sở Y tế Hà Nội, CDC Hà Nội, quận Hoàn Kiếm và TTYT quận. BV có nhiều tòa nhà khác nhau nên khi phát hiện yếu tố nguy cơ sẽ phong tỏa từng khu nhà. Do bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, nhân viên y tế đã tiếp xúc với nhau nên công tác điều tra, truy vết vẫn tiếp tục diễn ra trong những ngày tới. Hiện, BV đã dừng tiếp nhận bệnh nhân thông thường, nhưng vẫn phân bố luồng riêng để tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu, chạy thận mà các BV khác chưa điều phối được.
Làm thế nào để ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan trong BV?
Trao đổi với PV VietTimes về chùm ca bệnh ở BV Hữu nghị Việt Đức, PGS.TS. Nguyễn Việt Hùng – Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội – nhận định: “Chùm ca bệnh ở BV Hữu nghị Việt Đức không đáng lo ngại. Hiện nay hầu hết các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 đều ở ngoài cộng đồng, khi mắc bệnh không có triệu chứng, dễ lây truyền nên rất khó để có thể xác định nguồn lây là từ đâu. Do đó, khi xuất hiện ca nhiễm mới thì điều quan trọng nhất là phải khoanh vùng, dập dịch”.
Để phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả trong BV, PGS.TS. Nguyễn Việt Hùng cho biết: "Bộ Y tế đã có hướng dẫn rất chi tiết về vấn đề phòng ngừa và kiểm soát lây nhiễm SARS-CoV-2 trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Mặc dù hầu hết các ca bệnh không có triệu chứng, xác định nguồn lây khó nhưng khi dịch bùng phát thì vẫn có những ca chỉ điểm – có dấu hiệu nghi ngờ hoặc có yếu tố dịch tễ liên quan tới vùng dịch. Vì thế, việc tổ chức, phân luồng, sàng lọc các ca bệnh có biểu hiện hoặc những ca bệnh không có biểu hiện ở những vùng dịch về, có tiếp xúc với đối tượng nghi ngờ (ho, sốt, khó thở,…) hoặc chính bản thân họ bị ho, sốt ngay từ khi người bệnh vàoBV là vô cùng quan trọng để phát hiện sớm bệnh nhân mắc COVID-19".
|
PGS.TS. Nguyễn Việt Hùng – Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội (Ảnh - NVCC) |
Theo PGS.TS. Nguyễn Việt Hùng, BV là nơi có nguy cơ cao dễ bùng phát dịch do tập trung đông người từ nhiều cộng đồng dân cư khác nhau. Để chủ động phát hiện sớm ca bệnh, ngoài việc phân luồng sàng lọc, các BV vẫn phải thực hiện xét nghiệm COVID-19 để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân và nhân viên y tế. “Tuy nhiên, các BV không nhất thiết phải xét nghiệm cho tất cả mọi người vì bây giờ chúng ta cần chấp nhận sống chung với COVID-19, việc xét nghiệm như vậy gây phiền toái và tốn kém. Vì vậy, các BV chỉ nên tăng cường xét nghiệm cho những đối tượng có nguy cơ, ho, sốt, đã phân luồng vào khu vực sàng lọc. Với những bệnh nhân phải nhập viện để điều trị, phẫu thuật thì cần xét nghiệm. Nhân viên y tế trực tiếp chăm sóc người bệnh cũng cần được xét nghiệm định kỳ”.
Ngoài việc phân luồng, sàng lọc, BV cần yêu cầu tất cả người dân đến khám hoặc làm việc phải tuân thủ nghiêm quy định phòng dịch, đeo khẩu trang, khử khuẩn tay bằng cồn, khai báo y tế,… ngay từ cổng. Đồng thời, BV cần nghiêm cấm người đến thăm bệnh nhân, mỗi bệnh nhân chỉ có 1 người chăm sóc ổn định để kiểm soát, có dịch vụ tối thiểu, tại chỗ trong BV (dịch vụ, ăn uống,…) để người dân hạn chế ra ngoài. Đặc biệt, BV cần đảm bảo tiêm đủ 2 mũi vaccine cho nhân viên y tế, nhất là những người làm việc theo hợp đồng dịch vụ như bảo vệ, nhân viên vệ sinh công nghiệp, giặt là...
Dự báo về tình hình dịch trong thời gian tới, PGS.TS. Nguyễn Việt Hùng cho hay: “Khi chưa bảo phủ được vaccine cho mọi người dân, một số tỉnh, thành có vẫn có tỉ lệ nhiễm cao, nhiều người dân ở các tỉnh Nam bộ di chuyển về nhà,…thì cần kiểm soát chặt việc đi lại của người dân về từ các tỉnh có dịch, đi sang các tỉnh khác để phòng, chống dịch. Nếu vaccine được bao phủ tốt thì số ca nhiễm sẽ giảm, người dân không mắc bệnh nặng. Thời gian tới có thể xuất hiện thêm F0 nhưng nguy cơ dịch lan rộng thấp, sẽ xuất hiện những đốm dịch rải rác. Chính vì thế, mỗi người dân cần thực hiện tốt 5K để chủ động phòng, chống dịch”.